Người bị tiểu đường có được tiêm phòng vắc xin Covid-19 hay không?

Nhiều quý bệnh nhân/bạn đọc có gửi câu hỏi về Fanpage Bác sĩ Luân – Bệnh viện Yên Lạc với nội dung người bị tiểu đường có được tiêm phòng vắc xin Covid-19 hay không? Hay vắc xin có tương tác với thuốc tiểu đường như thế nào? Hãy cùng Bác sĩ Luân giải đáp các thắc mắc trên.

Tiểu đường sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh khi mắc Covid-19 so với những người bình thường. Tiêm phòng vắc xin là giải pháp thiết thực hàng đầu giúp giảm nhẹ gánh nặng bệnh dịch. Người bị tiểu đường là đối tượng cần được ưu tiêm tiêm phòng nhưng phải thận trọng khi tiêm.

1. Bệnh nhân tiểu đường đối mặt với nguy cơ gì trước đại dịch Covid-19?

Người có bệnh lý nền nói chung và bệnh tiểu đường nói riêng là đối tượng có nguy cơ cao nhiễm virus. Thậm chí tiên lượng nặng và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Theo thống kê của tổ chức Y tế Thế giới – WHO, cứ 100 ca tử vong vì Covid thì có 9 ca liên quan đến bệnh lý tiểu đường.

Các chuyên gia cho biết người tiểu đường không kiểm soát tốt đường huyết sẽ dễ bị nhiễm Covid-19 hơn so với người tiểu đường kiểm soát tốt đường huyết. Nguyên nhân là do đường huyết tăng cao trong thời gian dài khiến hệ miễn dịch suy yếu. Dễ nhiễm các loại virus, vi khuẩn và làm chậm quá trình hồi phục khi bị bệnh.

Đáng lo hơn, khi bệnh tiểu đường không kiểm soát tốt đường huyết còn dễ dẫn đến các biến chứng nặng. Nếu đồng thời nhiễm thêm Covid-19 thì càng làm tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng này. Tiến triển nhanh và tỷ lệ tử vong càng cao.

Hệ miễn dịch suy yếu sẽ làm dễ nhiễm bệnh và dễ gặp biến chứng nặng

2. Cần ưu tiên tiêm vắc xin sớm cho những người bị tiểu đường

Vậy người bị tiểu đường có được tiêm phòng Covid-19 hay không? Câu trả lời lời là không những được tiêm mà họ cần phải được tiêm sớm.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tiêm vắc xin là bước quan trọng giúp người tiểu đường giảm nguy cơ lây nhiễm, giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong nếu nhiễm COVID-19. Trong đó, người có bệnh lý nền tiểu đường là đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin miễn phí theo Nghị quyết 21/NQ-CP.

Các loại vắc xin đang được triển khai tiêm chủng tại Việt Nam đều được Tổ chức Y tế Thế giới WHO cấp phép sử dụng và Bộ Y tế phê duyệt. Các vắc xin này đảm bảo an toàn với các đối tượng được tiêm chủng, trong đó có người tiểu đường. Người bệnh tiểu đường cần cân nhắc tiêm chủng càng sớm càng tốt để bảo vệ sức khỏe.

Tiêm phòng vắc xin Covid-19 giúp giảm nhẹ gánh nặng bệnh dịch cho người tiểu đường

3. Vắc xin Covid-19 có tương tác với các thuốc điều trị tiểu đường hay không?

Không ít người cảm thấy lo lắng về vấn đề tương tác thuốc trị tiểu đường và vắc xin Covid-19. Bệnh nhân tiểu đường luôn phải dùng thuốc thường xuyên nhằm duy trì độ ổn định của đường huyết. Có khi phải kết hợp nhiều loại với nhau mới có hiệu quả. Ngoài ra, có những người tiểu đường còn bị kèm theo cả nhiều bệnh lý nền khác. Điều này dẫn tới việc phải phối hợp thêm nhiều loại thuốc khác nhau.

Tuy nhiên người bệnh không cần quá lo ngại về vấn đề này. Thường thì thành phần của vắc xin không gây ảnh hưởng gì tới các thuốc đang được sử dụng để điều trị tiểu đường, tăng huyết áp hay một số bệnh lý kèm theo. Nhưng trong trường hợp cơ địa bệnh nhân hay bị dị ứng với kháng sinh, mỹ phẩm hoặc đang dùng các thuốc chống đông máu thì phải hết sức lưu ý.

Khi đi tiêm chủng hãy thông báo, liệt kê đầy đủ các loại thuốc đang sử dụng. Bác sĩ sẽ có chỉ định về việc tiêm vắc xin. Quan trọng nhất là bệnh nhân cần tuân theo những hướng dẫn từ cán bộ y tế.

4. Những lưu ý với người tiểu đường khi tiêm phòng Covid-19

Những lưu ý quan trọng để người tiểu đường đảm bảo an toàn cho bản thân trước, trong và sau khi tiêm vắc xin:

– Tìm hiểu kỹ về loại vắc xin bản thân sẽ tiêm, các phản ứng phụ có thể gặp phải để chuẩn bị phương án hỗ trợ khi cần

– Mang đầy đủ giấy tờ tùy thân, sổ theo dõi sức khỏe. Nắm rõ tiền sử dị ứng, tiền sử bệnh tật, các thuốc đang sử dụng để thông báo đầy đủ cho bác sĩ. Các bác sĩ sẽ khám sàng lọc, tư vấn đảm bảo an toàn trước khi tiêm.

– Tuân thủ nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế khi tới địa điểm tiêm

– Dự phòng thông tin liên hệ của bác sĩ chuyên khoa hoặc cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ kịp thời khi có dấu hiệu bất thường sau tiêm

– Người bệnh cần đảm bảo sức khỏe và tinh thần tốt trước khi tiêm. Không nên nhịn đói, không uống rượu bia, không tự ý ngừng thuốc tiểu đường. Kiểm soát tốt chỉ số đường huyết và bệnh lý nền là yếu tố then chốt đảm bảo an toàn cho người bệnh trước, trong và sau khi tiêm.

Quý bệnh nhân có nhu cầu tư vấn sức khỏe trực tuyến, xin hãy liên hệ với Bác sĩ Luân. Số điện thoại/Zalo 0395621593 hoặc Fanpage Bác sĩ Luân – Bệnh viện Yên Lạc để được hỗ trợ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Luân

Viết một bình luận