Sỏi thận là bệnh lý tiết niệu khá hay gặp. Trong đời sống hiện đại ngày nay, tỷ lệ người mắc sỏi ngày càng tăng. Vậy sỏi thận là gì? Các phương pháp điều trị sỏi thận được áp dụng hiện nay như thế nào?

1. Sỏi thận là gì?
Sỏi thận là hiện tượng chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng lại ở thận lâu ngày kết lại tạo thành sỏi. Những bệnh nhân bị sỏi thận mạn tính nếu không được phát hiện và chữa trị sớm sẽ có nguy cơ bị các biến chứng nặng nề như ứ mủ bể thận, suy thận, thận xơ teo nhỏ, hẹp niệu quản…vv
2. Triệu chứng của sỏi thận
Nếu sỏi nhỏ có thể tự đẩy ra ngoài theo đường tiểu. Bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng.
Nếu sỏi lớn dần sẽ gây bít tắc đường niệu. Bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng đau âm ỉ, liên tục vùng thắt lưng và mạn sườn. Đau có lúc trội lên thành từng cơn. Đau lan xuống phía dưới bẹn và xuyên ra phía sau lưng. Có thể gặp một số triệu trứng khác như tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu máu, buồn nôn, nôn, sốt, ớn lạnh.
3. Lựa chọn phương pháp điều trị sỏi thận
Khi lựa chọn phương pháp điều trị, có thể chia sỏi thận làm 3 giai đoạn: Giai đoạn sớm, Giai đoạn cần can thiệp và Giai đoạn có biến chứng.
Mỗi giai đoạn đều có những đặc thù riêng. Cần có những thái độ xử lý thích ứng và kịp thời mới mang lại kết quả điều trị tốt.
3.1 Giai đoạn sớm
Sỏi mới phát sinh và chưa gây ứ tắc đường niệu. Kích thước sỏi nhỏ hơn hoặc bằng 7mm.

– Trường hợp sỏi < 5mm, bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng. Bệnh nhân chỉ cần theo dõi đơn thuần siêu âm 2-6 tháng 1 lần, hoặc điều trị nội khoa. Đại đa số sỏi có thể tự thoát ra ngoài. Số ít còn lại sỏi không tự thoát thì tiến hành tán sỏi ngoài cơ thể.
– Trường hợp sỏi 5 – 7 mm, bệnh nhân có đau thắt lưng nhẹ, âm ỉ hoặc thậm chí không có biểu hiện lâm sàng gì. Người bệnh cần điều trị nội khoa trong 14 ngày. Sau đó đánh giá lại nếu sỏi hoàn toàn không di chuyển hoặc di chuyển nhưng khó thoát thì tiến hành tán sỏi ngoài cơ thể.
3.2 Giai đoạn cần can thiệp
Khi sỏi đã tắc nghẽn không di chuyển nhưng chưa gây biến chứng nặng. Có thể hồi phục chức năng thận sau khi lấy sỏi. Kích thước sỏi > 7mm.

– Trường hợp sỏi từ 7 – 15 mm: tán sỏi ngoài cơ thể là phương tiện điều trị được ưu tiên lựa chọn hàng đầu với tỷ lệ sạch sỏi 56% – 91% tùy thuộc loại máy, vị trí sỏi. Khi tán sỏi ngoài cơ thể thất bại thì có chỉ định tán sỏi qua da với tỷ lệ sạch sỏi 90% – 95%.
– Trường hợp sỏi > 15 mm: Tán sỏi qua da là phương pháp điều trị tối ưu. Tỷ lệ sạch sỏi của tán sỏi qua da khoảng 85% – 95%. Phương pháp điều trị thứ hai là nội soi tán sỏi thận ngược dòng với ống nội soi mềm. Tỷ lệ sạch sỏi ở lần tán sỏi đầu tiên phương pháp này là khoảng 75%.
3.3 Giai đoạn có biến chứng

Sỏi thận lâu ngày không được xử lý gây phá huỷ thận. Biến chứng thường gặp nguy hiểm bao gồm ứ mủ bể thận, suy thận, thận xơ teo, hẹp niệu quản…
Đối với những trường hợp biến chứng này, trước khi xử lý phải thận trọng đánh giá tình trạng suy thận bên có sỏi, khả năng hồi phục của thận có sỏi, đánh giá chức năng thận đối diện… để có thái độ xử lý phù hợp. Đặc biệt chú ý những trường hợp đòi hỏi cần phải cắt bỏ thận.
4. Các phương pháp điều trị sỏi thận
4.1 Điều trị sỏi thận bằng nội khoa
Mục đích của điều trị nội khoa:
– Tăng cường tống xuất các mảnh sỏi ra ngoài, chống hình thành sỏi, chống liên kết các mảnh sỏi lại khi sỏi nhỏ.
– Điều trị giảm nhẹ triệu chứng, dự phòng biến chứng trong thời gian chờ được can thiệp ngoại khoa.
– Điều trị giảm nhẹ ở những bệnh nhân có chống chỉ định với ngoại khoa.
– Dùng nội khoa kết hợp với ngoại khoa để tăng cường hiệu quả điều trị.
Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý
Bệnh nhân có sỏi tiết niệu cần uống nhiều nước. Lượng nước trung bình 1 người lớn đưa vào cơ thể khoảng 2 lít đến 3 lít nước/ngày.
Uống nhiều nước, khiến thận sản xuất ra nhiều nước tiểu có tác dụng tạo động lực đẩy viên sỏi xuống thấp và ra ngoài. Nước tiểu có tác dụng rửa trôi vi khuẩn sống kí sinh trên viên sỏi. Điều này giúp dự phòng nhiễm trùng, dự phòng ứ mủ thận. Nước khiến nồng độ các chất hòa tan trong nước tiểu giảm xuống, tránh hiện tượng lắng đọng tạo thành sỏi mới.

Ngoài uống nhiều nước, bệnh nhân nên ăn hoặc uống sinh tố các thực phẩm như đu đủ, dứa thơm. Chúng có tác dụng làm mềm, ‘bào mòn” viên sỏi. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi để viên sỏi trôi ra ngoài theo dòng nước tiểu.
Xây dựng chế độ vận động, hoạt động thể lực
Các biện pháp cơ học từ vận động thể lực sẽ là một nguồn lực khiên viên sỏi nhỏ xuống phía dưới nhanh hơn. Tuy nhiên các biện pháp này không hiệu quả khi sỏi > 7mm.
Tập nhảy dây, chạy bộ hoặc nhờ người nhà vỗ dọc hông lưng từ trên xuống dưới bên bị bệnh để tạo sóng phản lực đẩy sỏi xuống phần thấp.

Dùng thuốc:
Thuốc lợi tiểu nhẹ
Nước tiểu là động lực chính để đẩy viên sỏi xuống phần thấp của hệ tiết niệu. Dùng các thuốc lợi tiểu mạnh của tây y trong thời gian dài rất dễ gây rối loạn điện giải. Vì vậy trong trường hợp này nên dùng các thuốc lợi tiểu nhẹ của đông y là thích hợp nhất. Điển hình là các sản phẩm từ cây trinh nữ, rau diếp cá, bông mã đề, nước dâu ngô…vv. Một số thuốc đông y tổng hợp như Tống thach hoàn, An thận vương… cũng rất hiệu quả.
Thuốc giãn cơ trơn
Mục đích làm giảm co thắt cơ trơn, giãn đường tiết niệu, tạo điều kiện cho nước tiểu lưu thông và sỏi di chuyển xuống dưới. Ví dụ như Drotaverin, papaverin, spasmaverin, atropin…vv
Thuốc chống viêm, giảm phù nề
Phù nề thành niệu quản tại vị trí sỏi là một yếu tố cản trở sự di chuyển của sỏi trong quá trình tự thoát ra ngoài. Hạn chế điều này giúp sỏi thận dễ thoát ra ngoài qua đường niệu hơn. Các loại thuốc thường dùng là Corticoid, Alpha chymotrypsin.
Thuốc chẹn alpha 1 và beta giao cảm
Theo nghiên cứu của các tác giả Hoa Kỳ, niệu quản có sự hiện diện của các thụ thể alpha 1 và beta giao cảm. Dùng thuốc chẹn alpha 1 và beta giao cảm sẽ làm giãn niệu quản tăng khả năng tống sỏi thận.
Thuốc chẹn kênh canxi (Nifedipin)
Nifedipin đã được chứng minh làm giảm co bóp cơ trơn niệu quản giúp đường niệu thông thoáng.
Thuốc giảm đau
Làm bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn với cơn đau thắt lưng. Thuốc giảm đau – chống viêm không steroid như Diclofenac, Ketorolac là lựa chọn hàng đầu.
Thuốc kháng sinh
Dùng kháng sinh để dự phòng nhiễm khuẩn tiết niệu, ứ mủ bể thận. Các kháng sinh nhạy với vi khuẩn đường niệu như Ciprofloxacin, Levofloxacin hay Ofloxacin.
4.2 Điều trị sỏi thận bằng tán sỏi ngoài cơ thể
Tán sỏi ngoài cơ thể là phương pháp điều trị can thiệp sỏi thận nhẹ nhàng nhất. Bệnh nhân không phải chịu đau đớn. Không phải thực hiện thao tác mổ xẻ nên bệnh nhân hoàn toàn không có vết mổ.

Cách thức thực hiện:
Người bác sĩ sẽ dùng sóng xung kích (sóng siêu âm) chiếu xuyên qua thành bụng và nhu mô thận. Chúng đi vào hội tụ tập trung tại viên sỏi và làm vỡ sỏi. Sau đó các mảnh vụn sỏi sẽ được đào thải ra ngoài theo nước tiểu.
Đây là phương pháp tối ưu nhất để điều trị sỏi < 15 mm. Tuy nhiên với sỏi lớn hơn tỷ lệ sạch sỏi giảm dần. Phương pháp này không áp dụng với những viên sỏi quá lớn và những viên sỏi có thành phần hóa học quá cứng.
4.3 Điều trị sỏi thận bằng tán sỏi qua da

Cách thức thực hiện:
Bác sĩ sẽ tạo một đường hầm xuyên qua da, qua thành bụng và qua nhu mô thận vào đến trực tiếp vị trí viên sỏi. Sau đó luồn máy tán sỏi theo đường hầm này để tán nhỏ chúng. Các mảnh vụn sẽ được đái ra ngoài theo nước tiểu.
Phương pháp này có tỷ lệ tán sạch sỏi cao sau một lần can thiệp. Tán sỏi qua da dùng được cho cả những viên sỏi lớn.
Tuy nhiên bệnh nhân vẫn phải chịu mổ xẻ, phải chịu đau ít và để lại một vết sẹo nhỏ vùng thắt lưng.
4.4 Nội soi tán sỏi thận ngược dòng bằng ống soi mềm

Cách thức thực hiện:
Khác với tán sỏi qua da, máy tán được đưa vào qua đường hầm nhân tạo. Ở phương pháp này, máy tán sẽ được đi theo ống nội soi mềm qua đường niệu đạo – bàng quang – niệu quản và lên tới bể thận. Tại đây viên sỏi sẽ được tán nhỏ
Tán sỏi ống mềm cũng được dùng để tán những viên sỏi lớn. Do đi theo đường tự nhiên của cơ thể, bệnh nhân sẽ không để lại sẹo, chịu đau rất ít.
Tuy nhiên tỷ lên sạch sỏi của cách này thấp hơn tán sỏi qua da và không tán được khi sỏi nằm ở vị trí đài dưới bể thận.
4.5 Mổ nội soi sau phúc mạc lấy sỏi thận

Cách thức thực hiện:
Bác sĩ sẽ trọc các Troca qua thành bụng để tạo thành một khoang rộng sau phúc mạc. Sau đó dùng các dụng cụ nội soi tiến hành tháo tác lấy sỏi dưới sự quan sát màn hình camera.
Phương pháp này đòi hỏi cao về trình độ phẫu thuật viên và trang thiết bị. Tuy nhiên cuộc mổ sẽ “nhẹ nhàng” hơn phải mổ mở và để lại ít sẹo hơn mổ mở. Bệnh nhân hồi phục cũng nhanh hơn.
4.6. Mổ mở lấy sỏi thận

Đây là phương pháp “nặng nề” nhất để lấy sỏi thận. Bệnh nhân phải trải qua cuộc mổ tương đối lớn. Sau mổ bệnh nhân có vết sẹo dài ở mạn sườn. Tuy nhiên đây là cách có thể lấy sạch sỏi nhất, giải quyết được bất kỳ loại sỏi nào có thể gặp.
Cách thức thực hiện:
Bác sĩ sẽ rạch dài qua thành bụng vùng mạn sườn. Sau đó cắt qua nhu mô thận bộc lộ sỏi quan sát được và gắp sỏi ra.
Với sự phát triển nhanh chóng của các kỹ thuật can thiệp ít xâm lấn (tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua da, nội soi tán sỏi bằng ống mềm), ngày nay chỉ định mổ mở đã được thu hẹp lại đáng kể. Tỷ lệ mổ mở giờ chỉ còn chiếm khoảng dưới 5% trên tổng số các ca can thiệp sỏi thận.
Quý bệnh nhân có nhu cầu tư vấn sức khỏe trực tuyến, xin hãy liên hệ với Bác sĩ Luân. Số điện thoại/Zalo 0395621593 hoặc Fanpage Bác sĩ Luân – Bệnh viện Yên Lạc để được hỗ trợ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Luân