Gãy xương là tai nạn khá phổ biến trong đời sống xã hội. Tùy từng trường hợp cụ thể mà sẽ có phương pháp điều trị gãy xương thích hợp nhất.
1. Gãy xương là gì?
Xương cấu tạo bởi mô liên kết, được làm cứng chắc bởi calcium và các tế bào xương. Cấu tạo xương có phần trung tâm mềm hơn được gọi là tuỷ xương, nơi tạo máu cho cơ thể. Chức năng chủ yếu của xương là nâng đỡ, vận động và che chở nội tạng.
Gãy xương là tình trạng thương tổn làm mất tính liên tục của xương do nguyên nhân chấn thương hoặc do bệnh lý. Mất tính liên tục hoàn toàn gọi là gãy xương hoàn toàn, mất tính liên tục không hoàn toàn gọi là gãy xương không hoàn toàn.
2. Nguy cơ gặp phải gãy xương
Gãy xương xảy ra ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi.
Đối với trẻ em, xương còn yếu, cấu trúc xương chưa phát triển hoàn thiện nên khi gặp chấn động mạnh rất dễ bị gãy xương. Nhưng xương trẻ em thường nhanh lành hơn xương người lớn.
Đối với người vị thành niên, trung niên, cấu trúc xương đã hoàn chỉnh. Đây là đối tượng tham gia sản xuất chính trong xã hội nên dễ gặp phải các tai nạn rủi ro, tai nạn giao thông, tai nạn lao động. Nếu gặp chấn động rất mạnh cũng dễ dàng gây gãy xương.
Người già thường gãy xương do bệnh lý (đặc biệt là bệnh loãng xương). Vì vậy, để cơ thể luôn khỏe mạnh, xương chắc khỏe, người cao tuổi phải uống sữa để bảo vệ khung xương, bổ sung canxi. Ngoài ra, phải thường xuyên tập thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe để xương luôn chắc khỏe.
3. Phân loại gãy xương khi điều trị
3.1 Theo nguyên nhân
Gãy xương do chấn thương:
Gãy xương xảy ra sau tác động của 1 lực chấn thương. Có thể do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt hoặc vết thương hoả khí.
Gãy xương do bệnh lý:
Một số bênh lí gây phá huỷ xương và làm gãy xương. Các bệnh hay gặp là u xương ác tính, viêm xương tuỷ xương, lao xương,…vv
3.2 Theo cơ chế gãy xương
Chấn thương trực tiếp:
Là gãy xương xảy ra tại vị trí lực chấn thương tác động vào. Xương thường bị gãy ngang hoặc gãy nhiều mảnh , lực chấn thương còn gây nên các thương tổn tại tổ chức phần mềm.
Chấn thương gián tiếp:
Là gãy xương xảy ra ở vị trí xa nơi lực chấn thương tác động. Các lực tác động vào xương có thể dưới các dạng:
– Lực giằng dật, co kéo: thường gây bong đứt các mấu, các mỏm xương nơi bám của các gân hoặc dây chằng.
– Lực gập góc: làm tăng độ cong của xương, xương gãy ở điểm yếu với mảnh gãy chéo vát, có thể có mảnh rời hình cánh bướm.
– Lực xoay: xảy ra khi bệnh nhân bị ngã chân tỳ giữ trên mặt đất trong khi người bị xoay. Xương thường bị gãy chéo vát hoặc xoắn vặn.
– Lực đè ép: thường gây gãy lún ở các vùng xương xốp. Điển hình là ngã từ cao đập gót xuống đất gây sập đồi gót, lún mâm chày, gãy cổ xương đùi, gãy xẹp thân đốt sống.
3.3 Theo tính chất gãy
Gãy xương không hoàn toàn:
Xương chỉ bị tổn thương 1 phần không mất hoàn toàn tính liên tục. Một số kiểu gãy không hoàn toàn:
– Gãy dưới cốt mạc: đường gãy nằm dưới cốt mạc, cốt mạc không bị rách ổ gãy thường không di lệch. Loại gãy này thường xảy ra ở trẻ em do lớp cốt mạc dày dai khó bị rách.
– Gãy rạn hoặc nứt xương: vết nứt chỉ ở 1 phía của vỏ xương.
– Gãy cành tươi: là kiểu gãy toác giống như bẻ 1 cành cây xanh. Ở loại gãy này 1 bên vỏ xương bị gãy toác còn bên kia bị cong lõm vào gây ra di lệch gập góc.
– Gãy lún: là loại gãy xảy ra ở các vùng xương xốp, các bè xương xốp bị lún ép lại dưới tác động của 1 lực nén ép. Ví dụ: gãy lún thân đốt sống, gãy lún mâm chày.
Gãy xương hoàn toàn:
Xương gãy và mất hoàn toàn tính liên tục.
3.4 Theo vị trí gãy
Gãy đầu xương:
Vị trí gãy ở vùng đầu xương. Đây là vùng xương xốp, xương thường dễ liền. Nếu đường gãy thông vào khớp thì gọi là gãy xương phạm khớp. Nếu đưỡng gãy không thông vào khớp thì gọi là gãy xương không phạm khớp. Loại gãy này nắn chỉnh bảo tồn khó đạt kết quả và thường để lại di chứng hạn chế vận động khớp do bất động quá lâu. Thường phải chỉ định phẫu thuật để khôi phục hình thể mặt khớp, cố định vững chắc ổ gãy và cho bệnh nhân vận động sớm để phục hồi chức năng khớp kế cận.
Gãy ở chỗ tiếp giáp giữa đầu xương và thân xương:
Đầu gãy thân xương cứng có thể cắm gắn vào đầu xương xốp, do đó thường dễ liền xương. Tuy nhiên loại gãy này cũng thường ảnh hưởng tới biên độ vận động khớp nếu bệnh nhân không tập vận động tích cực.
Ở trẻ em còn sụn tiếp hợp thì gãy xương có thể xảy ra ở vùng sụn tiếp hợp còn được gọi là bong sụn tiếp hợp. Loại gãy này xương rất nhanh liền, đòi hỏi phải được nắn chỉnh sớm.
Gãy vùng thân xương:
Đây là vùng xương cứng có ống tuỷ, thường được chia ra gãy 1/3 trên, 1/3 giữa và 1/3 dưới. Trong trường hợp xương gãy hoàn toàn thường có di lệch điển hình tuỳ theo vị trí gãy do các cơ co kéo.
3.5 Theo đặc điểm của đường gãy
Gãy ngang:
Là các gãy xương với đường gãy nằm ngang, tạo với trục của thân xương 1 góc 90°. Loại gãy này thường gặp do lực chấn thương tác động trực tiếp vào xương tạo nên 1 lực bẻ hoặc gặp trong các gãy xương bệnh lý. Đặc điểm của loại gãy này là gãy vững, khó nắn chỉnh. Tuy nhiên khi nắn chỉnh được thì ít bị di lệch thứ phát.
Gãy chéo vát:
Đường gãy xương nằm chếch, tạo với trục thân xương 1 góc nhọn. Loại gãy này thường gặp do cơ chế gián tiếp với lực xoay. Đặc điểm gãy không vững, các đầu gãy có xu hướng bị trượt đi. Nắn chỉnh dễ nhưng khó giữ cố định, dễ di lệch thứ phát.
Gãy xoắn:
Đường gãy xoắn vặn như vỏ đỗ thường gặp do cơ chế gián tiếp với lực xoắn vặn. Các đầu gãy thường sắc nhọn, dài rất khó nắn chỉnh, khó giữ được cố định, dễ di lệch thứ phát.
Gãy xương có mảnh rời:
Xương bị gãy kèm theo có mảnh vỡ rời.
Gãy xương thành nhiều đoạn:
Xương có thể bị gãy thành 2 hoặc 3 đoạn,…
Gãy cắm gắn:
Là loại gãy xương ở vị trí tiếp giáp giữa đầu xương và thân xương do lực chấn thương gián tiếp. Đầu xương cứng cắm vào xương xốp. Gãy xương vững và liền xương nhanh.
Gãy bong dứt điểm bám:
Do các co kéo đột ngột của các cơ làm bong đứt 1 mẩu xương tại chỗ bám của gân cơ và dây chằng. Ví dụ bong mấu đông lớn xương cánh tay, bong lồi củ trước xương chày, bong gai chày, …
3.6 Theo di lệch của các đầu xương gãy
Gãy xương không di lệch:
Xương bị gãy nhưng các đầu gãy không bị di lệch. Thường gặp trong các loại gãy xương không hoàn toàn.
Gãy xương có di lệch:
Các đầu xương gãy bị lệch khỏi vị trí.
Cơ chế di lệch:
Di lệch ổ gãy xương do các yếu tố sau: Lực co kéo của các cơ; Tác động của lực chấn thương và Tác động của trọng lượng chi. Lực co kéo của các nhóm cơ và trọng lượng chi gây ra những di lệch điển hình. Di lệch do chấn thương là các di lệch không điển hình, nó phụ thuộc vào hướng tác động và độ mạnh của lực chấn thương.
Các loại di lệch:
Khi xác định di lệch phải lấy đầu gãy trung tâm làm chuẩn và đánh giá mức độ di lệch của đầu gãy ngoại vi so với đầu gãy trung tâm. Di lệch bao gồm 5 loại :
– Di lệch sang bên: đầu xương gãy ngoại vi có thể ra trước, ra sau, vào trong hoặc ra ngoài so với đầu xương gãy trung tâm. Mức độ di lệch sang bên được đánh giá theo các mức: 1 vỏ xương, nửa thân xương, 1 thân xương hoặc trên 1 thân xương.
– Di lệch chồng hoặc di lệch gây ngắn chi: là loại di lệch làm các đầu xương gãy di lệch chồng lên nhau. Làm cho chiều dài chi bị ngắn đi so với bình thường. Mức độ di lệch được tính bằng cm
– Di lệch gập góc: trục của đoạn gãy trung tâm và đoạn gãy ngoại vi di lệch tạo thành góc. Góc di lệch là góc tạo bởi vị trí bị lệch đi của đoạn ngoại vi với vị trí ban đầu của nó. Góc mở là góc tạo bởi trục của đoạn gãy ngoại vi so với trục đoạn gãy trung tâm.
– Di lệch xoay: đoạn ngoại vi di lệch xoay quanh trục. Di lệch này có thể nhận biết trên phim X Quang bằng cách so sánh tư thế của đầu gãy trung tâm và đầu gãy ngoại vi.
3.7 Phân loại theo đặc điểm thương tổn ở tổ chức phần mềm
Gãy xương kín:
Là loại gãy xương mà ổ gãy không thông với môi trường bên ngoài.
Gãy xương hở:
Là loại gãy xương mà ổ gãy thông với môi trường bên ngoài qua vết thương ở tổ chức phần mềm.
4. Tiến triển tại ổ xương gãy
Tiến triển tại ổ gãy xương trải qua 4 giai đoạn
Giai đoạn máu tụ:
Ngay sau gãy xương tại ổ gãy máu từ màng xương, tủy xương, phần mềm,… sẽ chảy ra, tụ lại giữa hai đầu xương và tổ chức xung quanh. Máu tụ này sẽ phát triển thành can liên kết.
Giai đoạn can liên kết:
Từ màng xương, ống xương, tủy xương các tế bào liên kết xâm nhập vào khối máu tụ tạo dần thành một màng lưới tổ chức liên kết thay dần khối máu tụ.
Giai đoạn can nguyên phát (can non):
Sau 3-4 tuần, muối canxi lắng đọng dần trên can xương liên kết tạo thành can xương non.
Giai đoạn can xương vĩnh viễn:
Màng xương, ống tủy được hình thành lập lại tạo thành can xương vĩnh viễn. Ổ gãy được liền tốt sau 8-10 tháng.
5. Triệu chứng của gãy xương
5.1 Triệu chứng lâm sàng
Một bệnh nhân bị gãy xương kín có thể có các triệu chứng sau:
Đau:
Đau nhiều, giảm đau nhanh khi bất động tốt, đây là triệu chứng chính, thường gặp đầu tiên và là triệu chứng phàn nàn nhiều nhất của bệnh nhân với thầy thuốc. Triệu chứng nhẹ, vừa, nặng có thể phụ thuộc vào độ rách của màng xương (nơi có những tận cùng thần kinh), tổn thương phần mềm, mạch máu, thần kinh, …
Giảm hoặc mất cơ năng chi bị gãy:
Bất lực vận động hoàn toàn hoặc không hoàn toàn phần chi gãy, ngọn chi xoay theo trọng lực, đây cũng là triệu chứng thường được bệnh nhân phàn nàn với nhân viên y tế.
Sưng nề, bầm tím:
Triệu chứng sưng nề, bầm tím phụ thuộc vào tổn thương phần mềm, chảy máu từ tủy xương, sự điều hòa quá trình đông cầm máu. Sưng nề là triệu chứng rất thường gặp trong gãy xương.
Biến dạng trục chi:
Bệnh nhân gãy xương có di lệch thường gây ra biến dạng, lệch trục, ngắn chi ở vùng chi gãy. Một vài biến dạng điển hình và đặc biệt có thể giúp chẩn đoán xương gãy tốt hơn.
Cử động bất thường:
Cử động bất thường giữa hai đầu xương gãy là dấu hiệu chắc chắn của gãy xương. Không nên cố ý tìm dấu hiệu này vì dễ làm bệnh nhân sốc và tổn thương phần mềm.
Tiếng cọ xát hai đầu gãy, lạo xạo xương:
Đây cũng là một dấu hiệu chắc chắn có gãy xương. Tuy nhiên cũng không nên cố tìm dấu hiệu này vì sẽ làm bệnh nhân rất đau.
5.2 Triệu chứng cận lâm sàng
X Quang
Đây là công cụ chẩn đoán quan trọng cho phép chẩn đoán xác định bệnh lý gãy xương dùng để:
– Xác định kiểu gãy: đơn giản (gãy ngang, gãy chéo vát, gãy xoắn,…), phức tạp ( nhiều tầng, nhiều mảnh,…), xuyên khớp.
– Xác định di lệch: có 4 loại di lệch thường gặp (di lệch chồng ngắn, di lệch sang bên, di lệch gấp góc và di lệch xoay).
– Xác định kế hoạch điều trị.
– Xác định những trật khớp kèm theo gãy xương, di lệch sau cố định.
Nguyên tắc chụp X- Quang trong chấn thương chỉnh hình: Ổ gãy nên ở giữa phim, chụp trên một khớp và dưới một khớp, chụp lấy đủ bóng phần mềm.
Một số phương pháp chụp hệ xương khớp đặc biệt
Chụp cắt lớp vi tính (CT scanner): rất hữu ích khi nghi ngờ gãy xương sọ, xương chậu, cột sống, mảnh xương gãy trong khớp,…
Chụp cộng hưởng từ (MRI): hữu ích trong chẩn đoán gãy xương. Trong một số trường hợp, MRI giúp xác định tổn thương phần mềm và dây chằng. Tuy đây là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán hình ảnh hiện nay cho bệnh lý chấn thương nhưng giá thành của phương pháp này còn tương đối cao.
5.3 Khi nào cần gặp bác sĩ?
Ngay sau khi bị chấn thương, nếu nghi ngờ có gãy xương, hãy lập tức đến nhanh cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ làm thủ tục chụp chiếu. Không nên để quá lâu sẽ ảnh hưởng nguy hiểm đến vùng bị gãy xương cũng như sức khỏe người bệnh.
Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng và giúp cơ thể mau chóng hồi phục sức khỏe.
6. Các phương pháp điều trị gãy xương hiện nay
6.1 Điều trị toàn thân
Chống shock (giảm đau, truyền bù dịch và máu, nẹp cố định, kê cao chân, phong bế gốc chi, …). Theo dõi và điều trị thuyên tắc phổi, viêm đường tiểu, viêm phổi, …
6.2 Điều trị tại chỗ gãy xương
Mục tiêu của điều trị tại chỗ gãy xương
– Phục hồi về lại hình thể giải bình thường hoặc gần bình thường đến mức có thể của xương gãy.
– Cố định vững xương gãy để đảm bảo sự lành xương.
– Tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình liền xương.
– Phục hồi và điều trị các biến chứng (tại chổ, toàn thân)
– Phục hồi khả năng vận động, sinh hoạt, nghề nghiệp, …
Điều trị gãy xương bằng phương pháp bảo tồn
Áp dụng cho gãy đơn giản không di lệch, di lệch không hoàn toàn, gãy cắm gắn, hoặc gãy di lệch đã được nắn chỉnh về hình thể giải phẫu.
– Nẹp vải, đai Desault cho các xương chi trên, xương đòn
– Băng dính cố đinh cho gãy xương sườn, ngón tay và chân, ….
– Nẹp bột hoặc bó bột cho ổ gãy chi trên và dưới.
– Bất động tại giường với một số gãy cắm gắn cổ xương đùi, …
– Nghỉ ngơi và sử dụng thuốc giảm đau, giảm viêm.
Điều trị gãy xương bằng phẫu thuật
Đây là phương pháp đươc áp dụng sau khi nắn, điều trị bảo tồn thất bại. Ngoài ra còn được sử dụng trong điều trị gãy xương hở, gãy xương phạm khớp di lệch, gãy xương bệnh lý, gãy xương kèm tổn thương mạch máu, thần kinh, …vv
Nguyên tắc của phẫu thuật nắn chỉnh, kết hợp xương của Lambotte:
– Bộc lộ: ổ gãy được bộc lộ vừa đủ rộng qua một đường mổ chính xác và hợp lý.
– Nắn chỉnh các mảnh gãy được tiến hành dưới sự quan sát và thao tác trực tiếp.
– Cố định tạm thời trước các mảnh gãy bằng kim Kirschner nếu cần thiết.
– Cố định vững chắc các mảnh gãy bằng nẹp vít, nẹp khóa, đinh nội tủy, …
Ưu điểm của phẫu thuật: cho phép nắn chỉnh xương đúng hình thể giải phẫu, bất động vững, tránh di lệch thứ phát. Người bệnh có thể tập vận động sớm, tránh teo cơ, cứng khớp, …
Phục hồi chức năng
Góp phần phục hồi chức năng cho chi gãy. Tránh các biến chứng do nằm lâu, do bất động chi gãy, ….
7. Nhận biết các biến chứng của gãy xương để điều trị kịp thời
7.1 Biến chứng sớm
Biến chứng sớm toàn thân
Shock: do đau, do mất máu,…
Thuyên tắc phổi do mỡ: xảy ra trong 72 giờ sau chấn thương. Nguyên nhân do sự xuất hiện những hạt mỡ nhỏ trong máu (palmitin và stearine ở trẻ em, olein ở người lớn) đi vào nhu mô phổi và tuần hoàn ngoại vi. Nó thường khởi phát trong 24 đến 48 giờ, đôi khi có thể xuất hiện muộn sau nhiều ngày. Đây là một biến chứng đáng sợ thường gặp ở bệnh nhân gãy nhiều xương, gãy xương lớn, gãy xương chậu, tổn thương nhiều cơ quan như lồng ngực, bụng, đầu…vv. Thuyên tắc mỡ gặp khoảng 10 đến 45% ở bệnh nhân gãy nhiều xương và là nguyên nhân hàng đầu gây nên mức độ nguy kịch và tỷ lệ tử vong cao(11%) ở bệnh nhân gãy nhiều xương và đa chấn thương.
Biến chứng sớm tại chỗ
Chèn ép khoang là sự tăng áp lực trong khoang kín (khoang này được tạo ra bởi xương, cân, vách gian cơ), hậu quả của những tổn thương mạch máu và có thể do tổn thương không hồi phục của những cấu trúc bên trong khoang. Hội chứng chèn ép khoang thường gặp ở cẳng chân, cẳng tay, bàn chân, …
Gãy kín thành gãy hở, tổn thương mạch máu và thần kinh thứ phát do cố định không vững: đầu xương gãy xé phần mềm ra môi trường bên ngoài, cắt vào mạch máu và thần kinh, …
7.2 Biến chứng muộn
Biến chứng muộn toàn thân
Loét điểm tì, viêm phổi, viêm đường niệu, …
Biến chứng muộn tại chỗ
Can xương lệch do nắn chỉnh không đúng trục, di lệch thứ phát sau nắn chỉnh và cố định, …
Chậm liền xương: can xương chưa liền sau một thời gian đủ để liền xương (3 tháng). Tại chổ gãy vẫn còn đau, thường do bất động không tốt, hay gặp ở người già.
Khớp giả: quá hai lần thời gian liền xương thông thường mà ổ gãy không liền. Bệnh nhân còn đau ít hoặc không đau, còn cử động bất thường tại ổ gãy. Khớp giả thường gặp ở bệnh nhân bị gãy xương phức tạp, mất nhiều xương, ổ gãy di lệch nhiều, chèn phần mềm vào giữa ổ gãy, …
Teo cơ, cứng khớp, loãng xương do bất động lâu, không tập luyện,…
8. Các biện pháp phòng ngừa gãy xương
Có thể phòng ngừa gãy xương bằng nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm:
Bổ sung canxi:
Để giúp xương chắc khỏe và phòng ngừa gãy xương, cần đảm bảo dung nạp đủ lượng canxi cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh. Canxi có thể được bổ sung thông qua viên uống hoặc chế độ ăn uống với những loại thực phẩm gồm sữa chua, sữa tươi, phô mai, hải sản, rau lá xanh đậm, các loại đậu…
Đảm bảo dung nạp đủ vitamin:
Có thể bổ sung vitamin D bằng cách ăn trứng, cá béo, sữa và tiếp xúc với ánh sáng mặt trời vào buổi sáng. Vitamin D có tác dụng nâng cao khả năng hấp thụ canxi, làm tăng mật độ xương.
Hoạt động thể chất:
Việc luyện tập thể dục và hoạt động thể chất mỗi ngày có thể nâng cao độ chắc khỏe, độ dày và sự linh hoạt của xương. Điều này giúp giảm nguy cơ gãy xương khi có té ngã. Ngoài ra tập luyện thể dục còn giúp làm chậm quá trình thoái hóa khi bạn già đi. Từ đó giúp tăng sức khỏe và giảm khả năng gãy xương.
Loại bỏ thói quen hút thuốc lá:
Ngưng hút thuốc lá để tránh làm giảm mật độ xương và tăng nguy cơ gãy xương.
Giảm cân:
Giảm cân khi cần thiết để tránh trọng lượng cơ thể gây áp lực lên xương, làm tăng nguy cơ thoái hóa và gãy xương.
Phòng ngừa chấn thương:
Cần thận trọng trong sinh hoạt và lao động để phòng ngừa té ngã dẫn đến chấn thương và gãy xương.
Điều trị căn nguyên:
Những nguyên nhân làm tăng nguy cơ gãy xương như loãng xương, bệnh xương giòn… cần được kiểm soát và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Gãy xương là một tình trạng thường gặp, có thể được khắc phục bằng phương pháp phẫu thuật hoặc điều trị bảo tồn. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, tình trạng này có thể gây biến chứng nghiêm trọng ngay cả khi được điều trị. Vì thế tốt nhất cần áp dụng biện pháp làm giảm nguy cơ. Nhanh chóng gọi cấp cứu để được hỗ trợ và điều trị đúng cách khi xương gãy.
Quý bệnh nhân có nhu cầu tư vấn sức khỏe trực tuyến, xin hãy liên hệ với Bác sĩ Luân. Số điện thoại/Zalo 0395621593 hoặc Fanpage Bác sĩ Luân – Bệnh viện Yên Lạc để được hỗ trợ.
Bác sĩ Nguyễn văn Luân