Cách điều trị và kỹ thuật mổ u bã đậu không tái phát

U bã đậu là một loại u lành tính hay gặp dưới da. Phẫu thuật là hướng điều trị duy nhất có thể chữa khỏi được căn bệnh này. Mổ u bã đậu đa phần chỉ cần làm tiểu phẫu là có thể giải quyết được. Tuy nhiên đây là loại u rất hay tái phát vì vậy cần phải có kỹ thuật mổ bài bản để hạn chế điều này. Sau đây là Cách điều trị và kỹ thuật mổ u bã đậu không tái phát.

Cách điều trị và kỹ thuật mổ u bã đậu không tái phát
U bã đậu mang tai

1. Đôi nét về u bã đậu

U bã đậu là một dạng u có cấu tạo bởi lớp vỏ bọc, bên trong là chất bã mềm màu vàng nhạt hoặc trắng đục. U thường không gây đau, không gây ác tính. U sẽ to dần theo thời gian và gây cảm giác khó chịu. U bã đậu có thể tấy đỏ, đau nhức khi có sự xâm nhập của vi khuẩn gây viêm.

Tuyến bã có nhiệm vụ bài tiết một chất như sáp hay dầu – gọi là chất bã. Chất này đi theo một ống đổ vào nang lông, rồi thoát ra ngoài ở lỗ chân lông, giúp bôi trơn da. Khi ống tuyến bã bị tắc, chất bã sinh ra không được bài xuất, tích tụ lại, dần dần hình thành u bã đậu.

U thường xuất hiện ở các vùng da dễ bị tiết nhiều mồ hôi dầu. Vị trí hay gặp là vành tai, tai, mặt, nách, lưng, ngực, vai, mông, bộ phận sinh dục.

Khi u nhỏ, u nổi cục giống như mụn bọc. Nhiều người hay nhầm tưởng u bã đậu với mụn nên tự ý rạch, nặn lấy nhân bên trong nhưng u lại mọc tiếp, tái đi tái lại nhiều lần. Mới đầu u không gây đau hay khó chịu. Thời gian sau, chất bã tích tụ nhiêu hơn sẽ làm khối u tăng dần kích thước.

Khi u lớn hơn, u nổi lên trên mặt da. Sờ vào có cảm giác mềm, mặt khối u nhẵn. Ấn nắn thấy u di động được.

Khi u đã to sẽ chiếm lĩnh không gian của các tổ chức xung quanh gây khó chịu và sự mất thẩm mỹ tăng lên.

2. Cách điều trị u bã đậu

Điều trị u bã đậu là phải phẫu thuật. Quy mô ở mức tiểu phẫu là đủ cho đại đa số trường hợp, trừ khi bướu lớn đến mức không thể mổ với gây tê tại chỗ.

Hiện nay có 4 cách mổ tiểu phẫu u bã đậu:

Cắt bỏ rộng:

Lấy bỏ hoàn toàn vỏ bao u nên tránh được tái phát. Muốn vậy, phải đi đường mổ dài hơn phần u lộ trên bề mặt da một chút và phải khâu da, nên sẹo có thể đáng kể.

Cắt bỏ tối thiểu:

Thường dùng cho những u bã đậu vùng mặt do yêu cầu thẩm mỹ. Chỉ rạch da 2-3 mm, sau đó nặn chất bã ra rồi dùng kẹp kéo lộn vỏ bao u ra ngoài qua vết rạch. Vết mổ nhỏ nên không cần khâu hay chỉ khâu 1 mũi, sẹo sẽ ít hơn. Kỹ thuật này được xem là ít xâm hại và cũng thành công nếu lấy trọn được vỏ u. Tuy nhiên, nếu lấy không hết vỏ bao u bã đậu hay u bị vỡ lúc bóp nặn thì dễ bị tái phát.

Sử dụng dụng cụ bấm sinh thiết (punch biopsy):

Tạo một lỗ vào trung tâm u rồi nặn chất bã và vỏ bao bướu ra. Với cách này, sẹo mổ nhỏ nhưng nguy cơ tái phát cũng tương tự cách mổ tối thiểu.

Rạch dẫn lưu:

Áp dụng khi u bã đậu bị nhiễm trùng tạo mủ. Vết rạch để hở không khâu. Sẹo thường xấu và u hay bị tái phát. Khi đó phải mổ lại lần 2 lấy bỏ trọn khối u.

Một số quan điểm về mổ u bã đậu

Trường hợp u bã đậu bị viêm, có tác giả như Kitamura vẫn chủ trương cắt bỏ, rửa vết mổ rồi khâu da thì đầu. Tuy nhiên, nhiều tác giả khác khuyên nên điêu trị nội khoảng 1 tuần rồi mổ. Không nên mổ lúc vỏ u còn viêm vì dễ vỡ, khó lấy được hết.

Cho đến nay, không có thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng nào so sánh 3 kỹ thuật: cắt bỏ rộng, cắt bỏ tối thiểu và lấy bỏ bằng dụng cụ bấm sinh thiết trong điểu trị bướu bã. Trong nỗ lực tìm kiếm bằng chứng cho thực hành lâm sàng, Moore (2007) ghi nhận cách lấy bỏ bướu bằng dụng cụ bấm sinh thiết tỏ ra ít tốn thời gian và sẹo đẹp hơn so với cắt bỏ rộng (khuyến cáo mức độ B). Tuy vậy, nhiều tác giả vẫn khuyến cáo áp dụng cách cắt bỏ rộng kinh điển để tránh tái phát.

3. Vì sao sau mổ u bã đậu lại hay tái phát

Trong khi phẫu thuật, cần phải loại bỏ hoàn toàn các tổ chức bã đậu bên trong cũng như cả vỏ bọc u bên ngoài. Nếu quá trình lấy bỏ mà vẫn còn sót thì khả năng u bã đậu sẽ tái phát là rất cao.

U bã đậu là một bệnh cơ địa cho nên u phát triển ở những vị trí nhiều mồ hôi. U mới mọc cạnh khu vực u mổ cũ cũng là điều hay gặp.

Cách giải quyết hữu hiệu nhất để tránh bị tái phát là phải phẫu thuật sớm và phẫu thuật triệt để. Để lâu ngày u bã đậu sẽ bị viêm nhiễm càng khó xử lý. Nếu sau có xử lý thì khả năng tái phát cao hơn khi là mổ sớm.

Bệnh nhân bị u bã đậu nên tìm đến các bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm để mổ. Khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ kiểm soát kỹ các phần của u chưa được lấy ra (đặc biệt là vỏ bao) và loại bỏ hết chúng, không cho u có cơ hội mọc lại.

4. Kỹ thuật mổ lấy trọn u bã đậu tránh tái phát về sau

Đây chính là kỹ thuật mổ cắt bỏ rộng kinh điển (traditional wide excision).

Chuẩn bị dụng cụ mổ

Dụng cụ mổ cần thiết để mổ cắt bỏ u bã đậu bao gồm:

Khay đựng dụng cụ + khăn vô trùng phủ lên khay.

Khăn lỗ.

Găng tay vô trùng.

3-4 kẹp cầm máu đầu nhỏ (kẹp Mosquito).

Dao mổ (nên chọn dao số 11 hay 15).

Nhíp.

Kéo phẫu tích nhỏ.

Kéo cắt chỉ.

Kẹp mang kim.

Chỉ khâu.

Gạc.

Dung dịch sát trùng (povidine, betadine).

Thuốc tê (lidocaine hay xylocaine 2%,…), adrenaline 1/1000 để pha.

Ống chích + kim để gây tê trong da, gây tê dưới bướu.

Băng dính để băng vết thương.

Ngoài ra, nếu phòng tiểu phẫu có điều kiện trang bị máy đốt điện. Có thể chuẩn bị sẵn máy đốt phòng khi cần cầm máu mô dưới da.

Các bước phẫu thuật

Cho bệnh nhân nằm tư thế thuận lợi trên bàn mổ, bộc lộ vùng mổ.

Sát trùng da bằng dung dịch povidine hay betadine.

Phẫu thuật viên rửa tay, mang găng, trải khăn lỗ.

Gây tê tại chỗ:

Gây tê trong da theo đường mổ trên u hay quanh u, gây tê dưới u. Lưu ý không chích thuốc tê vào u vỉ sẽ làm tăng áp lực trong u dẫn đến vỡ u. Có thể kiểm tra việc này bằng cách để ngón tay cái và ngón tay trỏ ôm sát quanh u. Khi chích thuốc tê mà thấy u căng ra là đã chích thuốc vào u, phải rút kim và đồi hưởng chích.

Rạch da:

Nếu u không bị viêm, không có sẹo cũ, không có chỗ lõm màu đen ở trung tâm thì có thể rạch đường thẳng qua trung tâm u. Nếu u bị viêm, có sẹo cũ, có lõm ở trung tâm hay u lớn mà ước đoán nếu mổ theo đường thẳng sẽ bị dư 2 mép da nhiều thì rạch da hình elíp.

Ở từng mép đường rạch (ở đây đang nói đến đường rạch da hỉnh elíp), dùng mũi dao tiếp tục rạch từ từ, sâu dần vào trong da. Rạch đến vỏ u hay sát vỏ u thì ngừng lại. Lưu ý là không nên nôn nóng rạch đứt hoàn toàn qua da vì nhiều khả năng sẽ phạm vào vỏ u. Người phụ nên dùng kẹp Mosquito cầm mép da của đường rạch kéo căng về một phía trong khi phẫu thuật viên dùng nhíp cầm mép da đối diện kéo theo hướng ngược lại để thấy rõ đường cắt.

Sau khi thấy rõ giới hạn một bên u, tiếp tục dùng kẹp Mos­quito và kéo phẫu tích ôm sát chiều cong của vỏ u và cắt rời u khỏi mô xung quanh. Tiếp tục làm tương tự với bên đối diện. Nếu có chỗ chảy máu nhiều, phải đốt cầm máu (nếu có máy đốt) hay kẹp rồi buộc chỉ.

Cách điều trị và kỹ thuật mổ u bã đậu không tái phát
Hướng chích thuốc tê: Gây tê trong da theo đường mổ (trái), gây tê dưới u (phải)

Sau khi lấy u ra ngoài phải kiểm tra xem có rách vỏ u chỗ nào không. Nếu có, phải tìm lấy mảnh vỏ u còn sót. Cầm máu lại kỹ vết mổ.

Khâu vết mổ:

Thường chỉ cần khâu 1 lớp bằng chỉ không tan, cỡ 3-0 hay 4-0. Trừ trường hợp mổ u bã đậu ở mặt có thể dùng chỉ nhỏ hơn. Nếu u lớn, vùng khuyết sau mổ lấy u đáng kể thì phải đóng 2 lớp, bao gồm lớp mỡ dưới da và da riêng.

Băng kín vết mổ.

Cách điều trị và kỹ thuật mổ u bã đậu không tái phát
Các bước mổ u bã đậu: (A) U bã đậu ở lưng; (B) Gây tê trong da theo đường mổ dự kiến; (C) (D) Gây tê lớp sâu dưới u; (E) Rạch da hình elíp; (F) Bóc tách từng bên u phần trong da bằng dao, đi sát vỏ u; (G) Kết hợp dùng kéo tách u khỏi mô dưới da; (H) Lấy trọn u ra ngoài.

5. Điều trị sau mổ u bã đậu phòng tái phát

Bệnh nhân sau mổ u bã đậu thường có thể về nhà ngay. Người bệnh sẽ được uống thuốc theo đơn, hướng dẫn cách chăm sóc và theo dõi các dấu hiệu biến chứng sau mổ.

Uống thuốc theo đơn

Nên có thuốc giảm đau uống. Thường nhóm par­acetamol là đủ và cũng chỉ cần trong một vài ngày đầu. Kháng sinh có thể sử dụng theo kiểu dự phòng nếu mổ ngoài lúc viêm nhiễm. Trong trường hợp có biến chứng viêm nhiễm, có thể dùng kháng sinh theo kiểu điều trị. Thời gian dùng kháng sinh tùy mức độ viêm nhiễm và diễn tiến tại chỗ sau mổ.

Chăm sóc vết thương

Với vết mổ sạch, người bệnh có thể tự thay băng mỗi ngày. Với vết mổ bẩn, có mủ, cần phải thay băng hằng ngày ở y tế địa phương hay bác sĩ gia đình.

Thường trung bình sau từ 1 đến 2 tuần có thể cắt chỉ vết mổ. Riêng vết mổ ở mặt có thể cắt chỉ sớm hơn (khoảng 5-7 ngày). Vết thương ở những vùng da căng, chịu lực có thể cắt chỉ muộn hơn.

>> Xem thêm: Vết thương đã khâu sau mấy ngày có thể cắt chỉ được?

Dặn bệnh nhân cần quay lại tái khám ngay khi có các dấu hiệu như: vùng mổ sưng to, đau nhức nhiều, chảy máu hay dịch qua vết mổ.

Theo dõi biến chứng có thể gặp sau mổ u bã đậu

Tụ máu hay tụ thanh dịch vùng mổ:

Thường gặp sau mổ lấy bỏ những u bã đậu lớn, để lại khoảng trống đáng kể. Tụ máu, tụ dịch nhiều gây sưng, đau vùng mổ, chậm lành vết mổ. Có khi phải xử trí lại bằng dẫn lưu máu hay dịch tụ. Phòng ngừa tốt nhất là cầm máu kỹ, khâu đóng khoảng chết và băng ép có trọng điểm.

Chảy máu vết mổ:

Biến chứng này ít khi gặp, thường do cầm máu không kỹ. Xử trí bằng băng ép hay mở vết mổ cầm máu lại nếu chảy nhiều.

Nhiễm trùng vết mổ:

Biểu hiện bằng đau nhức tại chỗ, sưng đỏ mép vết mổ hay chảy dịch bẩn qua vết mổ. Xử trí bằng cách cắt chỉ để hở vết mổ, chăm sóc tại chỗ kết hợp với kháng sinh.

Quý bệnh nhân có nhu cầu tư vấn sức khỏe trực tuyến, xin hãy liên hệ với Bác sĩ Luân. Số điện thoại/Zalo 0395621593 hoặc Fanpage Bác sĩ Luân – Bệnh viện Yên Lạc để được hỗ trợ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Luân

2 bình luận về “Cách điều trị và kỹ thuật mổ u bã đậu không tái phát”

Viết một bình luận