Trật khớp cùng đòn và các phương pháp điều trị

Trật khớp cùng đòn (hay còn gọi là trật khớp cùng vai đòn) chiếm 9-10% các chấn thương vùng vai. Đây là loại chấn thương nếu không được điều trị tốt có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân. Vậy trật khớp cùng đòn là gì? Và các phương pháp điều trị bệnh.

1. Tìm hiểu về khớp cùng đòn

Khớp cùng đòn (tiếng Anh là acromioclavicular joint, hay còn gọi là khớp cùng vai đòn) là một khớp động giữa đầu ngoài xương đòn và mặt trong của mỏm cùng vai, diện khớp được bao phủ bởi sụn sợi. Bao khớp của khớp cùng đòn rất mỏng, tuy nhiên nó được giữ vững bởi ba hệ thống phức hợp dây chằng gồm dây chằng nón, dây chằng thang và dây chằng cùng đòn (là sự dày lên của bao khớp trước trên). Các sợi của cơ delta và cơ thang hòa lẫn vào phần trên dây chằng cùng đòn làm tăng độ vững của khớp.

2. Trật khớp cùng đòn là gì?

Trật khớp cùng đòn là một chấn thương vai thường gặp (thường do chấn thương thể thao hoặc do ngã đập vai xuống nền cứng). Thường gặp trong các vận động viên xe đạp, trượt tuyết hoặc đá bóng. Trật khớp cùng đòn khi lực tác động vào phía ngoài xương đòn dẫn đến trật khớp ở mức độ khác nhau. Ở mức độ nhẹ thì các dây chằng liên quan căng giãn hoặc đứt một phần. Ngược lại ở các trường hợp nặng thì các dây chằng néo giữ xương đòn xuống dưới bị đứt, khi đó đầu ngoài xương đòn bị bật lên, có thể thấy da phía ngoài nhô lên.

Tùy theo độ lệch và tổn thương dây chằng, trật khớp cùng đòn được phân thành 6 mức độ (theo tác giả Rockwood):

Độ I: giãn dây chằng cùng đòn

Độ II: đứt dây chằng cùng đòn, giãn dây chằng quạ đòn

Độ III: đứt dây chằng quạ đòn, khớp cùng đòn trật hoàn toàn

Độ IV: đầu ngoài xương đòn trật ra sau, vào hoặc xuyên qua cơ thang

Độ V:  đầu ngoài xương đòn di lệch lên trên rất nhiều

Độ VI: với phần xương đòn đi lệch xuống dưới mỏm cùng vai hoặc mỏm quạ. Khoảng gian quạ – đòn thu hẹp so với bên lành.

Hình ảnh: Phân loại trật khớp cùng đòn theo Rockwood

3. Nguyên nhân – cơ chế

Khớp cùng đòn bị trật xảy ra khi bị té ngã khiến vai bị va đập.

Cơ chế chấn thương có thể trực tiếp hoặc gián tiếp:

Cơ chế trực tiếp: Chấn thương xảy ra do người bệnh ngã đập vai trong tư thế khớp vai khép, làm mỏm cùng vai bị đẩy vào trong và xuống dưới.

Cơ chế gián tiếp: Người bệnh ngã chống tay khiến lực truyền dọc theo trục xương cánh tay đến khớp cùng đòn.

4. Dấu hiệu nhận biết

Tương tự như các chấn thương trật khớp khác, người bị trật khớp cùng đòn có thể gặp các triệu chứng bao gồm:

Đau và hạn chế vận động khớp vai

Vai bên chấn thương xệ xuống, đầu ngoài xương đòn nhô lên khỏi mỏm cùng vai

Dấu hiệu phím đàn: Dễ dàng ấn xương đòn về vị trí ban đầu, nhưng khi bỏ tay ra đầu ngoài xương đòn lại nhô lên

Phần vai chấn thương bị sưng, bầm tím, đau đớn

Khi có bất kỳ dấu hiệu nào như nêu trên, người bệnh cần được thăm khám để chẩn đoán chính xác bệnh lý, từ đó điều trị kịp thời, dứt điểm, tránh làm ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày

5. Phương pháp chẩn đoán

Việc chẩn đoán các chấn thương khớp cùng đòn dựa trên những dấu hiệu lâm sàng và thực hiện chụp X-quang để có thể đưa ra kết luận chính xác.

Chụp X-quang khớp vai 3 tư thế: X-quang vai thẳng, X-quang xương bả vai chữ Y và X-quang nách.

X-quang Zanca: Tương tự như X-quang vai thẳng, nhưng đầu phát tia chếch 10 độ về phía đầu. Kỹ thuật này giúp quan sát đầu khớp cùng đòn tốt hơn. 

Chụp phim X-quang stress: X-quang thẳng với tay đeo tạ 4 – 6kg và so sánh 2 bên

6. Chẩn đoán mức độ trật khớp cùng đòn

Mỗi mức độ tổn thương khác nhau sẽ có những biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng riêng biệt.

Cụ thể mức độ từ I đến VI như sau:

Biểu hiện lâm sàngBiểu hiện trên phim X-quang
IĐau khớp cùng quạ đòn, hạn chế vận động vai. Không đau vùng gian – quạ đònKhông thấy biểu hiện bất thường
IIĐầu ngoài xương đòn nhô lên một chút so với mỏm cùng vai;Dấu hiệu phím đàn;Ấn đau vùng gian quạ – đònĐầu ngoài xương đòn hơi nhô cao, khớp cùng đòn giãn rộng;X – quang stress: không thây thay đổi so với bên lành
IIIĐầu ngoài xương đòn nhô lên rõ rệt hơn mức độ II, gồ lên mặt daĐầu xương đòn nhô cao so với mỏm cùng vai;X – quang stress: khoảng gian quạ – đòn tăng lên 25%100% so với bên lành
IVMức độ đau hơn mức độ III, đầu ngoài xương đòn trật ra sau so với mỏm cùng vai.X – quang nách hoặc CT – scan: đầu ngoài xương đòn di lệch ra sau
VTương tự như loại III nhưng mức độ nặng hơn rất nhiềuDa bị gồ lên rất nhiềuKhoảng gian quạ đòn tăng lên 100%300% so với bên lành
VIVai phẳng, mỏm cùng vai nhô lên rõCó thể có gãy xương đòn, xương sườn hoặc tổn thương đám rối cánh tay kèm theoCó 2 trường hợp: Đầu ngoài xương đòn trật nằm dưới mỏm cùng vai và dưới mỏm quạ

7. Các phương pháp điều trị trật khớp cùng đòn

Điều trị trật khớp cùng đòn dựa vào phân độ tổn thương.

Độ I, II: Điều trị nội khoa. Phần lớn các trường hợp điều trị bảo tồn sẽ có một giai đoạn đau nhẹ khớp vai sau đó hết vai, chức năng vai phục hồi hoàn toàn mặc dù có thể đầu ngoài xương đòn hơi nhô dưới da (mất tính thẩm mĩ).

Độ III: điều trị nội khoa nếu nhu cầu vận động không cao, phẫu thuật nếu nhu cầu vận động cao (vận động viên, người trẻ tuổi). Độ I, II, III có kết quả tương đương sau 1 năm dù điều trị bảo tồn hay phẫu thuật.

Độ IV, V, VI: Điều trị phẫu thuật

7.1 Điều trị bảo tồn

Khi đã bị trật khớp cùng đòn tùy mức độ di lệch mà có phương pháp điều trị tương ứng. Nếu chỉ sai khớp ở mức độ I,II (chỉ dãn hoặc đứt dây chằng cùng – đòn hoặc dây chằng quạ – đòn, tương ứng di lệch ½ thân xương đòn) thì có thể điều trị bảo tồn thành công bằng mang áo Desault  hỗ trợ trong 2 – 4 tuần.

Trong suốt thời gian điều trị phải tái khám chụp phim kiểm tra ít nhất 2 lần. Tập phục hồi chức năng dần để hồi phục tầm vận động và sức mạnh của khớp vai. Phụ thuộc vào mức độ tổn thương, phần lớn bệnh nhân sẽ hồi phục sau 2-3 tháng. Bệnh nhân có thể quay lại chơi thể thao nếu vận động khớp vai tốt đa, ấn không đau khớp cùng đòn thông thường 2 tuần với độ I, 6 tuần với độ II, 12 tuần với độ III.

Áo Desault

7.2 Điều trị phẫu thuật

Được chỉ định ở các loại sai khớp cùng – đòn di lệch mức độ lớn (tương ứng độ IV, V, VI). Phẫu thuật đối với độ III khi điều trị bảo tồn thất bại sau 2 – 3 tháng còn đau khớp cùng đòn, một số tổn thương độ III điều trị phẫu thuật luôn như trẻ tuổi nhu cầu vận động cao, công việc yêu cầu đưa tay lên cao, vận động viên chơi môn thể thao đưa tat lên cao.

Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị phẫu thuật khác nhau:

Phẫu thuật cố định khớp cùng đòn
Phương pháp cố định khớp cùng đòn bằng các dụng cụ kết hợp xương như đinh Kirschner, chỉ thép, nẹp móc

Phương pháp này có nhược điểm là nguy cơ di cư đinh trong quá trình bệnh nhân hồi phục tập vận động và làm việc.

Hình ảnh kết hợp xương khớp cùng đòn bằng đinh và chỉ thép
Phương pháp kết hợp xương bằng nẹp móc

Phương pháp này nhanh gọn, dễ thực hiện. Nhược điểm là chi phí cao và bệnh nhân thường than phiền đau tại vị trí bắt nẹp, hoặc hội chứng chạm. Phương pháp này chỉ sử dụng cho trật khớp cùng đòn cấp tính (dưới 3 tuần).

Hình ảnh kết hợp xương khớp cùng đòn bằng nẹp móc
Cố định xương đòn vào mỏm quạ
Bắt vít quạ – đòn, vòng chỉ

Kỹ thuật này là bắt vít cố định từ xương đòn xuống mỏm quạ hoặc qua nội soi buộc cố định vòng chỉ siêu bền từ xương đòn xuống mỏm quạ. Nhược điểm là cần phẫu thuật tháo vít về sau, vòng chỉ có thể cắt xương đòn và nền mỏm quạ. Phương pháp này cũng chỉ áp dụng được cho trật khớp cùng đòn cấp tính.

Hình ảnh kết hợp xương khớp cùng đòn bằng vít quạ – đòn
Sửa chữa dây chằng quạ đòn

Arthrex Tightrope: Có 1 nút tròn, 1 nút hình chữ nhật và chỉ cứng số 5 được thiết kế để cố định khớp cùng đòn bằng tái cấu trúc dây chằng quạ đòn với cố định mềm dẻo. Áp dụng cho tổn thương cấp tính
Arthrex Graftrope: Cho phép kết hợp cố định bằng chỉ và ghép tự thân, có thể dùng để cho phép dây chằng quạ đòn được tái tạo có thể lành tự nhiên. Áp dụng cho cả tổn thương cấp và mãn tính

Tái tạo dây chằng
Hình ảnh tái tạo dây chằng quạ đòn bằng gân tự thân

Không theo giải phẫu: Chuyển dây chằng quạ cùng.

Theo giải phẫu: Gân kheo tự thân, gân cơ chày trước đồng loại

Đây là phương pháp ưu thế hơn cả đòi hỏi kĩ thuật cao, phẫu thuật viên phải có kinh nghiệm vì phương pháp này yêu cầu:

– Cố gắng đạt được cấu trúc giải phẫu của dây chằng quạ đòn

– Cung cấp khung sườn sinh học cho tái phân bố mạch máu để tái tạo dây chằng mới

Chăm sóc sau phẫu thuật

Kháng sinh, giảm đau, kháng viêm

Chăm sóc vết thương, cắt chỉ sau 1 – 2 tuần

Đeo nẹp sau mổ 4 tuần sau đó tập khớp vai tăng dần biên độ

Tập vận động khớp cổ tay, khớp khuỷu ngay sau mổ trong khi bất động khớp vai

Không nhấc vật nặng sau mổ 3 tuần

Không đưa tay lên cao quá đầu 8 – 12 tuần sau mổ vì khi cố định khớp cùng đòn sẽ ngăn cản động tác xoay của xương đòn

Tập sức mạnh và tốc độ của khớp vai ở các vận động viên sau mổ 4 – 6 tháng

Nếu cố định bằng nẹp vít thì phải tháo sau 4 đến 6 tháng để đạt được chức năng bình thường của vai

Quý bệnh nhân có nhu cầu tư vấn sức khỏe trực tuyến, xin hãy liên hệ với Bác sĩ Luân. Số điện thoại/Zalo 0395621593 hoặc Fanpage Bác sĩ Luân – Bệnh viện Yên Lạc để được hỗ trợ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Luân

12 bình luận về “Trật khớp cùng đòn và các phương pháp điều trị”

  1. Xin hỏi bác sĩ e bị trật khớp cùng đòn mức độ III ,e đã phẫu thuật nẹp vít, buộc chỉ thép.Các dây chằng không được nối lại.Vậy sau này các dây chằng có được tái tạo lại không thưa bs!

    Bình luận
  2. Chào bác sĩ…!
    Xin hỏi BS e bị đứt dây chằng , trật khớp cùng đòn ở mức độ V.E đã phẫu thuật nẹp vít buộc chỉ thép, hiện được 1tháng 20 ngày.Tình trạng của e thì mất khoảng bao nhiêu lâu thì bình phục được, bao lâu thì tháo nẹp vít được,giờ e tập vận động giơ tay lên cao tầm nào là phù hợp,e thấy khớp còn đau để lâu thì có bị cứng khớp không BS, còn tập giơ tay lên cao thì thấy rất khó khăn và đau nữa.Xin BS tư vấn giùm ạ.Xin cảm ơn Bs…!

    Bình luận
  3. Em bị trật khớp xương đoàn trái phải phẫu thuật nẹp 6 xít ,được 45 bữa rồi mà sao em thấy tập còn đau quá , Vậy có sao kg bác sĩ.

    Bình luận
    • Có phải bạn bj trật khớp cùng đòn? Nếu là trật khớp cùng đòn thì khi nẹp xương sẽ làm hạn chế động tác xương đòn nên sẽ đau khi tập. Bạn nên tập nhẹ nhàng từ từ, sau 4 đến 6 tháng tháo nẹp thì khớp vai mới vận động được hết tầm như bình thường.

  4. Tôi bị trật khớp cùng đòn trái đã phẫu thuật được 8 ngày xin bác sỹ cho tôi xin hướng dẫn tập phục hồi chức năng. Cám ơn bác sỹ!

    Bình luận
  5. chệch khớp vai cùng đòn phải phẫu thuật kết xương bằng đinh Kirschner và chỉ thép sau bao nâu thì bình phục và có cần phải mổ lại để tháo đinh và chỉ thép ra không ạ. xin cảm ơn bác sỹ ạ

    Bình luận
  6. chệch khớp vai cùng đòn phải phẫu thuật kết xương bằng đinh Kirschner và chỉ thép sau bao nâu thì bình phục và có cần phải mổ lại để tháo đinh và chỉ thép ra không ạ. xin cảm ơn bác sỹ ạ

    Bình luận
  7. Sau khi phẫu thuật trật khớp cùng đòn được bao lâu thì phải tháo nẹp vít và nếu không tháo nẹp vít có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không thưa bác sĩ

    Bình luận
    • Sau mổ từ 4 đến 6 tháng, bác đi khám chụp X quang lại xem mức độ liền xương và hình ảnh dụng cụ kết hợp xương để xét tháo nẹp. Nếu không tháo nẹp thì sau này sẽ ảnh hưởng tới biên độ vận động khớp vai của bác.

Viết một bình luận