Chỉ không tiêu có đặc điểm bền chắc và thẩm mỹ hơn so với chỉ tự tiêu. Vì vậy đa phần các bác sĩ sẽ chọn chỉ không tiêu để thực hiện khâu vết mổ hoặc vết thương hở ngoài da. Chỉ không tiêu khi đến một thời gian nhất định sẽ phải tiến hành cắt chỉ để tạo điều kiện giúp vết thương mau lành và hạn chế để lại sẹo. Vậy vết thương khâu bao lâu thì cắt chỉ được? Trường hợp cắt chỉ vết thương muộn có làm sao không?
1. Vết thương khâu bao lâu thì cắt chỉ?
Thời gian cắt chỉ vết thương phụ thuộc vào nhiều tố: Tốc độ liền thương, khả năng chịu lực nội tại của vết thương, lực căng của 2 mép vết thương và có nhiễm trùng hay không.
Một số nguyên tắc chung:
– Những vị trí có tốc độ liền thương nhanh sẽ cắt chỉ sớm. Vùng đầu mặt có nhiều mạch máu nuôi dưỡng liền thương nhanh sẽ cắt sớm hơn là tay, chân. Người già yếu, suy dinh dưỡng vết thương liền chậm sẽ để chỉ lâu hơn người khác.
– Khả năng chịu lực nội tại của vết thương phải đủ tốt để sau khi cắt chỉ, 2 mép vết thương vẫn dính với nhau mà không bị toác ra.
– Trường hợp bác sĩ phải kéo 2 phần da xa nhau lại gần để khâu, lực kéo căng lúc này của 2 mép khá lớn, cần để chỉ dài ngày cho vết thương thật sự chắc chắn. Khi cắt chỉ sớm, lực kéo lớn này sẽ xé toặc 2 mép vết thương ra xa nhau.
– Một số vị trí như ở gối, khuỷu, cổ tay, cổ chân…vv, khi vận động, vùng da hay bị co lên kéo xuống liên tục, lực kéo 2 mép vết thương biến đổi thất thường. Những chỗ này cần để chỉ lâu hơn bình thường
– Vết thương bị nhiễm trùng sẽ phải cắt sớm để dễ thoát dịch viêm dịch mủ

Thời gian cắt chỉ vết thương khâu theo khuyến cáo:
– Vết thương vùng da đầu: 10 – 12 ngày
– Vết thương vùng tai: 4 – 6 ngày
– Vết thương vùng mặt: 4 – 5 ngày
– Vết thương vùng lông mày: 4 – 5 ngày
– Vết thương vùng mí mắt: 4 – 5 ngày
– Vết thương vùng môi: 4 – 5 ngày
– Vết thương vùng khoang miệng: 6 – 8 ngày
– Vết thương vùng cổ: 5 – 6 ngày
– Vết thương vùng ngực: 10 – 12 ngày
– Vết thương vùng lưng: 10 – 12 ngày
– Vết thương vùng bụng: 10 – 12 ngày
– Vết thương vùng chân, tay: 10 – 14 ngày
– Vết thương vùng đầu gối, khuỷu tay: 12 – 14 ngày
– Vết thương vùng bàn tay, bàn chân: 10 – 14 ngày
– Vết thương dài > 10 cm có thể cắt mối bỏ mối
– Vết mổ đẻ: Với vết mổ ngang, mổ lần đầu thì sau 5 ngày có thể cắt chỉ. Đối với vết mổ ngang lần 2 trở đi thời gian cắt chỉ có thể sau 7 ngày. Với vết mổ dọc thời gian cắt chỉ sẽ kéo dài thêm khoảng 2 ngày so với vết mổ ngang
2. Cắt chỉ vết thương muộn có làm sao không?
Trong quá trình liền thương, các tổ chức liên kết được sản sinh ra ngoài giúp dính liền 2 mép vết thương, chúng còn có xu hướng bám dính cả vào sợi chỉ. Đó chính là hiện tượng biểu mô hoá quanh sợi chỉ khâu.
Thời gian cắt chỉ theo chỉ định của bác sĩ thường sẽ là thời gian phù hợp nhất tạo thuận lợi cho sự hồi phục của vết thương. Nếu cắt chỉ muộn hơn 1-2 ngày so với khuyến cáo thì không phải vấn đề quá lớn. Tuy nhiên nếu để muộn đến 1-2 tuần thì sẽ có nhiều vấn đề xảy ra.
Càng để lâu, hiện tượng biểu mô hóa càng rõ rệt làm cho sẹo lồi, sẹo xấu, sẹo có hình xương cá, mất thẩm mỹ. Ngoài ra để lâu cũng khiến vết thương đóng chặt các mô chắc hơn vào chỉ. Thao tác cắt chỉ, rút chỉ sẽ gặp khó khăn. Người bệnh sẽ cảm thấy đau hơn và còn có thể xuất hiện vết máu khi rút chỉ.
Chỉ không tiêu dù sao cũng là một dị vật gắn trên da, khi để lâu sẽ thành một ổ khu trú vi khuẩn. Sau đó chúng sẽ gây áp xe chân chỉ, rỉ dịch viêm, dịch mủ chân chỉ. Khi tình trạng diễn biến xấu sẽ làm nhiễm trùng lan tỏa toàn bộ vết thương. Nếu bệnh thoái lui thì sẹo ở chân chỉ nhiễm trùng cũng sẽ xấu hơn sẹo bình thường rất nhiều.
3. Cách chăm sóc vết thương sau khi đã cắt chỉ
Vệ sinh vết thương
Thực hiện vệ sinh vết thương hàng ngày bằng muối loãng hoặc dung dịch sát khuẩn y tế
Không nên sử dụng các loại thuốc lạ hoặc đắp thuốc lá dân gian lên miệng vết thương. Các loại lá và thuốc này có thể gây kích ứng, nhiễm trùng, làm vết thương nghiêm trọng hơn.
Dùng bông sạch thấm khô vị trí vết thương, sau đó có thể băng kín lại hoặc để hở tùy từng trường hợp

Hạn chế dính nước
Môi trường ẩm ướt gây nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm khuẩn cao hơn rất nhiều so với thông thường. Do đó, bạn không nên để vết thương bị dính nước. Nếu bạn muốn tắm, nên tắm nhanh, hạn chế sử dụng các loại hóa mỹ phẩm có thể gây kích ứng. Tránh ngâm mình tắm bồn hay để nước dính vào vị trí vết thương quá lâu.
Tránh vận động mạnh
Vận động mạnh có khả năng làm ảnh hưởng xấu đến vết thương. Nghiêm trọng nhất là làm vết thương bị rách và viêm nhiễm. Người bệnh chỉ nên vận động nhẹ nhàng, không quá sức. Nên sử dụng trang phục rộng rãi, thoải mái trong lúc vận động.
Không gãi, tác động lực trực tiếp lên miệng vết thương
Trong quá trình lên da non, người bệnh sẽ có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Nếu dùng tay ma sát hoặc gãi lên sẽ làm vết thương bị trầy xước, không phục hồi theo đúng dự kiến.
Quý bệnh nhân có nhu cầu tư vấn sức khỏe về chăm sóc vết thương, xin hãy liên hệ với Bác sĩ Luân. Số điện thoại/Zalo 0395621593 hoặc Fanpage Bác sĩ Luân – Bệnh viện Yên Lạc để được hỗ trợ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Luân