Top 4 loại kem bôi điều trị bỏng thông dụng và tốt nhất hiện nay

Hiện nay trên thị trường và trên Internet có rất nhiều loại kem bôi “tự quảng cáo” là điều trị bỏng. Tuy nhiên đại đa số chúng bản chất chỉ là các loại thuốc trị sẹo hoặc điều trị vết thương hở nói chung chứ không phải đặc trị riêng cho tổn thương bỏng. Theo kinh nghiệm của các bác sĩ chuyên khoa, sau đây là 4 loại kem bôi thực sự dùng để điều trị bỏng. Chúng thông dụng và tốt nhất hiện nay.

Kem bôi điều trị bỏng

1. Khi nào thì dùng thuốc bôi điều trị bỏng?

Không phải trường hợp nào bị bỏng cũng có thể dùng được thuốc bôi. Việc điều trị phải căn cứ vào mức độ nặng nhẹ của bỏng theo phân độ.

1.1 Phân độ của bỏng

Bỏng được chia làm 4 độ khác nhau:

Bỏng độ 1: Bỏng bề mặt

Trường hợp này chỉ lớp ngoài cùng da bị tổn thương làm cho chỗ da bị bỏng đỏ, rát, 2 – 3 ngày thì tự khỏi và không để lại sẹo. Hay gặp như bỏng bô, bỏng nắng, bỏng nước sôi chỗ không có quần áo…

Bỏng độ 1
Bỏng độ 1

Bỏng độ 2: Bỏng một phần da

Trường hợp này thì sẽ xuất hiện các bọng nước, nếu vết bỏng được giữ không bị nhiễm trùng thì có thể lành mà không để lại sẹo. Bỏng khỏi sau 10 – 14 ngày. Hay gặp như bỏng nước sôi chỗ có quần áo…

Bỏng độ 2
Bỏng độ 2

Bỏng độ 3: Bỏng toàn bộ các lớp da

Toàn bộ các lớp da đều bị tổn thương bao gồm cả lỗ chân lông và tuyến mồ hôi. Khi bị bỏng toàn bộ các lớp da thì vết bỏng rất dễ bị nhiễm trùng, thời gian lành lâu và sẽ để lại sẹo.

Bỏng độ 4: Bỏng ăn tới các tổ chức dưới da

Tác nhân gây bỏng phá huỷ hết da, bỏng ăn tới tận cơ, xương và một số tổ chức khác. Cả một vùng của chi bị cháy đen.

1.2 Dùng thuốc bôi điều trị bỏng khi nào?

Với các trường hợp bỏng nhẹ là bỏng độ 1 và bỏng độ 2, ta có thể dùng thuốc bôi điều trị và chăm sóc vết bỏng tại nhà. Ngược lại, với những trường hợp bỏng sâu đó là bỏng độ 3 và bỏng độ 4, ta nên nhanh chóng đưa bệnh nhân tới bác sĩ hoặc các cơ sở y tế gần nhất để được xử trí và điều trị đúng nhất.

1.3 Phân loại các thuốc điều trị tại chỗ vết bỏng

Thuốc điều trị tại chỗ vết bỏng được chia làm 5 nhóm chính:

Nhóm thứ 1: Thuốc kháng khuẩn vết thương bỏng.

Nhóm thứ 2: Thuốc kích thích tái tạo vết bỏng.

Nhóm thứ 3: Thuốc làm se khô và tạo màng che phủ vết bỏng.

Nhóm thứ 4: Thuốc làm rụng hoại tử bỏng.

Nhóm thứ 5: Các vật liệu thay thế da.

>>Xem thêm: Các thuốc điều trị tại chỗ vết bỏng

2. 4 loại kem bôi điều trị bỏng thông dụng và tốt nhất hiện nay

2.1 Kem bôi điều trị bỏng Sulfadiazine Bạc

Sulfadiazine Bạc là loại thuốc được dùng phổ biến nhất trong điều trị bỏng hiện nay. Chúng là đại diện tiêu biểu cho Nhóm thứ 1: Thuốc kháng khuẩn vết thương bỏng.

Sản phẩm biệt dược hay gặp nhất trên thị trường của Sulfadiazine Bạc là kem Silvirin với Số đăng ký VN-7977-03. Nhà sản xuất: Công ty Satyam Pharm & Chemicals Pvt – Ấn Độ. Đóng gói mỗi hộp thuốc gồm 1 type khối lượng 20g.

Kem bôi điều trị bỏng Sulfadiazine Bạc (Silvirin)
Kem bôi điều trị bỏng Sulfadiazine Bạc (Silvirin)

Thành phần kem Silvirin

Kem bôi trị bỏng Silvirin U.S.P 20g bao gồm:

Hoạt chất: Silvirin có dưới dạng ống tuýp 20g và hũ 250g chứa Sulfadiazine Bạc USP 1% tl/tl trong nền kem.

Tá dược: Paraffin trắng mềm, Glyceryl monostearate, cồn cetostearyl, Cetomacrogol 1000, Propyleneglycol, Methyl paraben, Propyl paraben, Nước cất.

Dạng bào chế

Thuốc được bào chế dạng kem mỡ.

Tác dụng của kem Silvirin

Sulfadiazin bạc là một muối bạc của Sulfadiazin có ưu điểm vượt trội hơn hẳn các hợp chất bạc khác cũng có bản thân chất là Salfadiazin đơn độc. Khi bôi kem lên phề mặt da bị bỏng, các ion bạc sẽ lập tức có tác dụng diệt khuẩn. Các ion bạc gắn với protein mô và các ion tự do sẽ được giải phóng dần dần với nồng độ đủ độc cho vi khuẩn.

Thuốc tác dụng lên màng và vách tế bào làm vi khuẩn bị thay đổi cấu trúc và giảm độc tính. Sau một thời gian, dưới tác dụng của thuốc, màng tế bào vi khuẩn bị biến dạng, phình to và mất khả năng tồn tại.

Hiện nay chưa có một nghiên cứu nào chứng minh thuốc có thấm sâu vào tế bào vi khuẩn hay không.

Tuy nhiên tác động kháng khuẩn của Sulfadiazin bạc không bị acide para-aminobenzọque ức chế và thuốc cũng không phải là chất ức chế men carbonique anhydrase. Cơ chế tác dụng này giúp giải thích tại sao không thấy có hiện tượng kháng thuốc và không gây đột biến ở vi khuẩn.

Các vết bỏng dưới tác dụng của Sulfadiazin bạc sẽ mềm các mô bị cháy cứng. Tuy nhiên với tác dụng diệt khuẩn tại chỗ, thuốc cũng gián tiếp làm tiêu hủy và bong tróc các mô chết cháy này.

Thuốc làm giảm mức độ nặng của bệnh cũng như giảm tỷ lệ tử vong do nhiễm khuẩn. Trong điều kiện thuận lợi, với bỏng độ 2 thuốc làm lên da non trong khoảng 10 ngày.

Thuốc còn có tác dụng tốt đối với vết loét mạn tính do tỳ đè.

Chỉ định thuốc Silvirin

Thuốc bôi trị bỏng Silvirin giúp phòng ngừa và điều trị nhiễm trùng ở nạn nhân bỏng độ 2 và độ 3.

Các trường hợp bị nhiễm trùng da do vết đứt rách, trầy da hay bất kì tổn thương nào trên da.

Liều dùng của Silvirin

Ngày dùng bôi từ 1 đến 2 lần.

Cách dùng kem bôi điều trị bỏng Silvirin hiệu quả

Thuốc Silvirin 20g được bào chế dạng kem mỡ, nên bệnh nhân sử dụng thuốc bằng đường bôi quá da lên vị trí bị thương.

Sau khi sát khuẩn vết thương và cắt lọc các mô hoại tử, đeo găng tay sát trùng thoa một lớp kem mỏng lên vết thương. Lớp kem dày khoảng 1-1,5mm. Sau đó nên băng vết thương lại.

Bệnh nhân thay băng mỗi ngày để kiểm tra tiến triển. Người bệnh nên trị liệu liên tục đến khi lành hẳn hoặc đến khi vết bỏng sẵn sàng được ghép da.

Tránh để vết thương tiếp xúc với bụi bẩn từ môi trường bên ngoài.

Chống chỉ định kem Silvirin

Bệnh nhân không sử dụng kem bôi kháng khuẩn Silvirin 20g cho các trường hợp mẫn cảm với bất kì thành phần nào của thuốc.

Không dùng thuốc cho phụ nữ có thai lúc sinh hoặc gần sinh và trẻ em dưới 2 tuổi.

Tác dụng phụ

Bên cạnh các tác dụng của thuốc, người bệnh khi điều trị bằng thuốc Sulfadiazine Bạc (Silvirin) cũng có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn như viêm da dị ứng, mẩn ngứa, đau rát vị trí bôi thuốc.

Nếu xảy ra các tác dụng phụ bệnh nhân nên ngưng dùng thuốc và đến khám bác sĩ để kịp thời xử lý.

Tương tác thuốc

Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi muốn kết hợp Sulfadiazine với bất kì thuốc nào để tránh những tác dụng không mong muốn cho người dùng.

Lưu ý và thận trọng

Trong điều trị bỏng quá rộng, nồng độ Sulfadiazin trong huyết tương tăng cao. Bởi vậy trong quá trình điều trị bệnh nhân cần phải theo dõi chức năng của thận và kiểm tra tinh thể Sulfadiazin trong nước tiểu.

Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi muốn dùng thuốc trong thời gian dài.

Thận trọng khi sử dụng thuốc cho người lái xe và vận hành máy móc.

Phụ nữ có thai và cho con bú

Không sử dụng thuốc cho người đang mang thai lúc sinh hoặc gần sinh.

Bảo quản kem Silvirin

Nơi khô ráo, thoáng mát, nhiệt độ thích hợp nhất dưới 30 độ C.

Không để ánh nắng trực tiếp chiếu vào làm biến chất thuốc.

Để xa tầm tay trẻ em tránh trẻ nghịch có thể uống phải.

2.2 Kem bôi điều trị bỏng Maduxin

Mỡ Maduxin cũng là một đại diện tiêu biểu của Nhóm thứ 1: Thuốc kháng khuẩn vết thương bỏng. Thành phần có trong thuốc được triết xuất từ thiên nhiên. Chúng là thành quả nghiên cứu của các y bác sĩ chuyên gia Học viện Quân y. Thuốc được sự đánh giá rất cao và sử dụng rộng rãi trong việc điều trị các vết bỏng đủ loại mức độ

Kem bôi điều trị bỏng Maduxin
Kem bôi điều trị bỏng Maduxin

Lịch sử nghiên cứu

Từ năm 1987 đến năm 1998, lá sến mật mới được nghiên cứu, bào chế thành thuốc mỡ Maduxin để điều trị thử nghiệm cho bệnh nhân tại Viện Bỏng quốc gia. Kết quả cho thấy Maduxin có tác dụng chuyển hoại tử ướt thành hoại tử khô sau 4–6 ngày đắp thuốc. Đối với bỏng sâu độ 4, việc làm khô vết thương sẽ giúp vết thương mau lành. Với những bệnh nhân bị bỏng nông từ 10% diện tích cơ thể, mỗi ngày phải sử dụng ít nhất một hộp. So với sản phẩm của Ấn Độ, Pháp, Maduxin có giá thành giảm từ 30-60%.

Để nâng cao chất lượng thuốc, năm 2002 các nhà khoa học Học viện Quân y xây dựng dự án “Hoàn thiện công nghệ sản xuất thuốc mỡ Maduxin từ lá cây sến mật để điều trị vết thương, vết bỏng”. Sau 2 năm triển khai, các nhà khoa học đã hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất cao đặc và thuốc mỡ Maduxin theo quy mô lớn. Sản phẩm Maduxin đóng gói 20g đã được đưa ra thị trường phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thành phần mỡ Maduxin

Thuốc Maduxin có chứa thành phần chính là Cao sến toàn phần hàm lượng 4 gam cùng với Tá dược vừa đủ tạo thành 1 tuýp 20g.

Dạng bào chế

Thuốc mỡ.

Tác dụng của thuốc Maduxin

Cây sến mật có tên khoa học Madhuca pasquieri, thuộc họ Hồng xiêm. Đây là cây gỗ lớn, cao tới 30- 35m. Trong lá sến mật có hàm lượng Tanin và Flavonoid cao, có tác dụng diệt khuẩn mủ xanh. Nhờ vậy, các vết thương, vết bỏng không bị nhiễm khuẩn do loại vi khuẩn này.

Thuốc Maduxin chứa hoạt chất chính là Cao sến có tác dụng diệt khuẩn, tái tạo mô, làm liền vết thương bỏng nông nhanh chóng, tạo màng che phủ vết thương.

Chỉ định của thuốc Maduxin

Thuốc có khả năng kháng khuẩn với các loại tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn E.coli, Proteus.

Thuốc dùng để chữa bỏng tất cả các mức độ, vết thương nhiễm khuẩn, các vết xây sát, đứt tay chảy máu, mụn nhọt, lở loét, chốc đầu, bỏng rạ.

Liều dùng của thuốc Maduxin

Thuốc được bào chế dưới dạng thuốc mỡ, được chỉ định bôi trên da vết bỏng ngày 2 lần.

Cách dùng kem bôi điều trị bỏng Maduxin hiệu quả

Rửa sạch vết thương.

Bôi một lớp mỏng thuốc lên vết thương.

Băng kín, thay băng hàng ngày hoặc thay ngày 2 lần.

Chống chỉ định của mỡ Maduxin

Bệnh nhân bị dị ứng với các thành phần của thuốc và các Tanin, Flavonoid có trong thành phần của lá sến mật.

Tác dụng phụ

Maduxin là được sản xuất từ thiên nhiên nên khá an toàn sử dụng. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng thuốc Maduxin, người dùng có thể gặp một số tác dụng nhẹ thoáng qua như dị ứng thuốc: gây ban đỏ da, nổi mẩn, nổi mề đay,…

Tương tác thuốc

Hiện nay chưa có báo cáo ghi nhận tương tác giữa Maduxin với các thuốc hay thực phẩm chức năng khác.

Để đảm bảo an toàn, trước khi kết hợp sử dụng thuốc Maduxin với bất kể loại thuốc nào, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để được bác sĩ kiểm tra tương tác.

Lưu ý và thận trọng

Thuốc chữa bỏng Maduxin được đóng dưới dạng tuýp mỡ nên trong quá trình sử dụng cần phải đậy kín nắp của tuýp sau khi dùng xong.

Trước khi sử dụng thuốc, chú ý rửa sạch vết thương.

Sử dụng đúng liều lượng, bôi một lớp mỏng thuốc vừa đủ. Không nên bôi quá dày thuốc lên vết thương.

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Nếu cần thêm thông tin hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ chuyên môn.

Phụ nữ có thai và đang cho con bú

Tuy chưa có nghiên cứu nào về tác dụng có hại của thuốc đối với phụ nữ có thai và cho con bú. Tuy nhiên nên theo dõi tình trạng trong quá trình sử dụng thuốc.

Bảo quản

Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp.

Bảo quản ở nhiệt độ phòng (nhiệt độ khoảng 25 độ C).

Để xa tầm với của trẻ em.

2.3 Kem bôi điều trị bỏng Biafine

Kem Biafine là thuốc thuộc Nhóm thứ 2: Thuốc kích thích tái tạo vết bỏng. Sản phẩm được sản xuất bởi Janssen cilag S.A (Pháp). Đóng gói tuýp 46,5g hoặc 93g

Kem bôi điều trị bỏng Biafine
Kem bôi điều trị bỏng Biafine

Thành phần kem Biafine

Hoạt chất: Trolamin

Tá dược: Ethylen glycol stearat, acid stearic, cetyl palmitat, paraffin rắn, paraffin lỏng, perhydrosqualen, propylen glycol, dầu quả bơ, trolamin alginat và natri alginat, kali sorbat, natri methyl parahydroxybenzoat (E 219), natri propyl parahydroxybenzoat (E 217), hương yerbatone, nước tinh khiết cho 100g nhũ tương.

Dạng bào chế

Nhũ tương bôi ngoài da.

Tác dụng của thuốc Biafine

Biafine làm tăng lưu lượng tuần hoàn máu ở da, tăng số lượng đại thực bào tại vết thương. Chúng làm giảm nồng độ interleukin – 6 và tăng nồng độ interleukin – 1 là những cytokine đóng vai trò thiết yếu trong việc tái tạo mô. Một giờ sau khi bôi Biafine, thành phần nước được hấp thu nhanh 3% ở lớp biểu bì, 42% ở lớp bì và 55% ở lớp dưới da (lớp hạ bì).

Chỉ định kem Biafine

Điều trị bỏng độ 1 và 2 và tất cả vết thương ngoài da không có nhiễm trùng.

Điều trị đỏ da thứ phát do xạ trị.

Liều dùng và cách dùng kem bôi điều trị bỏng Biafine

Dùng ngoài da.

Bỏng độ 1:

Bôi một lớp nhũ tương dày cho đến khi nhũ tương không còn được hấp thu nữa. Xoa nhẹ để nhũ tương thấm vào da. Lặp lại 2 đến 4 lần một ngày. Trường hợp bị bỏng rộng, cần hỏi ý kiến bác sĩ.

Bỏng độ 2 và các vết thương ngoài da khác:

Cần hỏi ý kiến bác sĩ trước.

Sau khi rửa vết thương, bôi một lớp nhũ tương dày phủ khắp bề mặt vết bỏng và bôi lặp lại để duy trì một lớp nhũ tương thừa trên tổn thương. Nếu cần, phủ một miếng gạc ấm và băng lại. Không dùng băng hấp thu khô.

Đỏ da thứ phát do xạ trị:

Theo chỉ định của bác sĩ.

Thông thường, bôi 2 – 3 lần mỗi ngày, bôi cách đều, xoa nhẹ để nhũ tương thấm vào da.

Chống chỉ định

Trường hợp không nên dùng thuốc Biafine:

Dị ứng với trolamin hoặc dị ứng với bất cứ thành phần nào khác có trong công thức của thuốc.

Không dùng kem bôi lên vết thương chảy máu.

Nếu vết thương đang bị nhiễm trùng cũng không nên dùng thuốc Biafine để bôi lên vết thương.

Tác dụng phụ

Như mọi sản phẩm có hoạt tính, thuốc này có thể gây những tác dụng ít nhiều khó chịu ở một số người như:

Đau (kim châm) vừa phải và thoáng qua (15 – 30 phút) có thể xảy ra sau khi bôi thuốc. Hiếm có trường hợp bị dị ứng do tiếp xúc.

Rất hiếm gặp eczema do tiếp xúc, nên ngưng điều trị ngay.

Thông báo cho bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.

Tương tác thuốc

Vẫn chưa có báo cáo đầy đủ về tình trạng tương tác thuốc khi dùng cùng lúc với thuốc Biafine.

Tuy nhiên, nhằm tránh các tương tác có thể có giữa nhiều thuốc, cần thông tin cho bác sĩ hoặc dược sĩ thông tin về các chế phẩm là thuốc hoặc không phải là thuốc để có thể được tư vấn sử dụng thuốc hợp lí.

Lưu ý và thận trọng

Trong trường hợp bỏng người bệnh bị bỏng nước hoặc bỏng với tình trạng lan rộng hoặc xuất hiện trường hợp vết thương sâu hay rộng. Cần phải báo cho bác sĩ biết trước khi bôi bất cứ thuốc nào lên tổn thương.

Biafine là thuốc trị bỏng, không mục đích che chắn hay bảo vệ da hoặc dưỡng da. Do đó, ngoài trị bỏng không dùng thuốc với các mục đích khác như chống nắng hay dưỡng da.

Nếu vẫn chưa rõ về liều dùng và cách dùng, hãy liên hệ với dược sĩ hoặc bác sĩ để được tư vấn rõ ràng trước khi dùng.

Phụ nữ có thai và đang cho con bú

Vẫn chưa có đầy đủ dữ liệu đánh giá hiệu quả cũng như an toàn khi sử dụng kem trị bỏng Biafine trên phụ nữ có thai và đang cho con bú. Do đó, không nên sử dụng Biafine cho phụ nữ đang mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ trừ khi được sự đồng ý của bác sĩ.

Bảo quản

Bảo quản ở nhiệt độ dưới 30°C nhưng không dưới 0°C.

Để xa tầm tay trẻ em.

2.4 Thuốc Dexpathenol

Dexpathenol là thuốc thuộc Nhóm thứ 2: Thuốc kích thích tái tạo vết bỏng. Dexpathenol có thể được bào chế dưới nhiều dạng khác nhau như dạng xịt phun bọt, dạng kem bôi, dạng gel, dạng uống, dạng tiêm truyền. Kem bôi trị bỏng có thành phần Dexpathenol hay gặp nhất trên thị trường với tên biệt dược Panthenol. Sản phẩm được đóng gói 20g của Công ty cổ phần dược Medipharco (Việt Nam) sản xuất.

Kem bôi điều trị bỏng Dexpathenol (Pathenol)
Kem bôi điều trị bỏng Dexpathenol (Pathenol)

Thành phần của Pathenol

Mỗi tuýp 20g kem thuốc có chứa:

Dexpanthenol: 1g

Tá dược: Emulsifying Wax, Cetostearyl Alcohol, Vaselin, Isopropyl myristate, Propylen glycol, Polyoxyl castor oil, Methylparaben, Propyparaben, Acid Citric, nước cất vừa đủ 20g

Tác dụng của Pathenol

Thành phần Dexpanthenol là một provitamin B5. Khi dùng trên da, Panthenol nhanh chóng chuyển hóa thành Vitamin B5 có tác dụng làm dịu da, dưỡng ẩm, tái tạo da, giảm các tổn thương trên da, đẩy nhanh khả năng làm lành vết thương.

Chỉ định của Pathenol

Điều trị cho người bệnh gặp tình trạng  thương tổn trên bề mặt da, niêm mạc như các vết bỏng nông độ 1, độ 2, khu vực ghép da chậm lành, các vết trợt trên da, bỏng do ở duới trời nắng lâu không có biện pháp bảo hộ.

Hỗ trợ điều trị các vết nứt nẻ trên da, các nang, bóng nước trên da.

Điều trị rạn da khi mang thai, nứt nẻ gót chân, đầu núm vú.

Điều trị hăm đỏ ở mông cho trẻ nhỏ.

Chống chỉ định

Nhiễm khuẩn da

Người mẫn cảm với dexpanthenol và bất kì thành phần nào của thuốc.

Liều dùng của thuốc Panthenol

Thoa 1 lớp thuốc mỏng lên vùng da cần điều trị. Thoa thuốc 1-2 lần mỗi ngày.

Cách dùng kem bôi điều trị bỏng Panthenol hiệu quả

Cần làm sạch vùng da, vệ sinh sạch sẽ trước khi thoa thuốc. Với các vết bỏng nhẹ nên được sát trùng cẩn thận trước khi bôi thuốc.

Không nên mặc quần áo bó, bí bách khi điều trị. Nên mặc quần áo rộng, thoáng mát để vết thương mau lành.

Tác dụng phụ

Dexpanthenol dạng thuốc bôi da chưa thấy có báo cáo về tác dụng không mong muốn.

Tuy nhiên dị ứng, eczema do tiếp xúc, rát, ngứa, mãn đỏ có thể xảy ra.

Thông báo cho Bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc

Tương tác thuốc

Không dùng dexpanthenol cùng với hoặc trong vòng 12 giới sau khi dùng neostigmin hoặc những thuốc tác dụng giống thần kinh đối giao cảm khác.

Không dùng Dexpanthenol trong vòng 1 giờ sau khi dùng sucinylcholin. Dexpanthenol có thể kéo dài tác dụng gây giãn cơ của sucinylcholin.

Lưu ý và thận trọng

Thuốc chỉ dùng ngoài da, tránh tiếp xúc với mắt

Nên thử tính nhạy cảm của trẻ em đối với thuốc bằng cách bởi thuốc lên một vùng da nhỏ gần nơi có tổn thương. Điều này đảm bảo thuốc không gây ra bất kỳ sự kích ứng hay tác dụng không mong muốn nào khác trước khi sử dụng.

Nếu những biểu hiện của bệnh không được cải thiện hoặc tình trạng bệnh có thể trở nên nặng hơn, phải ngừng thuốc và báo ngay cho bác sĩ

Trong thành phần của thuốc có chứa tá dược Methylparaben, Propylparaben có thể gây phản ứng dị ứng. Cetostearyl Alcohol có thể gây phản ứng da tại chỗ. Do đó phải sử dụng thận trọng

Phụ nữ mang thai và cho con bú

Hiện chưa có báo cáo an toàn khi sử dụng thuốc đối với thai nhi và trẻ bú sữa mẹ. Do đó cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc.

Bảo quản

Bảo quản thuốc  ở nơi cao ráo, thoáng mát, tránh nơi ẩm ướt, nhiệt độ dưới 30 độ C.

Không nên để thuốc ở những nơi ẩm thấp, trẻ em có thể dễ dàng với tới. Không để những nơi có ánh sáng chiếu sáng trực tiếp

3. Kết luận về các loại kem bôi điều trị bỏng

Trên thị trường có rất nhiều loại thuốc bôi bỏng khác nhau. Tuyệt đại đa số chúng thực sự không phải là đặc trị riêng cho bỏng vì vậy tác dụng khi sử dụng khá hạn chế. Các thuốc này chủ yếu chỉ điều trị được những vết bỏng rất nông độ 1, bỏng nắng, vết xây sát da nhẹ, phỏng nước… Nhiều loại được quảng cáo chỉ có ý nghĩa liền sẹo chứ bản chất không phải điều trị bỏng.

4 loại kem bôi: Sulfadiazine Bạc, Maduxin, Biafine và Dexpathenol là những sản phẩm đã được kiểm chứng trên lâm sàng trong nhiều năm điều trị bỏng hiệu quả.

Thứ tự ưu tiên dùng theo đặc điểm và độ nặng của bỏng:

– Mỡ Maduxin có thể dùng cho tất cả các độ bỏng, kể cả bỏng đã nhiễm trùng hay không.

– Kem Sulfadiazine Bạc 1% dùng cho bỏng độ 2, độ 3, bỏng nhiễm trùng hoặc không nhiễm trùng.

– Biafine và Dexpathenol có tác dụng hạn chế hơn 2 loại đầu. Chúng dùng cho bỏng nông độ 1, độ 2, không dùng khi bỏng nhiễm trùng.

Quý bệnh nhân có nhu cầu tư vấn sức khỏe trực tuyến, xin hãy liên hệ với Bác sĩ Luân. Số điện thoại/Zalo 0395621593 hoặc Fanpage Bác sĩ Luân – Bệnh viện Yên Lạc để được hỗ trợ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Luân

3 bình luận về “Top 4 loại kem bôi điều trị bỏng thông dụng và tốt nhất hiện nay”

Viết một bình luận