Sỏi bàng quang: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Sỏi bàng quang được tạo thành bởi sự tích tụ của các khoáng chất từ nước tiểu. Đây là loại bệnh thường gặp ở nam giới, trên 50 tuổi. Trong một số trường hợp sỏi bàng quang sẽ không gây ra bất kỳ triệu chứng nào và có thể tự đào thải qua đường tiểu. Tuy nhiên, chúng gây đau và nhiều vấn đề khác khi đi tiểu thì đã đến lúc bạn nghĩ đến chuyện điều trị để loại bỏ sỏi.

Hình ảnh sỏi lớn trong bàng quang trên phim X quang

1. Nguyên nhân gây ra sỏi bàng quang (Sỏi BQ)?

Bàng quang là cơ quan chứa nước tiểu do thận bài tiết trước khi thải ra ngoài cơ thể bằng cách đi tiểu. Sau khi tiểu, bàng quang sẽ trở về trạng thái trống rỗng. Tuy nhiên, khi có một số vấn đề khiến nước tiểu còn sót lại trong bàng quang, không được tống ra hết khi đi tiểu khiến các chất bắt đầu kết dính lại tạo thành sỏi sỏi BQ.

Có 2 nguyên nhân phổ biến gây ra Sỏi BQ:

Phì đại tiền liệt tuyến: Nam giới càng lớn tuổi, tuyến tiền liệt càng lớn hơn và có thể gây chèn ép niệu đạo, ống dẫn nước tiểu. Điều này xảy ra tương tự như việc vòi nước bị gấp khúc khiến nước không thể chảy hết ra ngoài.

Tổn thương thần kinh: dây thần kinh bàng quang không hoạt động như bình thường

Ngoài ra, sỏi BQ cũng có thể xuất phát từ nhiều lý do khác:

Phẫu thuật mở rộng bàng quang: Thường được thực hiện trên những bệnh nhân mắc chứng tiểu không kiểm soát. Điều này cũng có rủi ro làm tăng nguy cơ bị sỏi BQ

Túi thừa bàng quang: Đây là những túi nhỏ hình thành trong bàng quang do bẩm sinh. Một số khác là do nhiễm trùng hoặc mắc các vấn đề về tuyến tiền liệt

Sưng bàng quang: Do nhiễm trùng đường tiết niệu

Sa bàng quang: Chỉ xảy ra ở nữ giới khi một phần của thành bàng quang bị yếu và sa xuống nằm ở trong âm đạo khiến dòng chảy của nước tiểu bị chặn lại.

Chế độ ăn: Nhiều chất béo, đường và muối nhưng thiếu bổ sung các vitamin (chủ yếu là A, B) cũng làm tăng nguy cơ mắc sỏi BQ

Sỏi thận: Sỏi từ thận có thể rơi xuống bàng quang tạo thành sỏi BQ

Các thiết bị y tế: Những thiết bị được đặt trong bàng quang lâu ngày như ống thông tiểu…vv tạo thành bộ khung cho sỏi bám vào

2. Triệu chứng lâm sàng

Một số sỏi BQ thường sẽ không có triệu chứng và không gây ra bất kỳ trở ngại nào. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp sẽ gây ra những khó khăn cho thành bàng quang và khi đi tiểu. Bạn có thể nhận thấy điều đó thông qua những dấu hiệu sau:

– Có máu trong nước tiểu

– Rát hoặc đau khi đi tiểu

– Tiểu khó và dòng nước tiểu bị gián đoạn

– Đau bụng dưới

– Đau dượng vật và tinh hoàn ở nam giới

– Tiều nhiều lần và hay tiểu vào ban đêm

– Nước tiểu có màu đục và sẫm hơn bình thường

3. Cận lâm sàng

Nội soi bàng quang: Bác sĩ sẽ sử dụng ống nội soi nhỏ để đưa vào niệu đạo và lên bàng quang để tìm sỏi BQ

Chẩn đoán hình ảnh: Chụp CT, X-Quang hoặc siêu âm giúp xác định vị trí và kích thước sỏi cũng như vị trí tắc nghẽn khiến nước tiểu không thể chảy hết.

Xét nghiệm nước tiểu: Kiểm tra liệu nước tiểu của bạn có gì bất thường hoặc bạn có bị nhiễm trùng đường tiết niệu hay không

4. Điều trị sỏi bàng quang

Điều trị nội khoa

Đối với sỏi BQ nhỏ, bạn có thể uống nhiều nước cộng thêm dùng một số thuốc để chúng tự đào thải qua dòng nước tiểu. Tuy nhiên, trong trường hợp sỏi lớn, không thể thoát ra được, ta cần phải thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu hơn

Nội soi tán sỏi

Dùng máy nội soi ngược dòng theo đường niệu đạo đi lên bàng quang. Sau đó tán sỏi ở bàng quang bằng sóng siêu âm, tia laser hoặc dùng một số công cụ để phá vỡ sỏi và đào thải các mảnh nhỏ ra ngoài.

Phẫu thuật mổ mở

Nếu sỏi của bạn quá lớn, Bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật mở bàng quang để lấy sỏi

Hình ảnh viên sỏi kích thước rất lớn được lấy ra sau khi mổ mở bàng quang.

5. Phòng ngừa

Điều đầu tiên bạn cần làm là phải điều trị triệt để những bệnh làm tăng nguy cơ bị sỏi như túi thừa bàng quang, phì đại tuyến tiền liệt, tổn thương dây thần kinh…vv. Đối với phụ nữ bị u nang, sẽ cần phải phẫu thuật để hỗ trợ bàng quang và các cơ quan vùng chậu khác.

Uống nhiều nước để giúp giữ cho các khoáng chất trong nước tiểu không chuyển thành tinh thể gây ra sỏi.

Nếu gặp các vấn đề khi đi tiểu (tiểu đau, tiểu khó, tiểu nhiều lần…vv) hãy đi khám bác sĩ sớm để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Quý bệnh nhân có nhu cầu tư vấn sức khỏe trực tuyến, xin hãy liên hệ với Bác sĩ Luân. Số điện thoại/Zalo 0395621593 hoặc Fanpage Bác sĩ Luân – Bệnh viện Yên Lạc để được hỗ trợ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Luân

Viết một bình luận