Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị sỏi niệu quản khác nhau. Một trong số đó với nhiều ưu điểm nổi trội chính là nội soi tán sỏi ngược dòng bằng năng lượng laser. Sợ đau là tâm lý chung của nhiều người khi thực hiện điều trị sỏi. Vậy nội soi tán sỏi niệu quản ngược dòng liệu có đau không?

1. Đôi nét về sỏi niệu quản
Niệu quản là một đoạn ống nhỏ hẹp. Đây là đường dẫn nước tiểu duy nhất từ thận xuống bàng quang. Khi xuất hiện sỏi trong niệu quản sẽ gây tắc nghẽn con đường này. Thận sản xuất ra nhưng không đào thải được ra ngoài gây ứ nước thận, tăng áp lực trong bể thận. Biểu hiện lâm sàng sẽ tạo ra những cơn đau quặn vùng mạn sườn. Tình trạng này để lâu gây ra những biến chứng nặng nề như ứ mủ bể thận, suy thận. Dù kích thước chỉ nhỏ chừng vài mm đến 1-2cm nhưng mức độ nguy hiểm của sỏi niệu quản còn hơn cả sỏi san hô trong thận.
Những năm gần đây, tỷ lệ mắc sỏi trong cộng đồng ngày càng tăng. Các bác sĩ thường khuyến báo bệnh nhân ngay khi phát hiện các dấu hiệu sỏi niệu quản thì nên đi khám và điều trị kịp thời.
2. Điều trị sỏi niệu quản bằng nội soi tán sỏi ngược dòng
Trong những năm gần đây, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn đã thể hiện được những ưu việt nổi trội. Nội soi tán sỏi bằng laser chính là bước đột phá trong công nghệ điều trị sỏi niệu quản.
Các bước nội soi tán sỏi niệu quản ngược dòng bằng laser:
Đầu tiên, ống soi được đưa từ niệu đạo vào bàng quang. Phẫu thuật viên quan sát hình ảnh trên màn hình camera, xác định lỗ niệu quản bên có sỏi và luồn dây dẫn đường lên niệu quản bên đó.
Ống soi sau đó được đưa lên niệu quản theo dây dẫn đường để tiếp cận tới viên sỏi. Một số trường hợp khó tiếp cận sỏi cần phải quan sát đồng thời màn hình nội soi và màn hình X-quang tăng sáng.

Khi phẫu thuật viên quan sát được sỏi trên màn hình nội soi, sỏi sẽ được tán vụn bằng năng lượng laser. Dây laser được đưa vào để tán sỏi qua một đường ống rỗng bên trong ống soi niệu quản.

Sau khi sỏi đã vỡ vụn, các mảnh sỏi lớn được gắp ra ngoài bằng rọ hoặc kìm gắp sỏi. Các bụi sỏi nhỏ sẽ được bơm rửa sạch.
Cuối cùng bác sĩ sẽ đặt 1 ống thông JJ từ thận xuống bang quang. Mục đích của ống này để dẫn nước tiểu tạm thời, tránh hẹp niệu quản sau tán.
Ưu điểm nổi trội của nội soi tán sỏi niệu quản ngược dòng:
Đây là kỹ thuật thực hiện theo đường dẫn nước tiểu nên hoàn toàn không có vết mổ trên cơ thể người bệnh.
Bác sĩ được nhìn trực tiếp viên sỏi qua màn hình camera nên sẽ nhận định được chính xác nhất tình trạng bệnh nhân.
Phương pháp này vô cùng an toàn, tỷ lệ tai biến rất thấp.
Phẫu thuật viên có thể dễ dàng kiểm soát được những mảnh sỏi vụn sau tán. Tỷ lệ sạch sỏi cao.
Nội soi tán sỏi có thể áp dụng đa dạng cho nhiều vị trí và thước sỏi khác nhau.
Ca mổ nhẹ nhàng, bệnh nhân sau mổ hồi phục nhanh chóng.
3. Nội soi tán sỏi niệu quản có đau không?
Tán sỏi có đau không là câu hỏi của nhiều người khi chưa hiểu về phương pháp này.
Đau do cuộc phẫu thuật
Trước khi mổ, bác sĩ thường sẽ thực hiện tiêm tê tủy sống. Lúc mổ, người bệnh vẫn tỉnh táo trong khi nửa dưới cơ thể bao gồm cả vùng thận, niệu quản bị liệt hoàn toàn. Bệnh nhân sẽ mất cảm giác đau trong khi phẫu thuật viên đang thực hiện các thao tác mổ.
Vì không làm cắt xẻ tổn thương cơ quan nào nên sau mổ lúc hết thuốc tê, người bệnh cũng chỉ đau rất ít. Các thuốc giảm đau thông thường như Paracetamol đã có thể làm cho bệnh nhân dễ chịu.
Đau do còn ống thông JJ trong người
Vấn đề có thể gây đau đáng kể nhất sau mổ chính là ống thông JJ đặt lại trong cơ thể. Tuy nhiên chỉ có một tỷ lệ nhỏ người bệnh bị đau do loại ống này. Điều này tùy thuộc vào cơ địa từng người.
Các triệu chứng khác có thể gặp do JJ như tiểu buốt, đặc biệt là tiểu buốt vào cuối bãi; tiểu máu, nhất là khi bệnh nhân vận động nhiều; tiểu đau, đau dọc theo bên hông – thắt lưng bên can thiệp sỏi; cảm giác cộm, cảm giác hay buồn đi tiểu …vv. Những triệu chứng này sẽ tăng lên khi bệnh nhân đi lại nhiều, ngồi nhiều. Mặc dù vậy người bệnh khi mang thông JJ vẫn có thể làm việc và lao động vừa phải.

Cách hạn chế các triệu chứng khó chịu của ống thông JJ như tránh vận động mạnh, tránh chạy nhảy nhiều. Uống đủ nước từ 2-3 lít nước mỗi ngày. Ngoài ra, các bác sĩ có thể sử dụng một số loại thuốc giảm sự kích thích JJ.
Như vậy đau sau nội soi tán sỏi nhìn chung không đáng ngại và có thể được giải quyết dễ dàng. Người bệnh có thể yên tâm thực hiện phương pháp này để tận hưởng những ưu điểm tốt nhất.
Quý bệnh nhân có nhu cầu tư vấn sức khỏe trực tuyến, xin hãy liên hệ với Bác sĩ Luân. Số điện thoại/Zalo 0395621593 hoặc Fanpage Bác sĩ Luân – Bệnh viện Yên Lạc để được hỗ trợ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Luân