Bong gân là một chấn thương thường gặp khi vận động quá mạnh hoặc sai cách trong sinh hoạt, lao động và chơi thể thao. Vậy bong gân là gì? Cách điều trị bong gân hiệu quả như thế nào?
1. Tìm hiểu về bong gân
1.1 Bong gân là gì?
Bong gân là tình trạng dây chằng (cấu trúc nối giữa 2 hoặc nhiều xương quanh 1 khớp) bị căng quá mức hoặc bị rách gây đau, giảm hoặc mất vận động khớp.
Bong gân có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trên cơ thể. Tuy nhiên phổ biến nhất là ở khớp cổ tay, cổ chân, ngón tay, ngón chân, và khớp gối.
Đa số trường hợp bong gân có mức độ nhẹ, được kiểm soát hiệu quả bằng những biện pháp chăm sóc thông thường. Tuy nhiên trong một số trường hợp khác; dây chằng có thể rách, đứt hoàn toàn hoặc gãy xương và cần được can thiệp bằng những biện pháp chuyên sâu hơn. Điển hình như phẫu thuật cố định và vật lý trị liệu phục hồi chức năng.

1.2 Phân biệt bong gân và căng cơ
Một tình trạng rất giống với bong gân mà ta cần phân biệt đó là căng cơ. Căng cơ là tình trạng gân cơ (những sợi mô dày đặc kết nối xương với cơ) bị rách hoặc căng quá mức.
Hai thuật ngữ này thường được sử dụng thay thế cho nhau, thường gây nhầm lẫn. Tựu chung lại, chúng để mô tả tình trạng căng quá mức hoặc rách các mô mềm trong và xung quanh khớp.
Các triệu chứng của bong gân và căng cơ rất giống nhau. Triệu chứng chung đều là gây đau; có thể sưng tại vùng cơ; khớp bị tổn thương, làm giảm cường độ vận động và không thể thực hiện được hết tầm các động tác của khớp.
Sự khác biệt chính là khi bị bong gân bạn có thể bị bầm tím xung quanh khớp bị ảnh hưởng; trong khi bị căng cơ, chúng ta sẽ bị co thắt ở cơ có liên quan.
1.3 Nguyên nhân gây bong gân
Bong gân thường đột ngột xuất hiện khi bệnh nhân bị chấn thương trong lao động, sinh hoạt hoặc chơi thể thao. Chấn thương khiến khớp bị chèn ép và vượt quá phạm vi chuyển động; dây chằng chịu nhiều áp lực dẫn đến căng cứng hoặc bị rách. Tình trạng này thường được gọi là bong gân cấp tính.

Đối với bong gân mãn tính, bệnh xảy thường ra khi bệnh nhân lặp đi lặp lại một số động tác trong thời gian dài khiến khớp hoạt động quá sức.
1.4 Yếu tố nguy cơ của tình trạng bong gân
Bất cứ ai cũng có thể bị bong gân trong một tình huống nào đó trong cuộc đời. Một số yếu tố gây ra nguy cơ bong gân cao hơn bình thường.
Các môn thể thao dễ bị bong gân:
Vận động viên bóng chuyền, bóng rổ, bóng đá có nguy cơ bị bong gân bàn chân, cổ chân, gối khi có xu hướng phải nhảy lên khi thi đấu.
Vận động viên thể hình, tennis, gôn có nguy cơ bị bong gân cổ tay, bàn ngón tay, khuỷu, khớp vai.
Các môn thể thao đối kháng, dễ va chạm có nguy cơ bong gân ở bất cứ vị trí nào.
Các môn đòi hỏi sức bền như chạy, đi bộ có nguy cơ bong gân ở bàn chân, cổ chân, khớp gối, thậm chí cả khớp háng.

Các yếu tố chủ quan dễ gây bong gân:
Sử dụng giày, dép không phù hợp, kém chất lượng khi thi đấu thể thao và lao động. Điều này làm giảm khả năng bảo vệ khớp và tăng nguy cơ chấn thương.
Không khởi động kĩ hoặc vận động quá mạnh trước khi chơi thể thao, làm việc nặng. Việc co duỗi và khởi động có thể giúp chúng ta làm nóng cơ thể, thư giãn khớp xương, tăng tính linh hoạt và tăng cường quá trình lưu thông máu.
Vận động quá sức, mệt mỏi khiến cơ bắp suy yếu, không đủ khả năng để hỗ trợ cho những hoạt động của khớp. Lúc này các khớp xương thường kém linh động; dây chằng căng thẳng do chịu nhiều áp lực
Các yếu tố khác quan:
Càng lớn tuổi nguy cơ chấn thương và bong gân càng cao. Nguyên nhân là do có sự thoái hóa tự nhiên của khớp và dây chằng theo thời gian.
Những người đã từng bị bong gân có nguy cơ dễ bị chấn thương lại hơn là những người chưa bao giờ bị chấn thương bong gân.
Những người thừa cân, béo phì có nguy cơ cao hơn người bình thường do các khớp phải chịu thêm lực ép của trọng lượng
Bắt đầu tham gia một môn thể thao mới vào lần tập luyện, thi đấu đầu tiên dễ có nguy nguy cơ chấn thương hơn
Những người có bệnh lý về tập trung, cân bằng có nguy cơ chấn thương cao hơn.
Môi trường xung quanh không thuận lợi như ẩm ướt, trơn trượt hoặc gồ ghề không bằng phẳng khiến bạn có nguy cơ bị dễ chấn thương khi chạy, di chuyển.
1.5 Triệu chứng của bong gân
Các triệu chứng của bong gân rất đa dạng tùy vào mức độ của tổn thương, bao gồm:
Đau
Đau luôn là một dấu hiệu cơ thể thông báo rằng chúng đang gặp vấn đề. Nếu một cơn đau xuất hiện ngay sau khi gặp phải chấn thương; đau dữ dội ngay sau chấn thương và âm ỉ sau đó; đặc biệt đau tăng khi đứng tỳ chân, vận động khớp, hoặc ấn vào vùng khớp bị tổn thương thì có thể nghĩ đến bong gân.
Sưng
Sưng là dấu hiệu luôn có khi bị bong gân; nhưng cũng cần thời gian khoảng vài giờ để biểu hiện rõ ràng. Đôi khi chúng ta chưa để ý đến chúng mà vẫn duy trì các hoạt động sau chấn thương khiến chấn thương càng nặng hơn.
Bầm tím
Đây là dấu hiệu xuất hiện muộn nhất khi các thành phần gân, cơ, dây chằng bị chấn thương và chảy máu bên trong. Qua thời gian, các thành phần thoái hóa trong máu ngấm tới da và biểu hiện thành màu tím.

Giảm vận động tại khớp bị tổn thương
Tất cả các triệu chứng đau, sưng khiến chúng ta không thể vận động khớp một cách tự nhiên như trước. Khoảng một ngày sau chấn thương, chúng ta sẽ tự cảm thấy cứng khớp; phải rất nhẹ nhàng mới vận động lại được.
1.6 Phân loại bong gân
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, bong gân được phân thành những loại sau:
Bong gân mức độ 1:
Bong gân mức độ 1 là mức độ nhẹ nhất của bệnh. Đối với cấp độ này, cấu trúc của dây chằng có sự tổn thương và kéo giãn nhẹ; bệnh nhân có biểu hiện bầm tím, đau và sưng không nghiêm trọng. Bên cạnh đó bệnh nhân không có biểu hiện co cứng hay mất ổn định khớp; không giảm chức năng và phạm vi chuyển động của khớp.
Bong gân mức độ 2:
Bong gân mức độ 2 là mức độ trung bình của bệnh. Lúc này dây chằng bị tổn thương và có thể bị rách một phần nhỏ. Đối với tổn thương mức độ 2, bệnh nhân thường có biểu hiện đau và sưng ở mức độ vừa phải. Một số khớp không linh hoạt và bị mất tính ổn định nhẹ. Ngoài ra bệnh nhân có thể khó khăn khi di chuyển, không thể đứng vững cũng như không thể chịu áp lực từ trọng lượng của cơ thể.
Bong gân mức độ 3:
Bong gân mức độ 3 là mức độ nặng của bệnh. Lúc này dây chằng tổn thương có thể bị đứt hoặc bị rách hoàn toàn; đôi khi xuất hiện một mảnh xương bị gãy. Đối với tổn thương mức độ 3, bệnh nhân có cảm giác đau đớn nghiêm trọng. Khớp bị ảnh hưởng có biểu hiện sưng và bầm tím; mất ổn định khớp nặng, không thể đứng, không thể chuyển động và không chịu được những tác động từ trọng lượng của cơ thể lên khớp.
1.7 Các khớp thường bị ảnh hưởng
Bong gân có thể xảy ra và làm ảnh hưởng đến nhiều khớp khác nhau trên cơ thể. Tuy nhiên tình trạng này phổ biến hơn ở những khớp sau:
Mắt cá chân
Mắt cá chân là vị trí dễ bị ảnh hưởng nhất. Bên cạnh đó tổn thương ở mắt cá chân thường có mức độ nghiêm trọng cao, khó điều trị và cần nhiều thời gian phục hồi; nhất là khi có gãy xương kèm theo. Hầu hết những trường hợp tổn thương mắt cá chân là do dây chằng bên ngoài mắt cá bị căng hoặc rách.
Ngón chân
Khi tăng áp lực, dây chằng căng cứng và tổn thương; bệnh nhân có thể bị bong gân khớp ngón chân chân (VD trẹo ngón chân cái). Tình trạng này thường xảy ra ở những vận động viên chạy bộ; đặc biệt là khi chạy nhanh trên bề mặt cứng.
Xương sống
Những dạng tổn thương dây chằng ở xương sống gồm:
– Bong gân lưng: Tình trạng này thường xảy ra do cơ lõi và cơ nâng người kém hoạt động.
– Chấn thương ở cột sống cổ: Chấn thương ở cột sống cổ thường xảy ra ở những bệnh nhân có thói quen gập cổ hoặc chấn thương do tai nạn.
– Tổn thương dây chằng ở đốt sống cổ.
Cổ tay và ngón tay
Tổn thương dây chằng ở cổ tay và ngón tay thường xảy ra khi bệnh nhân chống tay trong khi ngã xuống đất. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể bị gãy xương sau chấn thương. Vì thế cần sớm chẩn đoán xác định và xử lý đúng cách.
Đầu gối
Bong gân cũng thường xảy ra ở đầu gối. Đa số trường hợp tổn thương dây chằng ở khớp gối do bệnh nhân bị chấn thương khi chơi thể thao. Đặc biệt là khi chơi những bộ môn thể thao tiếp xúc như bóng chày, bóng rổ, bóng đá, võ thuật…
Đối với tổn thương dây chằng ở đầu gối, bệnh được phân thành nhiều dạng khác nhau, bao gồm:
– Tổn thương dây chằng đảm bảo trên (LCL)
– Tổn thương dây chằng đảm bảo trung gian (MCL)
– Chấn thương dây chằng chéo sau (PCL)
– Chấn thương dây chằng chéo trước (ACL)
– Trật khớp bánh chè
– Bong gân khớp dạng sợi nhỏ: Tình trạng này thường xảy ra do khớp nối xương mác và xương chày bị chấn thương xoắn.

1.8 Mức độ nghiêm trọng của tình trạng bong gân
Đa số trường hợp bong gân là những chấn thương nhẹ, có thể tự khỏi mà không cần sử dụng thuốc hay áp dụng những phương pháp điều trị chuyên sâu khác. Tuy nhiên ở một số trường hợp nặng, dây chằng bị rách hoặc đứt; bệnh nhân cần được thăm khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Đối với những trường hợp xử lý không đúng cách hoặc chậm trễ trong quá trình điều trị; bệnh nhân có thể gặp phải những vấn đề sau:
– Khả năng vận động bị hạn chế dẫn đến yếu cơ
– Dị tật ở chi
– Mất khả năng vận động ở khớp bị ảnh hưởng.
1.9 Bong gân được chẩn đoán như thế nào?
Phần lớn trường hợp bong gân có thể được chẩn đoán thông qua quá trình thăm khám những biểu hiện lâm sàng.
Chẩn đoán hình ảnh thường được chỉ định ở những bệnh nhân có tổn thương dây chằng nghiêm trọng hoặc gãy xương. Những kỹ thuật được chỉ định đối với bệnh nhân bị bong gân gồm:
Chụp X quang
Chụp X quang được dùng cho những trường hợp đau nhiều và không thể vận động do chấn thương. Chụp X quang có thể phát hiện gãy xương, trật khớp và một số tổn thương khác kèm theo (nếu có). Kỹ thuật này này thực hiện đơn giản, nhanh chóng. Nhược điểm không thể nhìn thấy được các tổ chức phần mềm quanh khớp như chụp cộng hưởng từ (MRI).

Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Chụp cộng hưởng từ (MRI) là kỹ thuật được dùng với mục đích kiểm tra cấu trúc khớp, dây chằng xung quanh và các mô mềm. Từ đó giúp phát hiện những tổn thương nghiêm trọng; xác định hướng điều trị và chẩn đoán phân loại với nhiều bệnh lý khác nhau. Nhược điểm là chi phí cao, không phải cơ sở y tế nào cũng chụp được Cộng hưởng từ.
2. Cách điều trị bong gân hiệu quả
Đa số trường hợp bong gân đều có đáp ứng tốt với những biện pháp điều trị bảo tồn; triệu chứng thường nhanh chóng thuyên giảm trong thời gian ngắn. Tuy nhiên ở những trường hợp bị chấn thương nặng; dây chằng bị rách/đứt hoàn toàn hoặc có gãy xương đi kèm, bệnh nhân cần được phẫu thuật để khắc phục tổn thương, sửa chữa dây chằng hoặc ghép gân.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, bệnh nhân được điều trị bong gân với những phương pháp sau:
2.1 Biện pháp điều trị bong gân không dùng thuốc
Một số biện pháp dưới đây có thể giúp bạn cải thiện tình trạng đau, sưng do bong gân. Đây chính là phương pháp RICE. Thực hiện cách này có thể chữa khỏi những trường hợp bong gân nhẹ.
Nghỉ ngơi (Rest)
Tránh các hoạt động gây đau, sưng hoặc khó chịu; nhưng bạn vẫn có thể vận động nhẹ nhàng.
Chườm đá (Ice)
Bạn cần phải chườm đá khu vực tổn thương để giảm sưng. Sử dụng túi nước đá hoặc khăn bọc đá lạnh và chườm trong 15-20 phút mỗi lần. Lặp lại sau mỗi 2-3 giờ trong vài ngày đầu sau chấn thương.

Băng ép (Compression)
Băng ép vùng tổn thương bằng băng thun cho đến khi hết sưng. Đừng quấn quá chặt vì có thể cản trở máu lưu thông; bạn có thể nới lỏng băng nếu cơn đau tăng lên, tình trạng tê hoặc sưng xảy ra bên dưới khu vực được quấn.

Nâng cao chi (Elevation)
Kê cao khu vực bị thương trên mức tim; đặc biệt là vào ban đêm, để giúp giảm sưng.
Sử dụng nẹp và các công cụ hỗ trợ khác
Người bệnh có thể cải thiện tình trạng sưng và đau bằng cách cố định khớp xương bị ảnh hưởng bằng nẹp. Ngoài ra phương pháp này còn có tác dụng phòng ngừa chấn thương và tổn thương dây chằng tái phát. Đồng thời dùng nẹp giúp đảm bảo tốt lượng máu đến đầu chi.
Người bệnh nên sử dụng một số dụng cụ hỗ trợ khi di chuyển để làm giảm trọng lực lên các khớp bị tổn thương; điển hình như nạng, khung di chuyển. Việc sử dụng những dụng cụ hỗ trợ có thể giúp bạn giảm đau, giảm mức độ thương tổn và di chuyển dễ dàng.
2.2 Điều trị bong gân bằng sử dụng thuốc
Để kiểm soát các triệu chứng của bong gân; bệnh nhân có được chỉ định những loại thuốc điều trị sau:
Thuốc giảm đau thông thường
Thuốc giảm đau thông thường như Paracetamol sẽ được chỉ định cho những bệnh nhân bị bong gân có mức độ từ trung bình đến nặng. Loại thuốc này có tác dụng giảm đau hiệu quả và cải thiện khả năng vận động khớp xương của người bệnh.
Thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID)
Thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID) được chỉ định cho những bệnh nhân bị tổn thương dây chằng và đau ở mức độ trung bình. Điển hình trong nhóm này như Ibuprofen, Diclofenac…vv. Các thuốc này có tác dụng xoa dịu cơn đau và chống viêm ở một số trường hợp.
Thuốc gián giảm đau
Trên thị trường có nhiều loại thuốc gián giảm đau do bong gân hiệu quả. Điển hình như miếng dán Salonpas với thành phần chính là Methyl Salicylat.
Thuốc giảm phù nề
Một số loại thuốc giảm phù nề có thể dùng như Alpha chymotrypsin, Corticoid…
2.3 Điều trị bong gân bằng phẫu thuật
Hầu hết các trường hợp bong gân đều có đáp ứng tốt với phương pháp điều trị bảo tồn. Tuy nhiên ở những trường hợp nghiêm trọng hơn, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật để cải thiện tình trạng.
Thông thường bệnh nhân sẽ được yêu cầu phẫu thuật khi gân bị rách/đứt nặng hay hoàn toàn. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và từng tình trạng; bác sĩ có thể thực hiện một số phẫu thuật:
– Nội soi khớp: sử dụng thiết bị đặc biệt đưa vào khớp thông qua một vết rạch nhỏ để loại bỏ bất kỳ mảnh xương hoặc sụn lỏng lẻo hay các phần dây chằng bị mắc vào khớp.
– Sửa chữa dây chằng: bác sĩ sẽ sửa chữa dây chằng bị rách bằng chỉ khâu hoặc thay thế dây chằng tổn thương bằng một dây chằng khác.
Sau phẫu thuật bong gân, người bệnh cần được bất động để dây chằng lành lại; sau đó cần vật lý trị liệu nhằm phục hồi khả năng vận động.
Quý bệnh nhân có nhu cầu tư vấn sức khỏe trực tuyến, xin hãy liên hệ với Bác sĩ Luân. Số điện thoại/Zalo 0395621593 hoặc Fanpage Bác sĩ Luân – Bệnh viện Yên Lạc để được hỗ trợ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Luân