Áp xe là gì? Cách điều trị áp xe dưới da

Áp xe dưới da hay còn gọi là mụn nhọt, hậu bối, chín mé… là một bệnh nhiễm trùng rất hay gặp. Bệnh thường gây khó chịu, đau đớn cho người mắc phải. Vậy áp xe là gì? Cách điều trị áp xe dưới da đúng nhất được thực hiện như thế nào?

1. Áp xe là gì?

Áp-xe (bắt nguồn từ tiếng Pháp: abcès), hiểu đơn giải là một bọc mủ hình thành bên trong các mô của cơ thể.

Căn cứ vào vị trí, có thể chia áp xe ra làm 2 nhóm chính:

– Áp xe ở mô dưới da: còn gọi là mụn nhọt, hậu bối… Hay gặp ở răng, nách, bẹn, lưng, mông, tầng sinh môn…

– Áp xe bên trong cơ thể: Áp xe vú, gan, phổi, não..

Triệu chứng lâm sàng điển hình của áp xe bao gồm 4 dấu hiệu: Sưng – Nóng – Đỏ – Đau. Khi khối áp xe lớn sẽ gây sốt, mệt mỏi.

Với những áp xe dưới da khi tự vỡ hoặc khi chích rạch sẽ giải phóng dịch mủ tanh hôi. Với áp xe sâu bên trong cơ thể, tùy theo vị trí của ổ áp xe, trên lâm sàng có thể gặp thêm nhiều dấu hiệu khác nhau.

Áp xe là gì?

2. Nguyên nhân và sự hình thành Áp xe dưới da

Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng áp xe dưới da là do:

– Các tuyến bã nhờn, tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn

– Nang lông bị viêm, nhiễm trùng

– Vật nhọn đâm vào da gây ra vết thủng.

Tất cả những tình trạng trên tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Lúc này, để bảo vệ chống lại tác nhân gây bệnh; bạch cầu sẽ được điều động đến nơi bị nhiễm trùng nhằm tiêu diệt vi khuẩn. Những tế bào bạch cầu và vi khuẩn bị chết sẽ tạo thành mủ. Từ vị trí khởi phát ban đầu, khối áp xe có mủ được hình thành và phát triển ra khu vực xung quanh, gây viêm, đau nhức.

Nếu không điều trị, khối áp xe sẽ tiếp tục diễn tiến theo 2 xu hướng:

– Với áp xe nhẹ và nhỏ, có thể tự tiêu hoặc hình thành nang xơ vôi hóa mà không cần dùng thuốc hay phẫu thuật.

– Với các áp xe lớn, chúng sẽ tiếp tục phát triển to hơn rồi tự vỡ chảy mủ trên mặt da hoặc ăn sâu xuống các tổ chức bên dưới.

3. Cách điều trị áp xe dưới da (mụn nhọt)

3.1 Chích rạch ổ áp xe (chích nhọt)

Mục đích:

Chích rạch là biện pháp đầu tiên và quan trọng nhất. Mục đích của việc này là giải phóng tối đã số lượng mủ đọng trong ổ áp xe.

Mủ trắng tanh hôi có bản chất là xác bạch cầu và vi khuẩn chết. Ngoài ra xen kẽ chúng là số lượng khổng lồ các vi khuẩn đang hoạt động mạnh và những mảnh tế bào tổn thương. Khi còn có mủ là còn có nguồn nuôi dưỡng vi khuẩn, cản trở sự lành thương. Giải phóng được chúng sẽ cắt đứt 90 % nguồn gây bệnh; xu thế liền thương sẽ thắng thế xu thế mở rộng nhiễm trùng.

Quy trình:

Kỹ thuật mổ chích rạch áp xe để dẫn lưu dịch mủ ra ngoài bao gồm những bước như sau:

– Đầu tiên, bệnh nhân sẽ được tiêm gây tê tại chỗ bằng thuốc tê. Ổ áp xe có đặc điểm ngấm thuốc tê rất kém nên rất khó để bệnh nhân hết đau hoàn toàn. Tuy nhiên việc gây tê tốt cũng làm giảm đáng kể sự đau đớn.

– Vùng mổ sẽ được bôi dung dịch sát khuẩn cồn I-ốt và đặt khăn vô trùng xung quanh.

– Bác sĩ sẽ dùng dao chích rạch, mở rộng miệng của ổ áp xe để dịch mủ và các tế bào chết được đưa ra ngoài. Cố gắng phải lấy bằng được “ngòi” của ổ, đây là vị trí trung tâm dày mủ nhất.

– Bơm rửa, sát khuẩn nhiều lần bằng Oxy già và các chất sát khuẩn khác để đảm bảo làm sạch tối đa mủ.

– Khi mủ được đưa hết ra ngoài thì ổ áp xe bây giờ chỉ còn như một cái túi có không gian rỗng ở bên trong. Lúc này bác sĩ sẽ nhét đầy gạc tẩm cồn i-ốt vào khoảng không này để cầm máu và dẫn lưu dịch vết thương ra hằng ngày.

– Miệng vết chích sẽ được để hở và không khâu lại. Bác sĩ sẽ băng vết thương và hướng dẫn cách chăm sóc thay băng những ngày sau.

Khối áp xe ban đầu
Tiêm tê tại chỗ
Chích rạch mở rộng miệng khối áp xe
Đánh rửa làm sạch ổ mủ
Đặt dẫn lưu

3.2 Thay dẫn lưu và thay băng hằng ngày

Gạc nhét sâu trong ổ áp xe được gọi là dẫn lưu. Vết thương đã chích dù ít hay nhiều qua từng ngày sẽ phát sinh mủ mới; vì vậy ta cần phải thay dẫn lưu và băng lại hằng ngày.

Khi thay băng cần rửa sạch vết thương bằng nước muối sinh lý sau đó sát khuẩn lại bằng cồn i-ốt. Tuyệt đối không sử dụng ô xy già khi thay băng vì đây là chất sát khuẩn cực mạnh; ngoài tiêu diệt vi khuẩn chúng còn phá hủy cả các tế bào lành gây chậm liền thương.

Gạc dẫn lưu nên được tẩm cồn i-ốt để tăng tính sát khuẩn.

Động tác lấy dẫn lưu cũ và nhét dẫn lưu mới cần nhẹ nhàng, tránh làm đau đớn.

Những lần đặt dẫn lưu mới nên đặt nông hơn ngày hôm trước. Điều này tạo điều kiện cho đáy vết thương đầy nhanh hơn. Tuy nhiên cũng không được đặt nông quá vì nguy cơ không dẫn lưu hết được dịch.

Đáy vết thương sẽ đầy dần qua từng ngày

3.3 Sử dụng kháng sinh điều trị áp xe

Nguyên nhân gây áp xe dưới da là do vi khuẩn nên đồng thời với việc chích rạch, ta cần phải sử dụng cả kháng sinh phối hợp.

Nếu nhiễm trùng nhẹ có thể sử dụng kháng sinh uống. Khi đã nhiễm trùng nặng, nên sử dụng kháng sinh đường tiêm.

Việc lựa chọn kháng sinh nào chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của người thầy thuốc. Nếu nuôi cấy được vi khuẩn để chọn thuốc theo kháng sinh đồ là tốt nhất.

Như vậy có 2 nguyên tắc chính cần phối hợp cùng lúc với nhau để điều trị khối áp xe được hiệu quả:

– Thứ nhất, lấy sạch mủ ở ổ áp xe: Chích rạch tốt, đặt dẫn lưu tốt.

– Thứ hai, sử dụng các biện pháp để chống nhiễm trùng: Sát khuẩn thay băng hằng ngày, dẫn lưu nên tẩm cồn i-ốt và sử dụng kháng sinh.

Quý bệnh nhân có nhu cầu tư vấn sức khỏe trực tuyến, xin hãy liên hệ với Bác sĩ Luân. Số điện thoại/Zalo 0395621593 hoặc Fanpage Bác sĩ Luân – Bệnh viện Yên Lạc để được hỗ trợ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Luân

1 bình luận về “Áp xe là gì? Cách điều trị áp xe dưới da”

Viết một bình luận