Viêm mũi họng là một bệnh rất hay gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh có những triệu chứng đặc trưng như ho, đau rát họng, chảy nước mũi, sốt…vv. Tuy nhiên, việc phòng tránh viêm mũi họng có thể thực hiện tốt bằng 10 biện pháp sau:
1. Rửa tay thường xuyên

Mầm bệnh gây viêm họng có thể lây truyền từ người này qua người khác qua đôi bàn tay. Vì vậy cần rửa tay cho trẻ thường xuyên và dạy cho trẻ thói quen tự rửa tay. Đây là biện pháp quan trọng nhất để phòng bệnh.
2. Giữ ấm cho trẻ đúng cách
Thời tiết lạnh là một yếu tố thúc đẩy khởi phát viêm mũi họng. Cần giữa ấm cho trẻ đặc biệt tại các vị trí như cổ, ngực, bàn tay, bàn chân.
3. Vệ sinh răng miệng hằng ngày
Răng miệng là nơi lưu trú nhiều loại vi khuẩn khác nhau, rèn luyện thói quen vệ sinh răng miệng hằng ngày không những hạn chế được viêm mũi họng mà còn phòng ngừa được nhiều bệnh lý khác nhau.
4. Vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng nước muối

Sử dụng bình rửa mũi để vệ sinh mũi, điều này có tác dụng chống khô mũi, tiêu tan dịch nhầy và vệ sinh mũi khỏi những vi khuẩn hàng ngày. Súc họng bằng nước muối là một thói quen tốt giúp sát khuẩn tiêu diệt mầm bệnh.
5. Từ bỏ những thói quen xấu
Phụ huynh cần dạy trẻ cách từ bỏ một số thói quen như mút ngón tay, ngoáy mũi, cắn móng tay,.. đây là những cách nhanh nhất để đưa mầm bệnh vào khu vực mũi họng.
6. Ăn uống đầy đủ nâng cao thể trạng

Đảm bảo chế độ ăn hợp lý, cân đối, đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng. Cần tăng cường những loại thực phẩm giàu vitamin C như cam, chanh, dứa, xoài, kiwi… để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Uống đủ nước, theo khuyến cáo của Hội Nhi khoa Việt Nam và Viện Dinh dưỡng thì nhu cầu nước với trẻ mần non là khoảng 100 ml/kg cân nặng . Nếu có điều kiện nên cho trẻ dùng một số loại thực phẩm chức năng nâng cao sức đề kháng.
7. Tránh khói bụi, ô nhiễm
Tránh để trẻ tiếp xúc với thuốc lá, nên đeo khẩu trang cho trẻ khi ra đường. Không gian vui chơi của trẻ cần sạch sẽ, tránh đất cát bụi bặm.
8. Tiêm chủng đầy đủ
Tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin như vacxin cúm, vacxin viêm đường hô hấp sẽ giúp trẻ chủ động phòng bệnh, tránh bội nhiễm gây viêm mũi họng.
9. Khám bệnh kịp thời

Khi có biểu hiện bất thường về mũi họng, nên đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt tại các cơ sở y tế chuyên khoa để giúp phát hiện và xử trí bệnh kịp thời. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, sẽ rút ngắn thời gian điều trị, tăng hiệu quả điều trị và tránh được những biến chứng nguy hiểm về sau. Bên cạnh đó, đối với những trẻ bị bệnh về mũi họng cần được điều trị dứt điểm. Cha mẹ không nên thấy trẻ đỡ là dừng thuốc. Việc tự ý dừng thuốc không chỉ gây tình trạng nhờn thuốc mà còn có thể để lại những biến chứng khôn lường. Hãy điều trị đủ liều thuốc, đủ thời gian theo hướng dẫn của bác sĩ.
10. Cách ly hợp lý
Khi trẻ bị viêm mũi họng, có thể xem xét cho trẻ nghỉ học tránh lây nhiễm cho các bạn cùng lớp. Đồng thời khi lớp học có nhiều bạn mắc bệnh, cô giáo nên cập nhật tình hình cho các phụ huynh được biết và cân nhắc việc đi học của trẻ.
Quý bệnh nhân có nhu cầu tư vấn sức khỏe trực tuyến, xin hãy liên hệ với Bác sĩ Luân. Số điện thoại/Zalo 0395621593 hoặc Fanpage Bác sĩ Luân – Bệnh viện Yên Lạc để được hỗ trợ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Luân