Sỏi niệu đạo là gì? Triệu chứng, biến chứng và điều trị sỏi niệu đạo

Sỏi niệu đạo là bệnh chiếm tỉ lệ ít nhất trong các bệnh lý sỏi đường tiết niệu (khoảng 4%). Dù vậy, nếu không được chữa trị kịp thời thì bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng. Vậy sỏi niệu đạo là gì? Triệu chứng, biến chứng và điều trị như thế nào?

1. Sỏi niệu đạo là gì?

Sỏi niệu đạo (Sỏi NĐ) là thành phần hữu hình vô cơ hay hữu cơ tại niệu đạo, có thể hình thành tại chỗ hay từ bàng quang di chuyển tới làm hẹp niệu đạo một phần hay toàn bộ và gây nên rối loạn bài xuất nước tiểu đường tiết niệu dưới.

Vị trí của niệu đạo trong hệ tiết niệu

Sỏi NĐ thường gặp ở nam giới hơn so với nữ giới do niệu đạo nam dài hơn nhiều khiến sỏi khó di chuyển và đào thải ra ngoài.

2. Triệu chứng điển hình của sỏi niệu đạo

Với các kích thước, vị trí, độ cứng khác nhau của sỏi NĐ, người bệnh sẽ gặp những triệu chứng như sau: 

– Tiểu khó, tiểu ngắt quãng, tiểu buốt, tiểu sót, nước tiểu đục, tiểu có máu do sỏi làm bít tắc đường tiểu.

– Bị đau quặn hoặc đau từng cơn lan tỏa ở khu vực bộ phận sinh dục hoặc tầng sinh môn. Khi đường tiểu bị tắc hoàn toàn thì còn có thể xuất hiện cơn đau quặn thận.

– Sốt do sỏi làm tổn thương niêm mạc đường tiểu, tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm sinh sôi gây viêm đường tiết niệu.

3. Nguyên nhân gây ra sỏi

– Nguyên nhân gây sỏi NĐ phổ biến nhất là do sỏi bàng quang, sỏi thận di chuyển xuống mắc kẹt ở chỗ hẹp niệu đạo.

– Sỏi tự hình thành tại niệu đạo: Nước tiểu đọng lại ở những đoạn bị chít hẹp bất thường hoặc do túi thừa niệu đạo khiến các tinh thể khoáng chất và muối lắng đọng lại tạo thành sỏi.

– Nước tiểu ứ đọng tại tại bao quy đầu hoặc bao quy đầu hẹp, viêm, dính khiến các tinh thể lắng đọng và liên kết tạo nên sỏi.

4. Đặc điểm riêng biệt của sỏi niệu đạo so với các loại sỏi khác

Vị trí giải phẫu từng đoạn niệu đạo

Sỏi NĐ chỉ xuất hiện đơn lẻ từng viên và thường có hình thoi.

Có đến 2/3 các trường hợp bị sỏi ở niệu đạo trước và chỉ 1/3 trường hợp sỏi ở niệu đạo sau (chủ yếu ở đoạn hẹp như hố thuyền niệu đạo, hành niệu đạo, gốc dương vật, xoang tuyến tiền liệt).

Đoạn niệu đạo nằm ngay trên viên sỏi thường bị giãn rộng hơn do nước tiểu ứ đọng lại. Tại nơi viên sỏi mắc kẹt, niệu đạo dễ bị tổn thương khiến vi khuẩn sinh sôi và gây sưng viêm. Điều này làm niêm mạc và các lớp cơ và dày lên, càng làm hẹp thêm lòng ống niệu đạo.

5. Biến chứng nguy hiểm của sỏi niệu đạo

Nếu không được chữa trị kịp thời thì sỏi NĐ có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng:

Thận ứ nước, giãn rộng bể thận, đài thận

Sỏi NĐ gây nên tình trạng nước tiểu bị chặn lại và ứ đọng trong thận, niệu quản, bàng quang. Nếu không được can thiệp kịp thời, thể tích nước tiểu không ngừng tăng lên sẽ khiến thận bị ứ nước, đài và bể thận bị giãn rộng.

Suy thận cấp và mạn tính

Nếu sỏi NĐ kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng thận, thận ứ nước, ứ mủ…vv. Dần dần sẽ dẫn làm suy giảm chức năng thận gây nên bệnh suy thận cấp và mạn tính. Nguy hiểm hơn, bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo rất tốn kém, tác động nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh.

Nhiễm trùng đường tiết niệu

Sỏi NĐ làm tổn thương niêm mạc, gây tắc nghẽn làm ứ đọng nước tiểu. Môi trường nước tiểu tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Điển hình như viêm niệu đạo, viêm bàng quang, viêm thận, thận ứ mủ.

6. Các phương pháp chẩn đoán

Thăm khám lâm sàng

Sờ thấy sỏi dọc theo niệu đạo.

Chạm sỏi khi đặt sonde tiểu thăm dò.

Thăm trực tràng sờ thấy sỏi ở đoạn niệu đạo tuyến tiền liệt

Cận lâm sàng

Siêu âm ổ bụng

X quang khung chậu

X quang niệu đạo ngược dòng

X quang hệ tiết niệu không chuẩn bị, UIV

7. Một số phương pháp điều trị hiệu quả sỏi niệu đạo

Điều trị nội khoa

Hiện nay có một số nhóm thuốc được dùng phổ biến là: thuốc giảm đau, kháng sinh, chống viêm, giãn cơ trơn, lợi tiểu…vv

Điều trị ngoại khoa

Tùy thuộc kích thước sỏi và tình trạng bệnh nhân mà bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số kỹ thuật sau:

– Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser

– Tán sỏi bằng năng lượng sóng xung kích (ESWL)

– Phẫu thuật mổ hở lấy sỏi trực tiếp

Nếu bạn hoặc người thân nhận thấy bất kỳ một dấu hiệu nào của sỏi NĐ, hãy đi khám để phát hiện sớm, điều trị kịp thời nhằm hạn chế tối đa những hậu quả nguy hiểm.

Quý bệnh nhân có nhu cầu tư vấn sức khỏe trực tuyến, xin hãy liên hệ với Bác sĩ Luân. Số điện thoại/Zalo 0395621593 hoặc Fanpage Bác sĩ Luân – Bệnh viện Yên Lạc để được hỗ trợ.

Bác sĩ Nguyên Văn Luân

Viết một bình luận