Corticoid là một nhóm thuốc được sử dụng phổ biến trong các bệnh cơ xương khớp. Sau đây là Hướng dẫn sử dụng thuốc Corticoid được lấy từ phụ lục tài liệu Phác đồ chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp do Bộ Y tế ban hành năm 2014.
1. Nguyên tắc sử dụng thuốc thuộc nhóm Corticoid trong cơ xương khớp
– Chỉ chỉ định thuốc khi có chẩn đoán chính xác và thực sự cần thiết.
– Sử dụng trong thời gian ngắn nhất có thể; giảm liều và ngừng ngay khi triệu chứng hoặc bệnh được kiểm soát.
– Theo dõi thường xuyên và kết hợp phòng ngừa biến chứng do thuốc (tổn thương dạ dày tá tràng, rối loạn điện giải, tăng đường máu, tăng huyết áp, nhiễm khuẩn, loãng xương…).

2. Bảng tóm tắt đặc điểm và liều quy chuẩn một số Corticoid
Thời gian tác dụng ngắn (T bán hủy sinh học 8 – 12 giờ)
Thuốc | Hiệu lực kháng viêm | Tính giữ Na+ | Ái lực với receptor Corticoid | Liều quy chuẩn (mg) |
Cortisol | 1 | 1 | 100 | 20 |
Cortison | 0,8 | 0,8 | 1 | 25 |
Fluorocortison | 10 | 125 | – |
Thời gian tác dụng trung bình (T bán hủy sinh học 12 – 36 giờ)
Thuốc | Hiệu lực kháng viêm | Tính giữ Na+ | Ái lực với receptor Corticoid | Liều quy chuẩn (mg) |
Prednison | 4 | 0,8 | 5 | 5 |
Prednisolon | 4 | 0,8 | 220 | 5 |
Methyl prednisolon | 5 | 0,5 | 1190 | 4 |
Triamcinolon | 5 | 0 | 190 | 4 |
Thời gian tác dụng trung dài (T bán hủy sinh học 36 – 72 giờ)
Thuốc | Hiệu lực kháng viêm | Tính giữ Na+ | Ái lực với receptor Corticoid | Liều quy chuẩn (mg) |
Betamethason | 25 | 0 | 740 | 0,75 |
Dexamethason | 25 | 0 | 540 | 0,75 |
3. Các đường dùng thuốc Corticoid trong cơ xương khớp
Đường uống:
Thường sử dụng các dạng thuốc viên. Liều 1 viên prednison 5mg tương đương với 1 viên của các loại thuốc sau: cortison (25mg),
methylprednisolon (4mg), triamcinolon (4mg), betamethason (0,75mg).
Đường tại chỗ (tiêm trong hay cạnh khớp, tiêm ngoài màng cứng, tiêm vào trong ống sống):
Phải được bác sỹ chuyên khoa chỉ định và tuân thủ quy định vô trùng chặt chẽ.
Đường tiêm bắp hay tiêm tĩnh mạch:
Đường tiêm bắp hiện nay hầu như không được sử dụng trong điều trị các bệnh khớp vì các tác dụng tại chỗ khá nghiêm trọng (teo cơ, nguy cơ nhiễm khuẩn).
Liều dùng (tính theo prednisolon):
+ Liều thấp: 5-10mg/24 giờ, trung bình: 20-30mg/24 giờ, liều cao: 60-120mg/24giờ (1-2mg/kg/24 giờ).
+ Đối với các bệnh thấp khớp, thường cho liều 0,5mg/kg/24 giờ, sau đó giảm liều 10% mỗi tuần. Từ liều 15mg trở đi, giảm 1mg/tuần. Có thể cho cách ngày. Dùng kéo dài: không quá 5-10mg/24 giờ.
Phác đồ điều trị đặc biệt:
+ Truyền glucocorticoid tĩnh mạch liều cao (còn có các tên đồng nghĩa là bolus therapy; flash therapy hoặc pulse therapy):
Chỉ định trong trường hợp đặc biệt (đợt tiến triển của lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp, viêm mạch…). Hiện nay ít dùng đường này. Phải theo dõi bệnh nhân nghiêm ngặt..
Cách dùng: Truyền tĩnh mạch 750mg đến 1000mg (1 gam) methylprednisolon sodium succinat pha trong 250-500ml dung dịch natriclorua 0,9%, truyền tĩnh mạch trong 2 -3 giờ, dùng một liều duy nhất trong ngày, nhắc lại 3 ngày liên tiếp. Sau liều này, chuyển đường uống với liều tương đương với prednisolon 1,5-2mg/kg/24h.
+ Mini bolus therapy (mini pulse therapy)
Chỉ định: Tương tự như phương pháp bolus therapy (pulse therapy)
Thuốc: Methylprednisolon sodium succinat với liều 2mg/kg/24giờ; hoặc dexamethason với liều 0,4mg/kg/24h.
Cách dùng: Pha trong 250ml dung dịch natriclorua 0,9% truyền tĩnh mạch 30 giọt/phút, trong 3 – 5 ngày liền. Sau liều này, chuyển đường uống với liều tương đương với prenisolon 1-2 mg/kg/24 h sau đó giảm dần tùy theo đáp ứng của bệnh nhân.
4. Chế độ điều trị bổ sung khi khi sử dụng Corticoid
Cần lưu ý chế độ điều trị bổ sung, đặc biệt khi sử dụng với liều prednisolon trên 10mg mỗi ngày, càng phải được thực hiện nghiêm ngặt khi liều càng cao hoặc kéo dài trên 1 tháng.
– Kali: 1-2 gam kali chlorua mỗi ngày.
– Vitamin D: 800 UI kết hợp 1000 mg calci mỗi ngày.
– Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày: Nhóm ức chế bơm proton uống trước khi đi ngủ (omeprazol 20mg…)
– Benzodiazepin trong trường hợp mất ngủ.
– Bisphosphonat (alendronat 70mg/tuần; risedronat 35mg/tuần; ibandronat 150mg/tháng). Chỉ định khi sử dụng glucocorticoid kéo dài trên 1 tháng (bất kể liều nào)
Quý bệnh nhân có nhu cầu tư vấn sức khỏe trực tuyến, xin hãy liên hệ với Bác sĩ Luân. Số điện thoại/Zalo 0395621593 hoặc Fanpage Bác sĩ Luân – Bệnh viện Yên Lạc để được hỗ trợ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Luân