Các loại chỉ phẫu thuật tự tiêu và không tiêu

Chỉ là một vật liệu không thể thiếu trong xử lý vết thương và trong phẫu thuật. Tùy từng loại vết thương mà bác sĩ có thể sử dụng những loại chỉ phẫu thuật tự tiêu và không tiêu khác nhau.

1. Chỉ phẫu thuật là gì?

Chỉ phẫu thuật (Surgical Sutures) là vật liệu có tác dụng đóng vết thương và các mô hở bằng cách sử dụng chỉ khâu lên vết thương. Các loại chỉ gồm 2 loại chính là chỉ tự tiêu và chỉ không tiêu.

Chỉ phẫu thuật

Chỉ phẫu thuật tự tiêu:

Đây là loại chỉ được các enzyme trong mô tế bào cơ thể phân giải một cách tự nhiên sau một khoảng thời gian nhất định sử dụng. Thường sau khi vết thương đã ổn định hoàn toàn thì chỉ sẽ tự tan ra và biến mất.

Chỉ phẫu thuật tự tiêu được làm với nhiều chất liệu khác nhau từ protein động vật hoặc polymer tổng hợp có thể được phá vỡ và hấp thụ bởi men sinh lý…vv

So với chỉ không tiêu, chỉ tự tiêu được sử dụng rộng rãi hơn. Chỉ thường được sử dụng trong các trường hợp như phẫu thuật răng miệng, nhổ răng khôn, khâu rách cơ bắp và mô liên kết, ghép da, phẫu thuật ổ bụng, sinh mổ, khâu tầng sinh môn do dạ sinh con ngã âm đạo, khâu cắt âm đạo…vv

Chỉ phẫu thuật không tiêu:

Trái ngược với chỉ tự tiêu, chỉ không tiêu cần phải cắt bỏ sau khi vết thương lành lại. Bệnh nhân phải tái khám để bác sĩ xử lý chỉ. Một số trường hợp đặc biệt, chỉ không tiêu có thể sẽ được lưu lại vĩnh viễn.

Chỉ không tiêu được lựa chọn nhiều cho các vết thương ngoài da bởi tính bền chắc nhằm làm căng da và những trường hợp đặc trưng khác tùy vào mục đích của bác sĩ.

2. Các loại chỉ phẫu thuật tự tiêu

2.1 Chỉ Catgut

Được cắt nghĩa từ tên Catgut (hoặc Kittegut); xuất phát từ loại đàn Kitte với dây đàn làm bằng ruột mèo.

Hiện nay, chỉ phẫu thuật Catgut được làm từ nhiều loại ruột gia súc khác nhau; đặc biệt là gia súc có sừng như cừu. Chỉ gồm 2 loại: Chỉ Plain/Simple Catgut có thời gian giữ vết khâu tốt khoảng 7-10 ngày, tan hoàn toàn sau 70 ngày; Chỉ Chromic Catgut (gồm thành phần ruột gia súc và muối chromic) thì thời gian giữ vết khâu khoảng 14-21 ngày, tan hoàn toàn sau 90 ngày.

Ưu điểm: Chỉ không cần cắt hoặc xử lý sau khâu, giảm được công chăm sóc vết mổ, người bệnh được ra viện sớm, ít gây sẹo mối sau khâu.

Chỉ Chromic Catgut

2.2 Chỉ phẫu thuật Polyglycolic acid (Chỉ Dexon)

Polyglycolic acid là loại chỉ tự tiêu tổng hợp. Chỉ giữ vết khâu tốt trong khoảng 30 ngày; thời gian tan hoàn toàn từ 60 – 90 ngày tùy vào mức độ hồi phục của cơ thể.

Ưu điểm: So với chỉ Catgut, chỉ không có chứa collagen, không kháng nguyên. Polyglycolic có độ dai cao hơn, ít gây phản ứng trong tổ chức.

Loại chỉ này thường được dùng trong các trường hợp khâu tổ chức cơ, gân, đóng da dưới biểu bì.

Chỉ Polyglycolic acid

2.3 Chỉ phẫu thuật Polydioxanone (Chỉ Maxon)

Polydioxanone là loại chỉ phẫu thuật đơn sợi được làm từ chất liệu tổng hợp. Chỉ có độ dai tốt nhất so với các loại chỉ tổng hợp khác. Thời gian tự tiêu lâu hơn chỉ Polyglycolic acid. Thời gian chịu lực căng giữ vết khâu tốt tới 60-90 ngày, và phải mất đến 180-210 ngày để chỉ tan hoàn toàn.

Loại chỉ này khá an toàn, ít gây ra các phản ứng tổ chức. Chỉ thường được dùng để khâu những tổ chức mềm, thực quản, ruột, khí quản, gân cơ…

Nhược điểm: Hơi cứng và khó điều khiển.

Chỉ Polyglyconate (Maxon)

2.4 Chỉ phẫu thuật Polyglactin 910 (Chỉ Vicryl)

Chỉ Polyglactin 910 tương tự loại chỉ phẫu thuật tự tiêu Polyglycolic acid. Tuy nhiên, chúng có độ dai kém hơn. Thời gian giữ vết khâu khoảng 30 ngày, tự tan hoàn toàn khoảng 56 đến 70 ngày.

Chỉ Polyglactic acid

2.5 Các loại chỉ tự tiêu Rapid (Chỉ tự tiêu tan nhanh)

Bao gồm Chỉ Polyglactin 910 Rapid (Chỉ Vicryl Rapid) và Chỉ Polyglycolic Acid Rapid (Chỉ Dexon Rapid).

Bản chất các loại chỉ này chính là chỉ Vicryl và chỉ Dexon; tuy nhiên chúng được kết hợp thêm một số hợp chất giúp chỉ tan nhanh hợn so với sợi Vicryl gốc và Dexon gốc ban đầu.

Thời gian chịu lực giữ vết thương tốt của Chỉ Vicryl Rapid cùng Dexon Rapid là 7-10 ngày; thời gian tan hoàn toàn là 42 ngày.

Để biết chính xác thời gian tự tiêu của từng loại chỉ phẫu thuật, mời các bạn truy cập theo bài viết: Chỉ phẫu thuật tự tiêu trong bao lâu?

3. Các loại chỉ phẫu thuật không tiêu

Chỉ phẫu thuật không tiêu được sử dụng thường xuyên với các vết thương trên bề mặt da. Chỉ cũng được sản xuất với nhiều chất liệu và ưu, nhược điểm riêng.

3.1 Chỉ thép không gỉ

Chỉ phẫu thuật thép không gỉ được làm từ chất liệu hợp kim sắt nghèo carbon với loại sợi đơn hoặc bện.

Ưu điểm: Đây là loại chỉ đắt nhất, ít gây phản ứng nhất. Thường được dùng trong các trường hợp khâu dây chằng, khâu xương, cân…

Nhược điểm: Loại chỉ này ít được sử dụng bởi khó điều khiển, dễ bị xoắn lại. Chúng có thể gây đứt tổ chức khi siết chỉ, nhiễu phim chụp CT, di động khi cho chụp MRI.

Một số trường hợp mẫn cảm với niken có thể khiến bệnh nhân đau khi sử dụng.

3.2 Chỉ Polypropylene

Chỉ Polypropylene là loại chỉ tổng hợp đơn sợi.

Ưu điểm: Chỉ trơn, dễ đi xuyên và ít gây phản ứng trong tổ chức. Bởi vậy, chỉ thường được sử dụng trong các trường hợp khâu vắt trong da, khâu nối mạch máu…

Chỉ Polypropylene

3.3 Chỉ Nylon

Chỉ Nylon được làm từ sợi tổng hợp dạng đơn hoặc sợi bện.

Ưu điểm: Chỉ có độ trơn và dai tốt, có thể thoái hóa và tự tiêu trong khoảng 2 năm sau khi mổ, độ dai giảm dần theo thời gian. Chỉ trơn nên dễ xuyên qua các tổ chức, không gây phản ứng.

Nhược điểm: Để đảm bảo an toàn, người khâu cần thắt nhiều nút để giữ mối buộc tốt nhất.

Chỉ Nylon

3.4 Chỉ Polyester

Ưu điểm: Chỉ có độ dai cao.

Nhược điểm: Các loại chỉ Polyester thông thường (ví dụ: Mersilene) thường dễ cắt tổ chức. Bởi vậy, người ta thường dùng loại chỉ Polyester có phủ teflon, silicone hoặc polybutilate để thay thế. Ngoài ra, để nút buộc được an toàn, người thực hiện cần thắt nút ít nhất năm lần để giữ mối buộc tốt nhất.

Chỉ Polyester

3.5 Chỉ tơ (lụa/silk)

Thường được làm bằng chất liệu protein từ con tằm. Được nhuộm, xử lý polybutilate và bện lại thành chỉ khâu.

Ưu điểm: Chỉ có độ dai cao, dễ điều khiển, buộc nút và giữ nút buộc tốt. Mặc dù được xếp vào loại chỉ không tiêu; tuy nhiên chỉ vẫn có những thoái hóa nhất định trong tổ chức ở các mức độ khác nhau (tùy cơ địa).

Hiện trên thị trường cũng có rất nhiều loại chỉ phẫu thuật khác nhau. Việc ứng dụng loại chỉ nào còn tùy thuộc vào đặc điểm từng vết thương.

Quý bệnh nhân có nhu cầu tư vấn sức khỏe trực tuyến, xin hãy liên hệ với Bác sĩ Luân. Số điện thoại/Zalo 0395621593 hoặc Fanpage Bác sĩ Luân – Bệnh viện Yên Lạc để được hỗ trợ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Luân

2 bình luận về “Các loại chỉ phẫu thuật tự tiêu và không tiêu”

Viết một bình luận