Gãy xương sườn là một tổn thương hay gặp trong các tai nạn và vụ án điều tra. Vậy gãy xương sườn gây thương tật bao nhiêu phần trăm? Bài viết sau đây sẽ chia sẻ cách tính tỷ lệ thương tật này.
1. Tỷ lệ thương tật khi gãy một xương sườn
Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể khi gãy xương sườn được quy định tại Mục II, Chương 3 – Tổn thương cơ thể do tổn thương hệ hô hấp của Bộ trưởng Bộ Y tế ký ban hành kèm theo Thông tư 22/2019/TT-BYT ngày 28 tháng 8 năm 2019. (Thông tư 22/2019/TT-BYT là thông tư mới ra đời đã thay thế cho thông tư cũ số 20/2014/TT-BYT ngày 12/06/2014 hiện không còn được áp dụng).

Nội dung cụ thể như sau:
Mục | Đặc điểm tổn thương | Tỷ lệ % |
1 | Gãy một xương sườn một điểm, can tốt | 2 |
2 | Gãy một xương sườn một điểm, can xấu | 2,5 |
3 | Gãy một xương sườn từ hai điểm trở lên, can tốt | 2,5 |
4 | Gãy một xương sườn từ hai điểm trở lên, can xấu | 3,5 |
5 | Mất đoạn hoặc cắt bỏ một xương sườn | 4,5 |
* Ghi chú:
– Can tốt nghĩa là xương liền tốt, can xấu nghĩa là xương liền xấu.
– TTCT là viết tắt của Tổn thương cơ thể.
– Tỷ lệ % TTCT từ mục 2 đến 5 đã tính cả biến dạng lồng ngực.
– Tỷ lệ % TTCT của cắt xương sườn do phẫu thuật được tính bằng 50% tỷ lệ % TTCT của tổn thương xương sườn ở mục tương ứng.
– Nếu có ảnh hưởng chức năng hô hấp thì cộng với tỷ lệ % TTCT của chức năng hô hấp bị ảnh hưởng theo phương pháp cộng tại Thông tư 22/2019/TT-BYT.
2. Tỷ lệ thương tật khi gãy nhiều xương sườn một lúc
Trong trường hợp một người bị tổn thương gãy nhiều xương sườn một lúc; việc xác định tổng % tỷ lệ thương tật cơ thể được tính theo phương pháp cộng như sau:
Tổng tỷ lệ % TTCT = T1 + T2 +…+ Tn; trong đó:
T1: Được xác định là tỷ lệ % TTCT của gãy xương sườn thứ 1; (nằm trong khung tỷ lệ các TTCT được quy định)
T2: là tỷ lệ % của TTCT của gãy xương sườn thứ 2; (cũng nằm trong khung tỷ lệ các TTCT được quy định như T1)
Tn: là tỷ lệ % của TTCT của gãy xương sườn thứ n; (cũng giống T1 và T2 đều nằm trong khung tỷ lệ các TTCT)
Tổng tỷ lệ % TTCT sau khi được làm tròn số là kết quả cuối cùng.
Ví dụ về thương tật khi gãy nhiều xương sườn
Ông Nguyễn Văn A được xác định có gãy 4 xương sườn; trong đó có 2 xương sườn gãy một điểm, can tốt; 1 xương sườn gãy một điểm, can xấu; và 1 xương sườn gãy hai điểm, can xấu.
Tỷ lệ tổn thương cơ thể:
T1: là 2% cho 1 xương sườn gãy một điểm, can tốt;
T2: là 2% cho 1 xương sườn nữa gãy một điểm, can tốt;
T3: là 2,5% cho 1 xương sườn gãy một điểm, can xấu;
T4: là 3,5% cho 1 xương sườn gãy hai điểm, can xấu;
Tổng tỷ lệ % TTCT của ông Nguyễn Văn A là: 2% + 2% + 2,5% + 3,5% = 10%.
Kết luận: Tổng tỷ lệ % TTCT của ông Nguyễn Văn A là 10%.
3. Tỷ lệ thương tật khi gãy xương sườn kết hợp với nhiều tổn thương khác
Trong trường hợp một người mà bị tổn thương tại nhiều vùng cơ thể khác nhau; việc xác định tổng % tỷ lệ thương tật cơ thể được tính theo phương pháp cộng như sau:
Tổng tỷ lệ % TTCT = T1 + T2 + T3 +…+ Tn; trong đó:
T1: Được xác định là tỷ lệ % TTCT của TTCT thứ nhất (nằm trong khung tỷ lệ các TTCT được quy định).
T2: là tỷ lệ % của TTCT thứ hai: T2 = (100 – T1) x tỷ lệ % TTCT thứ 2/100;
T3: là tỷ lệ % của TTCT thứ ba: T3 = (100-T1-T2) x tỷ lệ % TTCT thứ 3/100;
Tn: là tỷ lệ % của TTCT thứ n: Tn = {100-T1-T2-T3-…-T(n-1)} x tỷ lệ % TTCT thứ n/100.
Tổng tỷ lệ % TTCT sau khi được làm tròn số là kết quả cuối cùng.
Ví dụ thương tật khi có nhiều tổn thương khác nhau
Ông Nguyễn Văn B được xác định có 05 tổn thương:
– Cụt 1/3 giữa cánh tay phải, khung tỷ lệ % TTCT từ 61 – 65%;
– Mù mắt trái chưa khoét bỏ nhãn cầu, tỷ lệ % TTCT là 41%;
– Nghe kém trung bình hai tai mức độ I, tỷ lệ % TTCT từ 21 – 25%;
– Tổn thương màng phổi di chứng dày dính màng phổi 1/3 diện tích phế trường, tỷ lệ % TTCT từ 16 – 20%;
– Gãy 1 xương sườn tại một điểm, can tốt, tỷ lệ % TTCT là 2%.
Áp dụng phương pháp nêu trên, tổng tỷ lệ % TTCT của ông Nguyễn Văn B được tính như sau:
Thương tật khi có nhiều tổn thương:
– T1 = 63% (tỷ lệ % TTCT quy định tại Thông tư 22/2019/TT-BYT là từ 61-65%, giám định viên có thể đánh giá, xác định tỷ lệ % TTCT là 61%, 62%, 63%, 64% hoặc 65%. Ví dụ trường hợp này giám định viên lấy tỷ lệ TTCT là 63%).
– T2 = (100 – 63) x 41/100% = 15,17%.
– T3: Nghe kém trung bình hai tai mức độ I, tỷ lệ % TTCT được quy định trong Thông tư 22/2019/TT-BYT từ 21% – 25%. Giám định viên có thể đánh giá, xác định tỷ lệ % TTCT trong khoảng từ 21% đến 25%. Ví dụ trường hợp này giám định viên lấy tỷ lệ % TTCT là 22%, thì tỷ lệ % TTCT của ông B được tính là: T3 = (100 – 63 – 15,17) x 22/100% = 4,80%
– T4: Tỷ lệ % TTCT được quy định trong Thông tư 22/2019/TT-BYT từ 16% – 20%; Ví dụ trường hợp này giám định viên lấy tỷ lệ TTCT là 18%, như vậy T4 = (100 – 63 – 15,17 – 4,8) x 18/100% = 3,06%
– T5 = (100 – 63 – 15,17 – 4,8 – 3.06) x 2/100% = 0,28%
Tổng tỷ lệ % TTCT của ông Nguyễn Văn B là : 63% + 15,17% + 4,80% + 3,06% + 0,28% = 86,31%, làm tròn số là 86%.
Kết luận: Tổng tỷ lệ % TTCT của ông Nguyễn Văn B là 86%.
Ví dụ thương tật khi có kèm tổn thương tâm thần
Trường hợp này cần phải giám định tại hai tổ chức: Tổ chức Giám định pháp y và Tổ chức Giám định pháp y tâm thần.
Ông Nguyễn Văn C (ông C) đã được tổ chức giám định pháp y giám định với kết luận tổng tỷ lệ % TTCT là 45% (T1).
Sau đó ông C đến giám định tại tổ chức giám định pháp y tâm thần; tổ chức này kết luận tỷ lệ % TTCT là của ông C là 37%; tổ chức giám định pháp y tâm thần này tổng hợp tổng tỷ lệ % TTCT của ông C như sau:
T1 đã được xác định là 45%;
T2 được xác định như sau: T2 = (100 – 45) x 37/100 = 20,35%.
Tổng tỷ lệ % TTCT của ông C là = (T1+T2).
Tổng tỷ lệ % TTCT của ông Nguyễn Văn C là: 45% + 20,35% = 65,35%.
Kết luận: Tổng tỷ lệ % TTCT của ông Nguyễn Văn C là 65%.
4. Tỷ lệ phần trăm một số tổn thương hệ hô hấp hay đi kèm với gãy xương sườn
Tổn thương xương ức
Mục | Tổn thương | Tỷ lệ % |
1 | Tổn thương xương ức đơn thuần, không biến dạng lồng ngực | 6-10 |
2. | Tổn thương xương ức biến dạng lồng ngực | 11-15 |
* Ghi chú: Nếu ảnh hưởng chức năng thì cộng với tỷ lệ % TTCT của chức năng cơ quan bị ảnh hưởng theo phương pháp cộng tại Thông tư. |
Tổn thương màng phổi
Mục | Tổn thương | Tỷ lệ % |
1 | Tổn thương màng phổi một bên không phẫu thuật hoặc có phẫu thuật nhưng không để lại di chứng | 3-5 |
2 | Dị vật màng phổi đơn thuần | 16-20 |
3 | Dị vật màng phổi gây biến chứng dày dính màng phổi: Tính tỷ lệ % TTCT theo tổn thương màng phổi di chứng dày dính màng phổi | |
4 | Tổn thương màng phổi di chứng dày dính màng phối tại điểm thương tích hoặc tại điểm dẫn lưu * Ghi chú: Cộng với tỷ lệ % TTCT ở mục III.1. theo phương pháp cộng tại Thông tư: | 1-3 |
5 | Tổn thương màng phổi di chứng dày dính màng phổi nhỏ hơn 1/4 diện tích một phế trường | 11-15 |
6 | Tổn thương màng phổi di chứng dày dính màng phổi từ 1/4 diện tích một phế trường đến nhỏ hơn 1/2 diện tích một phế trường hoặc nhỏ hơn 1 /4 diện tích hai phế trường | 16-20 |
7 | Tổn thương màng phổi di chứng dày dính màng phổi từ bằng 1/2 diện tích một phế trường đến bằng diện tích một phế trường hoặc từ bằng 1/4 đến bằng 1/2 diện tích hai phế trường | 21-25 |
8 | Tổn thương màng phổi di chứng dày dính màng phổi lớn hơn 1/2 diện tích hai phế trường hoặc lớn hơn diện tích một phế trường | 26-30 |
9 | Cặn màng phổi sau tràn khí, tràn máu màng phổi | |
9.1 | Điều trị nội khoa ổn định | 6-10 |
9.2 | Điều trị nội khoa không ổn định dẫn đến dày dính màng phổi: Tính tỷ lệ % TTCT theo tổn thương màng phổi di chứng dày dính màng phổi | 26-30 |
Tổn thương phổi
Mục | Tổn thương | Tỷ lệ % |
1. | Vết thương nhu mô phổi không phẫu thuật hoặc có phẫu thuật nhưng không để lại di chứng | 6-10 |
2. | Dị vật đơn thuần nhu mô phổi | 16-20 |
3. | Dị vật thỉnh thoảng gây ho ra máu hoặc có nhiễm trùng hô hấp từng đợt. | 31-35 |
4. | Tổn thương nhu mô phổi một bên đã phẫu thuật có di chứng dày dính màng phổi đơn thuần nhỏ hơn 1/4 diện tích một phế trường. | 16-20 |
5. | Tổn thương nhu mô phối một bên đã phẫu thuật có di chứng dày dính màng phổi đơn thuần từ bằng 1/4 diện tích một phế trường đến nhỏ hơn 1/2 diện tích một phế trường, hoặc nhỏ hơn 1/4 diện tích hai phế trường | 21-25 |
6. | Tổn thương nhu mô phổi đã phẫu thuật có di chứng dày dính màng phổi đơn thuần từ bằng 1/2 diện tích một phế trường đến bằng diện tích một phế trường, hoặc từ bằng 1/4 đến bằng 1/2 diện tích hai phế trường | 26-30 |
7. | Tổn thương nhu mô phối đã phẫu thuật có di chứng dày dính màng phổi đơn thuần lớn hơn diện tích một phế trường, hoặc lớn hơn 1/2 diện tích hai phế trường | 31-35 |
8. | Tổn thương nhu mô phổi gây xẹp từ một đến hai phân thùy phổi | 26-30 |
9. | Tổn thương nhu mô phổi gây xẹp từ ba phân thùy phổi trở lên | 31-35 |
10. | Mổ cắt phổi không điển hình (ít hơn một thùy phổi) | 21-25 |
11. | Mổ cắt từ một thùy phổi trở lên | 31-35 |
12. | Mổ cắt toàn bộ một bên phổi | 61 |
Tổn thương khí quản, phế quản
Mục | Tổn thương | Tỷ lệ % |
1 | Tổn thương khí quản, phế quản đơn thuần | 11-15 |
2 | Tổn thương khí quản, phế quản gây khó thở, không rối loạn giọng nói, tiếng nói và/hoặc không rối loạn thông khí phổi tắc nghẽn hoặc hỗn hợp | 21-25 |
3 | Tổn thương khí quản, phế quản đoạn trung thất gây khó thở và rối loạn giọng nói, tiếng nói | 26-30 |
4 | Mổ phục hồi khí quản, phế quản sau tổn thương khí quản, phế quản hoặc sau cắt thùy phổi | 31-35 |
5 | Mở khí quản | 3-5 |
Tổn thương cơ hoành
Mục | Tổn thương | Tỷ lệ % |
1 | Tổn thương cơ hoành, không phải can thiệp phẫu thuật, không có biến chứng | 3-5 |
2 | Tổn thương cơ hoành phải can thiệp phẫu thuật, kết quả tốt | 21-25 |
3 | Tổn thương cơ hoành phải can thiệp, kết quả không tốt phải phẫu thuật lại hoặc gây dày dính màng phổi | 26-30 |
Rối loạn thông khí phổi
Mục | Tổn thương | Tỷ lệ % |
1 | Rối loạn thông khí phổi hạn chế hoặc tắc nghẽn không hồi phục hoặc hỗn hợp mức độ nhẹ | 11-15 |
2 | Rối loạn thông khí phổi hạn chế hoặc tắc nghẽn không hồi phục hoặc hỗn hợp mức độ trung bình | 16-20 |
3 | Rối loạn thông khí phối hạn chế hoặc tắc nghẽn không hồi phục hoặc hỗn hợp mức độ nặng | 26-30 |
Tâm phế mạn tính
Mục | Tổn thương | Tỷ lệ % |
1 | Mức độ 1: Có biểu hiện trên lâm sàng (độ 1) và/hoặc siêu âm tim và điện tim bình thường | 16-20 |
2 | Mức độ 2: Có biểu hiện trên lâm sàng (độ 1-2) và/hoặc có biến đổi hình thái hoặc chức năng tim phải trên siêu âm tim; điện tim bình thường và/hoặc có biến đổi trên điện tim, siêu âm tim bình thường | 31-35 |
3 | Mức độ 3: Có biểu hiện trên lâm sàng (độ 3 trở lên) và/hoặc có biến đổi hình thái, chức năng tim phải trên siêu âm tim và/hoặc có biến đổi trên điện tim, siêu âm tim bình thường | 51-55 |
4 | Mức độ 4: Có biểu hiện trên lâm sàng (độ 4) và/hoặc có biến đổi hình thái, chức năng tim phải trên siêu âm tim và/hoặc có biến đổi trên điện tim. | 81 |
Bài viết chỉ mang tính tham khảo và không thay thế được kết luận của bác sĩ pháp y
Bác sĩ Nguyễn Văn Luân
1 bình luận về “Gãy xương sườn thương tật bao nhiêu phần trăm?”