Tìm hiểu về rốn của trẻ sơ sinh

Dây rốn là nguồn sống của thai nhi trong suốt quá trình mang thai. Tuy nhiên sau khi sinh, dây rốn của trẻ sẽ không còn cần thiết nữa và được kẹp cắt bỏ để lại một phần nhỏ gọi là cuống rốn. Trẻ về nhà, cuống rốn bắt đầu khô và rụng dần. Vậy cùng tìm hiểu về rốn của trẻ sơ sinh.

1. Chức năng của dây rốn

Dây rốn là điểm nối giữa thai nhi và mẹ, dây rốn kéo dài từ một lỗ mở trong dạ dày của thai nhi cho đến nhau thai trong bụng mẹ với chiều dài trung bình khoảng 50 cm.

Tìm hiểu về rốn của trẻ sơ sinh
Dây rốn là cầu nối giữa em bé và mẹ

Dây rốn được tạo thành từ 1 tĩnh mạch mang máu giàu oxy và chất dinh dưỡng từ mẹ đến thai nhi qua nhau thai và 2 động mạch mang máu và các sản phẩm thải, như carbon dioxide từ thai nhi trở lại nhau thai

Những mạch máu này được bao bọc và bảo vệ bởi bởi một lớp sáp được gọi là thạch Wharton. Đến cuối thai kỳ, nhau thai truyền kháng thể từ mẹ đến thai nhi qua dây rốn. Những kháng thể này cung cấp cho bé khả năng miễn dịch một số bệnh nhiễm trùng trong khoảng 3 tháng sau khi sinh. Tuy nhiên, dây rốn chỉ truyền được các kháng thể mà mẹ đã có.

2. Quá trình cắt rốn của trẻ ngay sau sinh

Ngay sau khi trẻ chào đời, nữ hộ sinh hoặc bác sĩ sẽ cắt rốn cho trẻ sơ sinh:

Kẹp dây rốn khoảng 3 đến 4cm tính từ rốn của bé bằng kẹp nhựa

Đặt một cái kẹp khác ở đầu kia của dây rốn, gần về phía nhau thai

Sau đó, dây rốn sẽ được cắt giữa hai kẹp, để lại một gốc dài khoảng 2 đến 3cm trên bụng của bé.

Do dây rốn không có dây thần kinh nên khi cắt thì sẽ không gây đau đớn cho sản phụ hoặc em bé.

Tìm hiểu về rốn của trẻ sơ sinh
Cắt rốn ở trẻ sơ sinh

3. Rốn trẻ sơ sinh bao lâu thì rụng?

Lúc đầu, dây rốn có màu sáng bóng và màu vàng. Nhưng khi khô, nó có thể chuyển sang màu nâu hoặc xám hoặc thậm chí là màu xanh. Từ 5 đến 15 ngày sau khi em bé của bạn được sinh ra, gốc rốn sẽ khô đi, biến thành màu đen và rụng xuống.

Tìm hiểu về rốn của trẻ sơ sinh

4. Rốn trẻ sơ sinh bao lâu thì lành hẳn?

Sau khi dây rốn rụng, thì thường mất khoảng 7 đến 10 ngày để rốn lành lại hoàn toàn.

Cho đến khi dây rốn xuống và rốn lành hoàn toàn thì bố mẹ cần phải giữ cho khu vực rốn được sạch sẽ và khô ráo để tránh nhiễm trùng.

5. Các dấu hiệu về rốn ở trẻ sơ sinh

Chảy máu rốn

Mẹ sẽ thấy rỉ một vài giọt máu trên chỗ giữa cuống rốn đã khô và chân rốn, chảy máu do cọ xát tả vào cuống rốn. Chảy máu thường sẽ tự cầm hoặc cầm khi ấn nhẹ vùng rốn bằng miếng gạc sạch.

Chảy máu rốn
Chảy máu rốn

Nếu chảy máu tái dai dẳng hoặc chảy máu nhiều (vẫn còn chảy máu sau 10 phút đè ép hoặc tiếp tục chảy máu trên 3 lần), mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ, vì có thể có bệnh lý gây chảy máu rốn.

Rốn rụng muộn

Thông thường rốn rụng sau 10-14 ngày tuổi, nhưng một số ít trường hợp có thể kéo dài > 3 tuần. Nên giữ rốn khô và kiểm tra da quanh rốn mỗi ngày. Rửa sạch chất tiết bám trên rốn một cách nhẹ nhàng và lau khô. Chú ý không được dùng cồn hoặc các chất sát khuẩn khác bôi lên rốn. Khi mặc tả, không nên để tả đè lên cuống rốn. Sau 3 tuần mà rốn chưa rụng, mẹ nên đưa con đi khám bác sĩ.

Rốn rỉ dịch

Rốn rỉ dịch hoặc bị ẩm, hoặc có ít mủ trên bề mặt, thường xảy ra sau khi rốn đã rụng, trẻ có thể bị nhiễm trùng rốn mức độ nhẹ hoặc có bệnh lý rốn khác kèm theo như tồn tại ống niệu rốn, u hạt rốn… Mẹ nên đưa bé đi khám để được tầm soát bệnh lý rốn và hướng dẫn cách chăm sóc rốn.

Lưu ý: nên để rốn thoáng, không bôi thuốc kháng sinh hay thuốc sát trùng lên rốn.

Nhiễm trùng rốn trẻ sơ sinh

Là tình trạng nhiễm trùng vùng rốn và mô xung quanh rốn gây sưng, đỏ hoặc đau, chảy dịch mủ, hôi, hoặc đôi khi chỉ nhẹ như rỉ dịch hoặc chảy máu nhẹ

Nhiễm trùng rốn nặng
Nhiễm trùng rốn nặng

Khi em bé có dấu hiệu nhiễm trùng rốn, cần phải đưa bé đi khám. Em bé sẽ được cho uống thuốc và hướng dẫn vệ sinh rốn đúng cách và nặng hơn là phải nhập viện điều trị. Nếu em bé được uống thuốc tại nhà, phải đảm bảo rằng em bé uống đủ liều thuốc ngay cả khi rốn đã cải thiện hơn.

Các nguyên tắc chung khi chăm sóc rốn bị nhiễm trùng:

Rửa sạch tay trước và sau khi chăm sóc rốn.

Tả của bé phải nằm ở mức dưới rốn cho đến khi rốn lành. Điều này giúp ngăn ngừa nhiễm bẩn từ phân và nước tiểu, nếu cần có thể cắt trên tả một lỗ nhỏ vùng tả đi qua rốn.

Không nên mặc quần áo ép chặt vùng rốn.

Không đặt bé ngâm vào thau nước tắm cho đến khi nhiễm trùng rốn đã lành.

Không rắc bột chống hăm hoặc các loại bột khác lên rốn rỉ nước.

Theo dõi các dấu hiệu diễn tiến nặng của nhiễm trùng như chân rốn và vùng quanh rốn sưng phồng, chảy mủ, có mùi hôi…vv

Khi nào nên đưa trẻ đi tái khám ngay:

Trẻ bị sốt.

Các dấu hiệu của nhiễm trùng xấu hơn hoặc không cải thiện sau 2 ngày điều trị.

Trẻ khóc hoặc có vẻ đau khi chạm vào rốn hoặc vùng quanh rốn.

Chảy máu rốn nặng hơn.

Chân rốn và vùng quanh rốn sưng phồng, chảy mủ, có mùi hôi.

Trẻ bỏ bú.

Trẻ ngủ nhiều hoặc giảm vận động hơn bình thường.

U hạt rốn

Là 1 mảnh mô màu đỏ còn lại trên chân rốn sau khi rụng rốn. Nếu không được điều trị, nó sẽ rỉ dịch và gây viêm tấy kéo dài cả tháng. Nguyên nhân của tình trạng này hiện chưa rõ, nhưng nó không có nghĩa là bạn đã không chăm sóc rốn cho con

U hạt rốn
U hạt rốn
Điều trị u hạt rốn bao gồm:

– Bôi thuốc lên trên mô hạt để làm nó khô đi và rụng.

– Dùng thuốc để làm đông mô hạt.

– Đốt điện mô hạt (cắt bỏ mô hạt)

Bé nên được đi khám để bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị cho bé. U hạt rốn không có dây thần kinh nên điều trị sẽ không làm đau cho bé. Sau khi điều trị, mẹ chỉ vệ sinh vùng xung quanh bằng nước sạch vài lần/ngày. Vùng mô hạt sẽ đóng mày và tự rụng.

Thoát vị rốn

Thoát vị rốn là khi khiếm khuyết một phần cơ thành bụng và một phần quai ruột sẽ chui ra chỗ khuyết đó tạo nên một khối phồng. Khối phồng sẽ to hơn khi trẻ khóc hoặc uốn vặn, và sẽ nhỏ lại khi trẻ nằm yên.

Thoát vị rốn
Thoát vị rốn

Thoát vị rốn gặp trong 10-20% trẻ sơ sinh. Khóc không làm cho khối thoát vị càng ngày càng to hơn và cũng không kéo dài lâu hơn. Thoái vị rốn không đau và không bị vỡ ra. Phần khuyết cơ này thường sẽ tự cải thiện sau 4 tuổi. Trong 1 số trường hợp, thoát vị rốn cần phải can thiệp bằng phẫu thuật khi khối thoát vị to hơn 2,5cm hoặc trẻ vẫn còn khối thoát vị sau 4 tuổi.

Khối thoát vị bị nghẹt không thể đẩy vào được (hiếm), trẻ sẽ đau, nôn ói. Trẻ nên được khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

Quý bệnh nhân có nhu cầu tư vấn sức khỏe trực tuyến, xin hãy liên hệ với Bác sĩ Luân. Số điện thoại/Zalo 0395621593 hoặc Fanpage Bác sĩ Luân – Bệnh viện Yên Lạc để được hỗ trợ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Luân

Viết một bình luận