Bị áp xe có nguy hiểm không? Nguyên nhân và triệu chứng bị bệnh

Áp xe phần mềm dưới da hay còn gọi là mụn nhọt, hậu bối, chín mé… là một bệnh nhiễm trùng rất hay gặp. Bệnh thường gây khó chịu, đau đớn cho người mắc phải. Vậy bị áp xe có nguy hiểm không? Nguyên nhân và dấu hiệu của bệnh áp xe như thế nào?

1. Áp xe phần mềm là gì?

Áp xe phần mềm là một ổ tụ mủ khu trú trong mô mềm (ở đây là da và tổ chức mô mềm dưới da) do đáp ứng viêm với vi khuẩn hay ngoại vật. Đáp ứng này có thể coi như là một phản ứng bảo vệ nhằm ngăn chặn sự lan tràn của chất gây nhiễm đến những phần khác của cơ thể.

Quá trình hình thành, nguyên nhân và triệu chứng khi bị áp xe

2. Quá trình hình thành ổ áp xe

Vi khuẩn hay ngoại vật gây nhiễm đầu tiên sẽ giết chết các tế bào tại chỗ. Điều này dẫn đến phóng thích cytokines. Chất này phát động một đáp ứng viêm làm thu hút bạch cầu đa nhân trung tính và gia tăng dòng máu đến vùng bị viêm nhiễm. Tùy mức độ, hậu quả của đáp ứng viêm tại chỗ có thể dẫn đến hình thành ổ áp xe. Trung tâm ổ là mủ do mô hoại tử bị rữa ra cộng với xác bạch cẩu, vi trùng,… Bao xung quanh là một hàng rào phản ứng viêm còn gọi là màng sinh mủ (pyogenic membrane). Tiếp đó, quá trình xơ hóa sẽ gia cố thêm cho hàng rào bao quanh. Sự xơ hóa này tạo thành vỏ bọc của ổ áp xe.

Áp xe ở da và mô dưới da thường có xu hướng phát triển ra bể mặt da. Thậm chí áp xe có thể vỡ ra ngoài da.

Áp xe phần mềm có thể xảy ra ở bất cứ phần nào của cơ thể. Thường gặp nhất là ở vùng nách, vú, mông và tay chân. Vùng cổ, mặt, lưng cũng hay gặp.

Quá trình hình thành, nguyên nhân và triệu chứng khi bị áp xe
Sơ đồ cắt ngang ổ áp xe

3. Nguyên nhân bị áp xe

Hầu hết các trường hợp áp xe phần mềm hình thành khi vi trùng xâm nhập qua bề mặt da. Ví dụ như qua vết trầy xát hay đâm chọc ở da, qua nang lông, ống tuyến sữa… Một số trường hợp khác, vi trùng có thể xâm nhập qua đường máu.

Phần lớn tác nhân là Tụ cẩu vàng (Staphylococcus aureus). Vi khuẩn này trong điều kiện bình thường cũng được tìm thấy trên bề mặt da. Loại này gây hoại tử nhanh, hình thành mủ sớm và khu trú với lượng lớn mủ vàng mịn. Áp xe do Tụ cầu vàng là thể điển hình của áp xe phần mềm. Gần đây, ở nhiều nơi trên thế giới, xuất độ áp xe phần mềm gia tăng đồng hành với sự xuất hiện chủng Tụ cầu vàng kháng Methicillin (Methicillin-resistant Staphylococcus aureus – MRSA).

Tác nhân đứng thứ 2 là Liên cầu (Streptococcus) như Liên cẩu sinh mủ (Streptococcus pyogenes), Liên cầu nhóm B (group B Streptococ­cus). Liên cầu tán huyết alpha thường có xu hướng gây viêm lan rộng. Đặc trưng bởi hiện tượng hồng ban, phù, xuất tiết dịch và rất ít hoặc không gây hoại tử. Đây là dạng điển hình của viêm mô tế bào.

Vi trùng Gram âm và kị khí hiếm khi gây áp xe ở da và mô mềm.

3. Phân loại các ổ áp xe

Áp xe phẩn mềm có thể được phân loại theo:

– Vị trí: Ở nông trên bề mặt da hay sâu dưới da. Bài này không đề cập đến áp xe sâu trong nội tạng.

– Nguyên nhân: Áp xe nguyên phát do nhiễm trực tiếp từ tác nhân gây bệnh hay thứ phát từ một số bệnh toàn thân (chẳng hạn như

lao,…).

– Thời gian: Áp xe đang ở giai đoạn cấp tính với đầy đủ triệu chứng của viêm cấp hay ở giai đoạn mà các triệu chứng đã giảm. Áp xe ở giai đoạn hình thành (hóa mủ) hoàn toàn hay chưa hoàn toàn.

4. Triệu chứng khi bị áp xe phần mềm

Phần lớn các áp xe phần mềm được chẩn đoán dựa trên lâm sàng. Bệnh nhân thường than đau và chỉ rõ được chỗ đau cho bác sĩ. Nhiều bệnh nhân đau đến mất ngủ. Các dấu hiệu nhiễm trùng toàn thân (sốt cao, mạch nhanh,…), sốc nhiễm trùng có thể có trong trường hợp nặng.

Khi khám, dấu hiệu điển hình của áp xe phần mềm là sưng, nóng, đỏ, đau ở một vùng nào đó trên cơ thể. Giai đoạn đầu, áp xe chưa hình thành mủ thì nhìn sẽ thấy một vùng da sưng tấy, nóng nhưng sờ thấy chắc, ấn đau. Khi mủ đã hình thành và phát triển ra nông thì nhìn có thể thấy trên nền màu đỏ của ổ viêm. Có chỗ màu trắng hay vàng do mủ sắp vỡ, sờ có dấu hiệu phập phều, ấn đau nhói. Có khi bệnh nhân tới khám khi áp xe đã vỡ tự phát và chảy mủ hôi ra ngoài.

Quá trình hình thành, nguyên nhân và triệu chứng khi bị áp xe
Dấu hiệu khi bị áp xe điển hình

Tuy nhiên, nếu áp xe ở sâu thì có thể không có dấu hiệu phập phều mặc dù mủ đã hình thành nhiều. Thậm chí nếu ở quá sâu, ta có thể không nhận biết được các dấu hiệu như sưng, đỏ mà chỉ phát hiện được một vùng đau.

Áp xe có thể gây phản ứng viêm theo hệ thống bạch huyết dẫn lưu nên khi khám có thể thấy sưng đau các hạch bạch huyết vùng tương ứng.

5. Các dấu hiệu khi làm cận lâm sàng

Nói chung, các xét nghiệm cận lâm sàng không cần thiết trong đa số các trường hợp và không cần áp dụng thường quy. Tuy nhiên, tối thiểu có thể cẩn xét nghiệm công thức bạch cầu/máu, xét nghiệm đông-cầm máu để chuẩn bị mổ rạch dẫn lưu. Một số cơ địa đặc biệt cần phải làm thêm một số xét nghiệm như đường máu, đường niệu,…

Siêu âm nên được chỉ định trong những trường hợp mà qua thăm khám chưa rõ là viêm mô tế bào lan tỏa hay áp xe, những trường hợp nghi ngờ áp xe ở sâu. Siêu âm trước mổ giúp đo được kích thước, xác định các ngóc ngách của ổ áp xe.

Chọc hút ổ áp xe vừa giúp chẩn đoán vừa có ý nghĩa điều trị. Chọc hút có mủ giúp xác định chẩn đoán, lấy bệnh phẩm cấy trùng. Tuy nhiên, chọc hút không ra mủ không thể loại trừ chẩn đoán hoàn toàn. Có khi kim chọc không tới hay kim quá nhỏ trong khi mủ quá đặc. Chọc hút dẫn lưu cũng thường không có hiệu quả khi mủ đặc hay ổ áp xe lớn.

6. Bị áp xe có nguy hiểm không?

Chúng ta thường sẽ lo lắng rằng liệu bị áp xe có nguy hiểm không? Nhiều trường hợp áp xe dưới da không nguy hiểm và tự biến mất theo thời gian. Điều này xảy ra khi cơ thể đã giải quyết được mầm bệnh trong ổ áp xe.

Tuy nhiên ở chiều hướng ngược lại, khi cơ thể không giải quyết được mầm bệnh, khối áp xe sẽ ngày càng phát triển. Khối áp xe quá to có thể ăn sâu xuống dưới rồi phá hủy những cơ quan lân cận. Nếu những quan này là quan trọng với sự sống thì tình trạng trở nên rất nguy hiểm. Ngoài ra, ổ áp xe to cũng có thể có lúc giải phóng ồ ạt vi khuẩn vào trong máu. Lúc này sẽ gây ra tình trạng sốc nhiễm khuẩn, bệnh nhân có thể tử vong.

Một số yếu tố quyết định đến sự nguy hiểm của áp xe phần mềm dưới da bao gồm:

Kích thước khối áp xe: Khối áp xe càng to thì càng nguy hiểm. Hay gặp ắp xe to ở mông, đùi

Tình trạng xâm lấn của áp xe: Áp xe đã xâm lấn và nội tạng bên dưới sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều áp xe phần mềm dưới da đơn thuần

Giai đoạn áp xe: Thời khì toàn phát, lúc áp xe sưng, nóng, đỏ, đau nhất là lúc nguy hiểm nhất. Qua được giai đoạn này, khối áp xe sẽ được khu trú lại.

Loại vi khuẩn gây bệnh: Nếu vi khuẩn không kháng thuốc, đáp ứng với điều trị thì bệnh sẽ nhẹ hơn.

Các bệnh lý kèm theo: Ở những người bệnh bị suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng, gan thận kém, người nằm liệt giường, người già yếu … áp xe diễn diễn biến nặng hơn là ở người trẻ khỏe.

7. Hướng điều trị áp xe là như thế nào?

Khi áp xe nhỏ thì có thể điều trị khỏi ở nhà. Nhưng áp xe lớn hơn thì cần đến bác sĩ để được khám và tư vấn.

Không giống như các bệnh nhiễm trùng khác, dùng thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng hạn chế đối với áp xe. Lí do là vì tổ chức của áp xe thường có vách ngăn, vì thế mà kháng sinh khó tiếp cận được bên trong áp xe để tiêu diệt vi khuẩn. Chúng ta sẽ phải đến bác sĩ để chích rạch mở hút mủ khối áp xe và dẫn lưu. 

Tuyệt đối không nên cố gắng tự nặn áp xe tại nhà. Thao tác này không thể lấy hết được mủ và làm cho vi khuẩn đi xa hơn. Bệnh sẽ nặng hơn. Khi bị áp xe, ta cần đến bệnh viện và nhờ sự thực hiện của các bác sĩ để điều trị một cách triệt để nhất.

Quý bệnh nhân có nhu cầu tư vấn sức khỏe trực tuyến, xin hãy liên hệ với Bác sĩ Luân. Số điện thoại/Zalo 0395621593 hoặc Fanpage Bác sĩ Luân – Bệnh viện Yên Lạc để được hỗ trợ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Luân

Viết một bình luận