Gãy mấu chuyển xương đùi là một loại chấn thương khá nặng hay gặp ở người già. Vậy gãy mấu chuyển xương đùi là gì? và điều trị bệnh như thế nào?
1. Đại cương
Gãy mấu chuyển xương đùi là loại gãy xương khá phổ biến chiếm 55% trong trong tất cả các loại gãy đầu trên xương đùi. Bệnh hay gặp nhất là ở những người cao tuổi (trên 60 tuổi) do chất lượng xương kém, ở phụ nữ gặp cao gấp 2-3 lần nam giới vì tỷ lệ loãng xương cao.
2. Dấu hiệu nhận biết gãy mấu chuyển xương đùi
Khi bị gãy mấu chuyển xương đùi bệnh nhân không tự đứng dậy được, vận động háng rất đau. Chân bên gãy sẽ ngắn hơn chân bên lành, bàn chân đổ xoay ngoài sát mặt giường/sàn.
3. Phương pháp chẩn đoán
Chụp X quang khung chậu thẳng, nghiêng có thể dễ dàng chẩn đoán xác định gãy mấu chuyển và phân loại các thể gãy
4. Phân loại gãy mấu chuyển xương đùi theo AO
Các tác giả AO chia gãy mấu chuyển thành 3 nhóm chính A1 – A2 – A3. Trong mỗi nhóm chính lại có 3 tiểu nhóm: A1.1; A1.2; A1.3;…

Loại A1:
Loại gãy đơn giản có một đường gãy chạy từ mấu chuyển lớn đến vỏ xương bên trong gồm 3 dạng sau:
A1 – 1: Đường gãy nền cổ mấu chuyển.
A1 – 2: Đường gãy liên mấu chuyển
A1 – 3: Đường gãy dưới mấu chuyển bé.
Loại A2:
Loại gãy mấu chuyển có nhiều mảnh rời hướng đường gãy được xác định giống loại A1 nhưng vỏ thân xương bên trong gãy thành 3 mức.
A2 – 1: Gãy có một mảnh rời.
A2 – 2: Gãy có 2 mảnh rời.
A2 – 3: Gãy có nhiều hơn 2 mảnh rời.
Loại A3:
Đường gãy chạy từ vỏ thân xương đùi ngay dưới mấu chuyển lớn chạy vào trong mấu chuyển bé, nếu đường gãy bên ngoài bắt đầu từ dưới mấu chuyển lớn kết thúc bên trong trên mấu chuyển bé thì loại gãy này cũng được xếp vào nhóm A3 (đường gãy chéo ngược)
A3 – 1: Đường gãy đơn giản (chéo, chếch lên)
A3 – 2: Đường gãy đơn giản (ngang)
A3 – 3: Gãy A3 – 1 có kèm gãy mấu chuyển nhỏ.
Ý nghĩa lâm sàng của phân độ gãy theo AO
A1: Là loại gãy vững dễ nắm chỉnh.
A2: Là loại gãy không vững, đặc biệt là A2 – 3.
A3: Là loại gãy rất không vững, dễ di lệch, khó nắn chỉnh, hay di lệch khép.
5. Điều trị gãy mấu chuyển xương đùi
5.1 Nguyên tắc chung
Gãy mấu chuyển xương đùi chủ yếu xảy ra ở những cơ địa thể trạng già yếu. Bệnh nhân phải nằm bất động lâu ngày hàng tháng, thậm chí hàng năm, điều này dẫn đến những hậu quả hết sức nặng nề như suy kiệt tuổi già, viêm phổi, viêm đường tiết niệu, loét tỳ đè…vv. Các bệnh nhân gãy mấu chuyển xương đùi sẽ yếu đi từ từ và tử vong do các biến chứng trên.
Có 2 phương pháp điều trị đó là điều trị bảo tồn và phẫu thuật:
Trước kia khi trình độ y học chưa phát triển, điều trị bảo tồn được áp dụng rộng rãi, tuy nhiên tỷ lệ tử vong trong năm đầu tiên còn cao.
Phẫu thuật gãy xương, bệnh nhân sẽ phải chấp nhận nhiều nguy cơ như tai biến gây mê, hồi sức thất bại, nhiễm trùng vết thương…vv. Tuy nhiên khi đã vượt qua được giai đoạn khó khăn trong và sau mổ này, người bệnh sẽ dễ chịu hơn, chăm sóc dễ hơn, giảm số ngày nằm giường và quan trọng nhất là giảm tỷ lệ tử vong.
Xu hướng hiện nay bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật rộng rãi hơn xưa.
5.2 Điều trị bảo tồn
Chỉ định ở những trường hợp gãy di lệch ít, bệnh nhân có thể ngồi dậy được và ở những bệnh nhân thể trạng yếu và có nhiều bệnh mãn tính kết hợp mà không thể tiến hành phẫu thuật được.
Kê gối, đặt nẹp giữ bàn chân vuông thẳng:
Kết hợp dùng thuốc giảm đau, khuyến khích bệnh nhân ngồi dậy sớm, ngồi xe lăn hàng ngày. Khi thể trạng khá hơn thì tập đi với xe đẩy, nạng không tỳ. Chăm sóc tốt, sau 3 – 4 tháng xương liền, bệnh nhân đi được nhưng có biến dạng chân ngắn và xoay ngoài
Kéo liên tục
Áp dụng ở người trẻ hơn không có điều kiện mổ. Xuyên đinh kéo tạ ở đầu dưới xương đùi, kéo liên tục 10-12 tuần. Sau đó cho đi nạng đến khi liền vững (khoảng 8 tháng sau gãy)
Kéo nắn bó bột
Dùng cho người trẻ hơn không có điều kiện mổ, để bột 10-12 tuần, bột khô cho đứng lên và tập đi nạng
5.3 Điều trị phẫu thuật
Nên mổ sớm thì kết quả sẽ tốt hơn. Cần chú ý đến chất lượng xương, tính chất mảnh gãy, thể trạng bệnh nhân, bệnh lý nền…vv để lựa chọn phương pháp thích hợp nhất.
Các phương pháp được dùng như: đóng đinh qua da, đóng đinh nội tủy, nep vít, thay khớp háng… Mỗi phương pháp đều có ưu nhược điểm riêng


6. Phòng ngừa gãy xương ở người già
Gãy liên mấu chuyển xương đùi người già là chấn thương nặng, gây hậu quả rất xấu. Vì vậy, cần quan tâm sức khỏe, chế độ ăn uống, sinh hoạt để tránh nguy cơ loãng và gãy xương. Đồng thời cần đến bệnh viện kiểm tra định kỳ độ loãng xương để kịp thời cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cũng như lượng calcium và vitamin D cần thiết.
Khi bị gãy xương vùng háng, đặc biệt gãy cổ xương đùi, liên mấu chuyển chuyển xương đùi, bệnh nhân cần được sớm đưa đến bệnh viện xử lý kịp thời.
Quý bệnh nhân có nhu cầu tư vấn sức khỏe trực tuyến, xin hãy liên hệ với Bác sĩ Luân. Số điện thoại/Zalo 0395621593 hoặc Fanpage Bác sĩ Luân – Bệnh viện Yên Lạc để được hỗ trợ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Luân