Sinh thường ngả âm đạo là bản năng của người phụ nữ. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, cân nhắc lợi ích sinh mổ lớn hơn sinh thường, sản phụ sẽ được chỉ định mổ lấy thai. Vậy mổ lấy thai cụ thể là gì? Những điều cần biết trước khi mổ lấy thai.
1. Mổ lấy thai là gì?
Mổ lấy thai (hay còn gọi là mổ đẻ, sinh mổ) là một phẫu thuật nhằm lấy thai nhi, nhau và màng ối qua một vết mổ ở thành tử cung đang nguyện vẹn; (không bao gồm mổ lấy thai trong vỡ tử cung).
Trước đây, chỉ định sinh mổ còn hạn chế do nhiễm trùng, chảy máu và sự hạn chế của gây mê hồi sức. Ngày nay, sự phát triển của phẫu thuật, phương tiện vô khuẩn, kháng sinh, truyền máu và gây mê hồi sức đã giảm hẳn các tai biến của việc mổ lấy thai.

Về nguyên tắc, mổ lấy thai là chỉ định có lý do Y khoa. Vì vậy trong các trường hợp bác sĩ tiên lượng không thể sinh thường qua ngã âm đạo an toàn; sản phụ sẽ chỉ định sinh mổ.
Vết rạch của mổ lấy thai có thể là một vết rạch dọc hoặc là vết rạch ngang
– Vết mổ dọc: Đường rạch này kéo dài từ rốn đến đường chân lông mu.
– Vết mổ ngang: Đường rạch này kéo dài qua đường chân lông mu. Nó được sử dụng thường xuyên nhất vì vết mổ mau lành, ít chảy máu và sẹo sau mổ thẩm mỹ hơn.
Loại vết mổ được sử dụng tùy thuộc vào sức khỏe của mẹ và thai nhi.

2. Chỉ định cần biết trước khi mổ lấy thai?
Sinh con tuy là một tiến trình sinh lý bình thường; nhưng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ cho cả mẹ và thai nhi dù mẹ sinh thường hay sinh mổ. Tuy nhiên nếu tiên lượng cuộc sinh thường qua ngả âm đạo tỏ ra không an toàn cho mẹ, thai nhi hoặc cả hai; bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định sinh mổ. Tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định phù hợp
Theo thời điểm xuất hiện chỉ định trước khi mổ lấy thai; người ta có thể chia thành hai nhóm lớn:
– Chỉ định mổ lấy thai chủ động (còn gọi là mổ lấy thai dự phòng): Đây là trường hợp đã xác định sẵn tư tưởng phải mổ lấy thai từ trước khi có chuyển dạ.
– Chỉ định mổ lấy thai trong quá trình chuyển dạ.
Theo tính chất của chỉ định trước khi mổ lấy thai, người ta có thể chia thành:
– Chỉ định mổ lấy thai tuyệt đối: Chỉ cần một lý do duy nhất này là đủ để mổ lấy thai.
– Chỉ định mổ lấy thai tương đối: Là những chỉ định nếu chỉ có mình nó thì chưa đủ để mổ lấy thai. Thường phải có kết hợp nhiều chỉ định tương đối với nhau, bác sĩ mới quyết định mổ lấy thai.

2.1 Chỉ định mổ lấy thai chủ động (dự phòng)
Khung chậu bất thường
Nếu không phải là ngôi chỏm thì đều phải mổ lấy thai.
Nếu là ngôi chỏm:
– Mổ lấy thai nếu khung chậu hẹp tuyệt đối, khung chậu méo, khung chậu hẹp eo dưới, thai to.
– Làm nghiệm pháp lọt ngôi chỏm để thử thách cho đẻ đường dưới nếu khung chậu giới hạn (thai không to).
Đường ra của thai bị cản trở
Khối u tiền đạo: thường hay gặp là u xơ ở eo tử cung hay cổ tử cung; u nang buồng trứng; các khối u khác nằm trên đường thai đi ra.
Rau tiền đạo loại che kín toàn bộ cổ tử cung (rau tiền đạo trung tâm hoàn toàn); hay rau tiền đạo gây chảy máu nhiều buộc phải mổ cấp cứu để cầm máu cứu mẹ.
Tử cung có sẹo trong trường hợp sau
Các sẹo mổ ở thân tử cung: sẹo bóc tách u xơ; sẹo của phẫu thuật tạo hình tử cung; sẹo khâu chỗ vỡ, chỗ thủng tử cung; sẹo của phẫu thuật cắt góc tử cung, sừng tử cung.
Sẹo của phẫu thuật mổ ngang đoạn dưới tử cung:
– Đã có mổ lấy thai ngang đoạn dưới từ hai lần trở lên.
– Lần mổ lấy thai trước cách chưa được 24 tháng.
Chỉ định mổ vì nguyên nhân của người mẹ
Mẹ bị các bệnh lý toàn thân mạn tính hay cấp tính nếu đẻ đường dưới có thể có nguy cơ cho tính mạng người mẹ. Ví dụ như bệnh tim, tăng huyết áp, tiền sản giật nặng và sản giật…
Các bất thường ở đường sinh dục dưới của người mẹ như chít hẹp âm đạo (bẩm sinh hay mắc phải); tiền sử mổ rò, mổ sa sinh dục.
Các dị dạng của tử cung như tử cung đôi (tử cung không có thai thường trở thành khối u tiền đạo); tử cung hai sừng… ;đặc biệt là khi kèm theo ngôi thai bất thường.
Nguyên nhân về phía thai
Thai bị suy dinh dưỡng nặng hay bị bất đồng nhóm máu nếu không lấy thai ra thì có nguy cơ thai bị chết lưu trong tử cung
2.2 Chỉ định mổ lấy thai trong quá trình chuyển dạ
Các chỉ định này hầu hết đều là những chỉ định tương đối. Cần phải có nhiều chỉ định tương đối để hình thành nên một chỉ định mổ lấy thai.
Chỉ định mổ vì nguyên nhân người mẹ
Con so lớn tuổi (thai phụ có con so ở tuổi từ 35 trở lên); có thể kèm theo hay không kèm theo lý do vô sinh.
Tiền sử điều trị vô sinh, con hiếm, con quý.
Các bệnh lý của người mẹ vẫn có thể cho phép theo dõi chuyển dạ. Sản phụ sẽ được mổ lấy thai nếu xuất hiện thêm một yếu tố đẻ khó khác.
Chỉ định mổ vì nguyên nhân của thai
Thai to không phải do thai bất thường.
Các ngôi bất thường: ngôi vai (không có chỉ định nội xoay thai); ngôi trán; ngôi thóp trước; ngôi mặt cằm sau. Ngôi mông nếu có thêm một yếu tố đẻ khó khác.
Thai già (quá ngày sinh) thường phải mổ vì thai không đủ sức chịu đựng cuộc chuyển dạ.
Chửa đa thai: nếu thai trhứ nhất là ngôi mông hay ngôi vai.
Suy thai cấp tính trong chuyển dạ khi chưa đủ điều kiện đi đường dưới. Hiện tượng thai suy cấp tính càng dễ xảy ra trên cơ sở thai suy mạn tính, cơn co tử cung mau, mạnh.
Chỉ định mổ vì những bất thường trong chuyển dạ
Cơn co tử cung bất thường sau khi đã dùng các thứ thuốc tăng co hay giảm co để điều chỉnh mà không thành công.
Cổ tử cung không xóa hay mở mặc dù con cơ tử cung đồng bộ, phù hợp với độ mở cổ tử cung. Có thể cổ tử cung có các tổn thường thực thể như: sẹo xơ, phù nề.
Ối vỡ non, ối vỡ sớm làm cuộc chuyển dạ ngừng tiến triển, có nguy gây nhiễm khuẩn ối, sau khi đã tích cực điều chỉnh cơn co tử cung. Hậu quả của ối vỡ non, vỡ sớm thường làm cho cổ tử cung khó mở, nhiễm khuẩn hậu sản.
Đầu không lọt khi cổ tử cung đã mở hết mặc dù cơn co đủ mạnh; có thể vì lý do bất tương xứng đầu thai khung chậu khá kín đáo mà chưa biết.
Chỉ định mổ lấy thai vì các tai biến trong chuyển dạ
Chảy máu vì rau tiền đạo, rau bong non. Trong nhiều trường hợp phải tiến hành mổ lấy thai ngay cả khi thai đã chết.
Doạ vỡ và vỡ tử cung.
Sa dây rốn khi thai còn sống.
Sa chi sau khi đã thử đẩy lên nhưng không thành công.
3. Có nên mổ lấy thai chủ động theo ý thích không?
Nguyên tắc bắt buộc: chỉ định mổ lấy thai phải thuộc về phía y khoa chứ không phải từ ý thích của sản phụ hay người nhà.
Tạo hóa sinh ra con người đã có những quy luật sinh học chặt chẽ. Mọi sự can thiệp trái với quy luật sẽ không tránh khỏi sự rắc rối. Mổ đẻ chỉ vì ý thích chủ quan mà không có chỉ định là phản khoa học, phản tự nhiên; làm mất tính nhân văn của một kỹ thuật hiện đại.
Khi mổ đẻ, sản phụ phải trải qua nhiều nguy cơ hơn đẻ thường rất nhiều. Hệ quả để lại lâu dài; một cuộc đẻ mổ lần này sẽ là “món nợ” cho những lần đẻ sau phải trả.
Nhiều năm gần đây; ở Việt Nam có tình trạng sản phụ và gia đình muốn kỳ vọng vào những điều tốt đẹp; chọn ngày sinh con và xin mổ lấy thai chủ động theo giờ khi mẹ chưa chuyển dạ. Hậu quả, đã có những trường hợp sau sinh, trẻ sơ sinh bị suy hô hấp nặng, phải điều trị rất khó khăn và tốn kém, đã có một số trường hợp tử vong.
Theo các nghiên cứu thống kê, tỷ lệ mổ lấy thai tại các nước tiên tiến đúng chỉ định rơi vào khoảng dưới 20% các ca đẻ. Ở Việt Nam, tỷ lệ này khá cao; khoảng 40% trẻ sinh ra bằng phương pháp mổ. Chính vì vậy, còn tồn tại khá nhiều ca mổ không đúng chỉ định.

4. Một số biến chứng cần biết trước khi mổ lấy thai
4.1 Biến chứng với mẹ
Biến chứng gần:
Nhiễm trùng
Khi mổ, bác sĩ sẽ rạch trực tiếp một đường ở bụng dưới và từ đó đưa thai ra ngoài. Vết mổ này cần thời gian phục hồi lâu hơn. Nếu không chăm sóc tốt hoặc điều kiện phẫu thuật không đảm bảo; mẹ có thể bị nhiễm trùng vết mổ, viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu sau sinh,… Nhiễm trùng này nếu nhẹ sẽ gây đau đớn, tăng thời gian hồi phục vết mổ và sẹo sau mổ xấu. Nếu không can thiệp sớm, nhiễm trùng ối gây viêm phúc mạc có thể khiến mẹ phải cắt bỏ tử cung; mất khả năng sinh con sau này.
Băng huyết
Băng huyết là một trong những biến chứng sản khoa nguy hiểm; nếu không cầm máu tốt tính mạng của mẹ có thể bị đe dọa. Băng huyết có thể xảy ra trong hoặc sau khi mổ lấy thai. Nguyên nhân có thể do rách đoạn dưới tử cung gây chảy máu hoặc đờ tử cung. Xuất huyết nội cũng có thể gặp trong hoặc sau sinh mổ lấy thai. Đây là biến chứng tiềm ẩn cần theo dõi và phòng ngừa.
Tai biến do thao tác phẫu thuật
Có nhiều nguyên nhân khiến mẹ khi sinh mổ phải đối diện với tai biến do chạm phải cơ quan lân cận như: ruột, bàng quang, niệu quản,… Tùy theo mức độ tổn thương mà có thể phải phẫu thuật khắc phục hoặc điều trị kéo dài.
Tử vong
Kể cả sinh mổ hay sinh thường; mẹ có thể tử vong do những biến chứng sản khoa như: xuất huyết không cầm được máu, thuyên tắc mạch ối, huyết khối,…
Biến chứng tại vết mổ
Vết mổ cần thời gian dài hơn để phục hồi so với sinh thường; hơn nữa còn tiềm ẩn nguy cơ thoát vị thành bụng, bung vết mổ,…
Tai biến do gây mê, hồi sức:
Phương pháp vô cảm trong mổ lấy thai thường là gây tê tuỷ sống hoặc gây mê nội khí quản. Do đó có thể có những biến chứng do vô cảm như tụt huyết áp, sốc phản vệ, hít sặc phổi do trào ngược, nhức đầu sau mổ, đau lưng kéo dài.
Biến chứng xa:
Dính ruột, tắc ruột.
Sẹo mổ thành bụng dẫn đến lạc nội mạc tử cung.
Tắc ống dẫn trứng dẫn đến vô sinh thứ phát.
Sẹo trên thân tử cung gây khó khăn, sinh non hoặc sảy thai trong lần mang thai sau.
Những mẹ đã sinh mổ lấy thai ở lần trước đó thì nguy cơ lần sinh sau sẽ tiếp tục phải sinh mổ; hoặc nếu sinh ngả âm đạo phải giúp sinh bằng giác hút hoặc forceps để giảm nguy cơ nứt vỡ tử cung…
4.2 Biến chứng với con
Va chạm chấn thương trong quá trình phẫu thuật; có thể chảy máu, nhiễm trùng… tùy vào mức độ chấn thương.
Thai nhi bị ảnh hưởng do thuốc mê sử dụng trong quá trình sinh.
Thai nhi hít phải nước ối; nhất là nước ối có phân su ảnh hưởng đến sức khỏe của phổi và hệ hô hấp.
Trẻ sơ sinh sinh mổ có nguy cơ suy hô hấp nặng và đe dọa tính mạng do sự can thiệp khi mẹ chưa chuyển dạ; nhất là trẻ được can thiệp sinh mổ ở thời kỳ thai gần đủ tháng (khoảng 37 tuần). Nguyên nhân chủ yếu là do:
+ Bệnh màng trong thường gặp ở trẻ sinh non; với tỉ lệ 3/1.000 trẻ sinh mổ ở tuổi thai 37 tuần; gấp 13 lần so với trẻ ở tuổi thai 38 tuần và gấp 30 lần so với trẻ 39 tuần.
+ Tình trạng ứ đọng dịch phế nang và thể tích khí trong lồng ngực của trẻ giảm gần 50% so với trẻ sơ sinh bình thường.
+ Hiện tượng cao huyết áp phổi tồn tại; cao gấp 5 lần so với trẻ sơ sinh sinh qua âm đạo bình thường.
Tỷ lệ tử vong chu sinh (trong vòng 28 ngày sau khi sinh) ở trường hợp mổ lấy thai cao hơn so với sinh thường.
Tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu, thai chết khi sinh trong lần sinh tiếp theo. Nguyên nhân do tử cung mẹ sau sinh mổ dễ bị sẹo khiến bánh nhau không bám tốt vào tử cung; giảm khả năng cung cấp máu và dinh dưỡng cho thai.

5. Mẹ bầu cần chuẩn bị những gì trước khi mổ lấy thai?
Nếu như được bác sĩ chỉ định mổ lấy thai trước khi có dấu hiệu chuyển dạ; sản phụ có thể trao đổi với bác sĩ về hình thức gây tê, gây mê; các vấn đề có thể làm tăng nguy cơ gặp các biến chứng trong và sau khi sinh để có sự chuẩn bị tốt nhất.
Sản phụ cũng sẽ được đề nghị thực hiện một vài xét nghiệm máu nhất định trước khi tiến hành phẫu thuật. Ví dụ như xét nghiệm công thức máu, đông máu, nhóm máu, hóa sinh, miễn dịch… Những kỹ thuật này sẽ cung cấp thêm thông tin về các vấn đề sức khỏe của mẹ giúp phục vụ cuộc mổ.
Ngay cả khi người phụ nữ đã lên kế hoạch hoàn hảo cho một ca sinh thường; thì cũng cần có sự chuẩn bị tâm lý có thể phải sinh mổ nếu những tình huống bất ngờ xảy ra. Nguyên do là khi có tình huống khẩn cấp đến; bác sĩ sẽ không có thời gian để giải thích quy trình hoặc trả lời chi tiết câu hỏi của sản phụ về việc sinh mổ.
Sau khi trải qua việc mổ lấy thai; sản phụ cần nhiều thời gian để nghỉ ngơi và phục hồi. Thế nên ngay trước khi đi sinh, người mẹ có thể cân nhắc đến việc tìm kiếm một vài sự giúp đỡ trong thời gian đầu sau khi em bé ra đời.
6. Quá trình sinh mổ diễn ra thế nào và sản phụ nên hợp tác những gì?
Quá trình sinh mổ được chia thành 3 giai đoạn khác nhau như sau:
6.1 Trước khi ca mổ lấy thai diễn ra
Sản phụ nên tắm bằng sữa tắm có tác dụng sát khuẩn vào buổi tối hôm trước hoặc buổi sáng vào ngày bạn tiến hành phẫu thuật.
Vào buổi sáng trong ngày tiến hành sinh mổ; sản phụ cần nhịn ăn, nhịn uống tuyệt đối. Đồng thời sản phụ sẽ được yêu cầu bơm thuốc thụt để có thể đi tiêu sạch sẽ; tránh trường hợp mẹ bầu đi tiêu trong khi sinh.
Người mẹ tương lại sẽ được truyền dịch qua tĩnh mạch ở tay để không bị mất nước và có đường dùng thuốc khi mổ.
Sau khi lên phòng mổ, sản phụ sẽ được tiến hành gây tê. Hầu hết các ca sinh mổ thường gây tê cục bộ nên người mẹ vẫn tỉnh táo trong suốt quá trình sinh. Trong một vài trường hợp khẩn cấp, mẹ bầu sẽ được gây mê toàn thân; nghĩa là bạn không có ý thức trong khi ca mổ diễn ra.
Bác sĩ sẽ đặt ống thông tiểu để nước tiểu chảy vào túi chứa trong quá trình mổ. Điều này nhằm đảm bảo vệ sinh và tránh vỡ bàng quang do cơ đi tiểu bị liệt dưới tác dụng của thuốc tê.
Khi bệnh nhân mất hoàn toàn cảm giác đau vùng bụng; các bác sĩ sẽ sát khuẩn vùng mổ, trải săng vô khuẩn để tạo phẫu trường.
6.2 Trong quá trình thực hiện phẫu thuật
Đầu tiên, bác sĩ sẽ rạch một đường trên thành bụng bệnh nhân. Thông thường bác sĩ sẽ rạch theo chiều ngang ở bụng dưới trong vùng mặc bikini. Một số trường hợp đặc biệt, bác sĩ có thể rạch một đường dọc từ rốn đến ngay phía trên xương mu.
Phẫu thuật viên sẽ thực hiện các vết mổ theo từng lớp thông qua mô mỡ và mô liên kết; tách cơ bụng để có thể tiếp cận với tử cung trong khoang bụng.
Tiếp theo, bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch tử cung, đưa em bé ra ngoài. Em bé được làm sạch mũi và miệng, rồi kẹp cắt dây rốn. Nếu mẹ tỉnh táo, mẹ sẽ được nghe tiếng khóc, nhìn em bé và bé được đặt da kề da trên vùng ngực – bụng của sản phụ.
Bác sĩ sẽ mau chóng lấy nhau thai ra và làm sạch tử cung. Đồng thời em bé sẽ được bác sĩ sơ sinh khám sức khỏe tổng quát; các nữ hộ sinh sẽ lau sạch người cho em bé.
Cuối cùng, phẫu thuật viên sẽ khâu lần lượt các lớp từ trong ra ngoài theo giải phẫu bằng chỉ khâu. Mặc dù là bước cuối nhưng đây lại là bước chiếm nhiều thời gian nhất.
6.3 Sau khi kết thúc quá trình mổ lấy thai
Sau ca mổ, sản phụ sẽ được đưa về phòng hậu phẫu để các nhân viên y tế theo dõi và chăm sóc trong khoảng 5 – 10 giờ. Đồng thời người mẹ cần nhịn ăn, nhịn uống hoàn toàn do ruột chưa tiêu hóa được vì tồn dư của thuốc tê.
Hết thời gian trên, sản phụ sẽ được đưa về phòng nghỉ ngơi. Lúc này nhân viên y tế sẽ khuyến khích người mẹ uống nhiều nước. Điều dưỡng sẽ rút ống thông tiểu để có thể đi tiểu bình thường.

Ngay khi về phòng nghỉ, mẹ có thể bắt đầu cho con bú nếu cảm thấy thoải mái với việc đó. Có rất nhiều thắc mắc xoay quanh việc có nên cho con bú ngay sau sinh mổ không. Câu trả lời là sinh mổ không có ảnh hưởng nhiều đến việc cho con bú; nên tốt nhất hãy cho trẻ bú sớm nhất có thể.
Sau ca mổ khoảng 24 giờ, sản phụ sẽ được khuyến khích đi bộ để ngăn ngừa táo bón và sự hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu.
Người mẹ sẽ phải ở lại bệnh viện từ 3 – 5 ngày để các bác sĩ theo dõi tình trạng vết mổ nhằm tìm xem liệu có dấu hiệu nhiễm trùng hay không cũng như chăm sóc sức khỏe, giảm đau cho bệnh nhân.
Trước khi xuất viện, hãy nói chuyện bác sĩ sản khoa về bất kỳ dịch vụ chăm sóc hay phòng ngừa nào mà người mẹ cần; chẳng hạn như việc ngừa thai sau sinh mổ hay các dấu hiệu bất thường mà mẹ cần phải lưu tâm.
7. Những lưu ý sau khi ra viện
So với sinh con tự nhiên, sinh mổ cần thời gian hồi phục lâu hơn cũng như chăm sóc cẩn trọng hơn. Thời gian phục hồi cho một ca sinh mổ thường mất khoảng 6 – 8 tuần. Để cơ thể mẹ nhanh phục hồi, tránh gây tổn thương vết mổ; mẹ sinh mổ cần lưu ý những điều sau đây
Nghỉ ngơi mọi lúc khi có thể
Cố gắng giữ tất cả những thứ mà mẹ và em bé có thể cần trong tầm tay. Trong vài tuần đầu tiên, tránh nâng bất cứ thứ gì nặng hơn so với trọng lượng em bé. Ngoài ra, tránh việc ngồi bật dậy đột ngột từ tư thế đang ngồi xổm hay đang nằm.
Sử dụng thuốc giảm đau
Để làm dịu cơn đau do vết mổ; các bác sĩ có thể khuyến cáo sử dụng miếng đệm sưởi ấm, ibuprofen, acetaminophen hoặc các loại thuốc khác để giảm đau. Hầu hết các loại thuốc giảm đau đều an toàn cho phụ nữ đang cho con bú.
Tránh quan hệ tình dục
Để ngăn ngừa nhiễm trùng hay gây tổn thương vết mổ; người mẹ nên tránh quan hệ tình dục trong sáu tuần đầu sau mổ.
Chú ý chăm sóc vết thương
Nên kiểm tra vết mổ trên thành bụng thường xuyên để sớm phát hiện có nhiễm trùng hay không. Hãy chú ý đến bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng mà mẹ gặp phải. Đến gặp bác sĩ ngay nếu có những biểu hiện như:
– Vết mổ có màu đỏ, sưng hoặc rỉ máu
– Người mẹ bị sốt
– Người mẹ bị chảy máu nhiều
– Mẹ bị đau nặng hơn
Ngoài ra cũng cần chú ý đến thời gian tháo chỉ vết mổ đẻ để vết thương được phục hồi tốt, tránh sẹo xấu về sau.

Sinh con là một thiên chức cao quý mà ông trời đã ban tặng cho người phụ nữ. Nếu chẳng may người mẹ không thể sinh thường theo cách tự nhiên thì cũng đừng nên quá lo lắng. Hãy tìm hiểu kỹ các quá trình sinh mổ sẽ diễn ra như thế nào để có sự chuẩn bị thật tốt.
Quý bệnh nhân có nhu cầu tư vấn sức khỏe trực tuyến, xin hãy liên hệ với Bác sĩ Luân. Số điện thoại/Zalo 0395621593 hoặc Fanpage Bác sĩ Luân – Bệnh viện Yên Lạc để được hỗ trợ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Luân