Vắc xin phòng Covid-19 Moderna: Những điều cần biết!

Moderna là một trong số những vắc xin phòng Covid-19 của Mĩ đã được cấp phép tại Việt Nam. Các bằng chứng nghiên cứu cho thấy đây là một sản phẩm an toàn và hiệu quả. Cùng tìm hiểu những điều cần biết xung quanh về vắc xin Moderna.

Vắc xin Moderna là gì?

Vắc xin Moderna (còn có tên khác là Skipevax hay mRNA-1273) là loại vaccine phòng Covid-19 được sản xuất theo công nghệ mới sử dụng vật chất di truyền RNA cho hiệu quả phòng bệnh lên tới 94.1%, hiện vaccine Moderna được FDA và EUA công nhận. Đây là tín hiệu hứa hẹn cho việc đẩy nhanh tiến độ đưa vắc xin Moderna vào sử dụng rộng rãi trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện ở tất cả các Châu lục.

Vào lúc Covid-19 vẫn còn khu trú ở Trung Quốc, Giám đốc đầu điều hành của Công ty công nghệ sinh học Moderna là Stéphane Bancel đã cảm nhận “đại dịch” sẽ hoành hành trên thế giới. Ngay khi có những thông tin di truyền của virus, Moderna đã bắt tay ngay vào việc sản xuất vắc xin Moderna khắc chế “virus toàn cầu” này.

Trong vòng chưa đầy một năm, Stéphane Bancel đã đưa Moderna lên vị trí hàng đầu trong cuộc đua vắc xin phòng Covid-19. Moderna và Pfizer là hai đơn vị đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ mới ARN thông tin để phát triển vắc xin, song lợi thế vắc xin của Moderna so với Pfizer nằm ở cách bảo quản dễ dàng hơn.

Nguồn gốc vắc xin Moderna là của nước nào?

Moderna, Inc. là công ty công nghệ sinh học của Mỹ được thành lập vào năm 2010, có tên ban đầu là ModeRNA, trụ sở đặt tại Cambridge, Massachusetts (Mỹ). Đây là công ty sở hữu ít nhất 7 bản quyền liên quan tới vắc xin kể cả vắc xin phòng chủng virus corona, và là một trong số nhiều công ty tiến hành nghiên cứu vắc xin phòng virus corona chủng mới từ những ngày đầu tiên, khi cấu trúc gen của virus SARS-CoV-2 được công bố.

Công nghệ sản xuất vắc xin Moderna

Vắc xin phòng Covid-19 do Moderna phối hợp với Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID) phát triển có tên gọi mRNA-1273. Phương pháp bào chế vắc xin của Moderna dựa trên công nghệ mới sử dụng vật chất di truyền dạng RNA, chưa từng được sử dụng trước đây. Trong trường hợp này, mRNA-1273 chứa đoạn mã di truyền RNA thông tin (mRNA) của SARS-CoV-2 được tiêm vào cơ thể người, có thể làm cho các tế bào trong cơ thể tạo ra protein bề mặt của virus corona, đánh lừa hệ thống miễn dịch rằng đã bị nhiễm virus và “huấn luyện” tạo kháng thể phù hợp chống lại mầm bệnh.

Ưu điểm của công nghệ mRNA

Công nghệ RNA thông tin là bước chuyển lớn so với công nghệ bào chế vắc xin truyền thống (thường dùng virus đã bị làm yếu, virus đã chết hoặc một phần của virus). Ưu điểm lớn nhất của công nghệ này là không cần nuôi protein virus tinh khiết, phân tử mRNA đơn giản hơn nhiều so với protein.

Đối với vắc xin, mRNA được sản xuất bằng phương pháp hóa học tổng hợp chứ không phải sinh học, do đó việc thiết kế lại, mở rộng quy mô và sản xuất hàng loạt nhanh hơn nhiều so với vắc xin truyền thống. Điều này giúp các nhà khoa học tiết kiệm thời gian để chuẩn hóa chi tiết dữ liệu về virus SARS-CoV-2, từ đó đẩy mạnh sản xuất vaccine nhanh chóng hơn, đáp ứng hiệu quả khi có đại dịch xảy ra trong thời gian ngắn và quy mô rộng lớn.

Các kết quả thử nghiệm vắc xin Moderna

Moderna là một trong số những công ty đầu tiên thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người, bắt đầu từ giữa tháng 3/2020. Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối được Moderna công bố tháng 4/2021, vaccine cho hiệu quả phòng bệnh cao (94.1%), ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm, giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong do bệnh.

Vắc xin Covid-19 của Moderna cho hiệu quả phòng bệnh lên đến 94.1%

Mặc dù vậy, theo FDA, vắc xin ít hiệu quả hơn ở người lớn tuổi, độ bảo vệ sẽ giảm xuống 86.4%. Trước đó, ngày 18/12/2020, FDA của Mỹ đã phê duyệt cho phép sử dụng khẩn cấp vắc xin mRNA-1273 của Moderna.

Đến ngày 6/1/2021, Cơ quan Dược phẩm Liên minh châu Âu (EMA) phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 do hãng dược Moderna điều chế đối với 27 quốc gia trong khối EU.

Cơ chế sản xuất vắc xin mRNA-1273 của Moderna

Để sản xuất vắc xin mRNA-1273, các nhà khoa học Moderna đã nghiên cứu và dựa trên công nghệ dùng vật liệu di truyền (nucleic acid) gọi là mã RNA thông tin (mRNA). Hiện nay trên thế giới, chỉ có 2 hãng dược là Moderna và Pfizer (Mỹ) ứng dụng công nghệ này để bào chế vắc xin Covid-19. Mặt khác, trước đây công nghệ mRNA đã được nghiên cứu cho bệnh cúm, sốt Zika, bệnh dại và virus cytomegalo (CMV).

Đối với vắc xin mRNA, người tiêm sẽ nhận được vật liệu di truyền – mRNA (đây là vật liệu mã hóa protein virus).

Khi vắc xin mRNA được tiêm vào bắp tay, các tế bào cơ sẽ giải mã chúng để tạo ra protein virus trực tiếp trong cơ thể.

Cách tiếp cận này bắt chước những gì SARS-CoV-2 làm trong tự nhiên – nhưng mRNA của vắc xin chỉ mã hóa cho đoạn quan trọng của protein virus. Điều này giúp cho hệ thống miễn dịch biết trước virus thật trông như thế nào mà không cần phải mắc bệnh. Đồng thời cũng giúp cho hệ thống miễn dịch có thời gian để tạo ra các kháng thể mạnh mẽ có thể vô hiệu hóa vi rút thật nếu người này bị nhiễm bệnh trong tương lai.

Trong trường hợp này, mRNA tổng hợp là vật chất di truyền, nó không thể được truyền cho thế hệ tiếp theo. Sau khi tiêm mRNA, phân tử này sẽ hướng dẫn các tế bào cơ sản xuất protein virus, nồng độ protein virus đạt đến mức cao nhất trong 24-48 giờ và có thể kéo dài vài ngày sau tiêm.

Điểm cộng khác cho dạng mRNA đó là có khả năng bền hơn trong việc chống lại mầm bệnh có xu hướng đột biến nhanh, chẳng hạn như virus SARS-CoV-2 hay virus cúm. Vắc xin mRNA đã được chứng minh là “một sự thay thế đầy hứa hẹn” cho vắc xin truyền thống.

Đối tượng sử dụng vaccine Moderna

1. Đối tượng nên tiêm ngừa vắc xin mRNA-1273 của Moderna

Vắc xin phòng Covid-19 của Moderna phát triển được sử dụng ở người từ 18 tuổi trở lên.

2. Đối tượng không nên tiêm ngừa

Người có phản ứng dị ứng nặng sau khi tiêm liều đầu tiên của vắc xin mRNA-1273.

Người đã có phản ứng dị ứng nặng với bất kỳ thành phần của vắc xin này.

Đến nay, vaccine mRNA-1273 chưa được nghiên cứu ở cả trẻ em và phụ nữ mang thai. Song, Moderna dự kiến sẽ sớm tiến hành thử nghiệm vắc xin Covid-19 trên 3.000 trẻ em từ 12 đến 17 tuổi.

Lịch tiêm chủng vaccine Moderna

Phác đồ tiêm vắc xin Moderna gồm 2 mũi/người với liều 0.5ml như sau:

– Mũi 1: Lần đầu tiên tiêm.

– Mũi 2: 28 ngày sau mũi đầu tiên.

Đường tiêm: tiêm bắp

Tác dụng phụ của chủng vắc xin Moderna

Tác dụng phụ tại vị trí tiêm: Đau, sưng, mẩn đỏ,…

Tác dụng phụ ở toàn thân: Ớn lạnh, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ khớp, buồn nôn, nôn mửa…

Tuy nhiên, những tác dụng phụ này thường xuất hiện từ 1-2 ngày sau khi tiêm vaccine. Đối tượng được tiêm có thể có các triệu chứng giống như cúm hoặc ảnh hưởng tới khả năng làm các hoạt động hàng ngày nhưng chúng sẽ biến mất sau vài ngày và không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Độ an toàn của vaccine Moderna

Theo các nhà khoa học, vaccine Moderna cho hiệu quả phòng Covid-19 lên đến 94.1%, một tỷ lệ thành công rất cao. Tiến sĩ Anthony Fauci, bác sĩ bệnh truyền nhiễm hàng đầu của quốc gia Hoa Kỳ cho biết: “Đây rõ ràng là những kết quả rất thú vị – 94.1% là thực sự xuất sắc”.

Thêm vào đó, các nghiên cứu cho thấy vắc xin mRNA-1273 an toàn, dung nạp tốt, tạo ra phản ứng miễn dịch tốt trong cơ thể và không có tác dụng phụ quá nghiêm trọng.

Đặc biệt, vaccine Moderna đang được nghiên cứu chứng minh có hiệu quả trong việc chống lại các biến thể virus SARS-CoV-2 mới. Cụ thể, với biến chủng B.1.351 (Nam Phi) và ba biến chủng xuất hiện tại Ấn Độ, trong đó có chủng Delta, vaccine Moderna kích thích tạo ra kháng thể tồn tại trong cơ thể 6 tháng sau khi tiêm liều thứ 2. Những kháng thể này giúp cơ thể con người kháng lại virus SARS-CoV-2. Vì thế, vắc xin này được khuyên dùng vì có tính hiệu quả cao.

Bảo quản vắc xin mRNA-1273 của Moderna

Không giống vắc xin Pfizer phải phân phối phức tạp vì vận chuyển và bảo quản ở -70 độ C, vaccine mRNA-1273 của Moderna không yêu cầu tủ đông cực lạnh chuyên dụng hoặc lượng lớn đá khô mà chỉ cần được vận chuyển trong nhiệt độ từ -25° đến -15°C (-13° đến 5°F) tương tự như trong tủ đông thông thường, qua đó dễ dàng cung cấp cho vùng nông thôn và vùng sâu, xa.

Các lọ vắc xin mRNA-1273 của Moderna có thể bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ từ 2° đến 8°C (36° đến 46°F) trong tối đa 30 ngày trước lần sử dụng đầu tiên. Có thể bảo quản các lọ vắc-xin chưa bóc vỏ ở nhiệt độ từ 8° đến 25°C (46° đến 77°F) trong tối đa 12 giờ. Không được làm đông lạnh lại một khi đã rã đông.

Câu hỏi thường gặp

1. Vắc xin mRNA-1273 có dùng vi rút sống không?

Vắc xin mRNA-1273 không không chứa virus Sars-Cov-2 còn sống. Trước nay, vắc xin truyền thống được tạo thành từ các virus sống đã suy yếu, bị bất hoạt, hoặc dùng protein của chính các virus đó để kích hoạt phản ứng miễn dịch, tuy nhiên, vaccine mRNA lại được tạo thành từ vật liệu di truyền đặc biệt có khả năng “dạy” cho các tế bào tự xây dựng hàng phòng thủ trước cơ chế “protein tăng đột biến” do virus SARS-CoV-2 gây ra.

2. Việt Nam phê duyệt khẩn cấp vắc xin Moderna?

Ngày 29/06/2021, Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc xin Moderna cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống Covid-19 dựa trên các dữ liệu về an toàn, chất lượng và hiệu quả được cung cấp. Đây là loại vắc xin phòng Covid-19 thứ 5 tại Việt Nam được phê duyệt, sau AstraZeneca, Sputnik V, Pfizer và Sinopharm.

Dự kiến trong năm 2021, Việt Nam có hơn 120 triệu liều vaccine phòng COVID-19 đến từ 5 nguồn cung cấp gồm: 31 triệu liều vắc xin Pfizer/BioNTech, 30 triệu liều vắc xin AstraZeneca (Anh), 5 triệu liều vắc xin Moderna (Mỹ) và 20 triệu liều vắc xin Sputnik V (Nga).

Vaccine Moderna của Mỹ sản xuất đã được chứng minh an toàn, hiệu quả cao ngăn chặn Covid-19, kể cả biến chủng Delta và có thể giúp người được chủng ngừa duy trì miễn dịch ít nhất 1 năm. Sau khi chủng ngừa vaccine Moderna, bạn hãy uống thật nhiều nước và nghỉ ngơi đầy đủ để giảm bớt mệt mỏi và hạ sốt nhanh nhất. Ngoài ra, đừng quên bổ sung thêm những thực phẩm giàu dinh dưỡng, không dùng các chất kích thích và hãy đến ngay các cơ sở y tế nếu bạn gặp phải các dấu hiệu nghiêm trọng hoặc bất thường nêu trên để được khám, chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Quý bệnh nhân có nhu cầu tư vấn sức khỏe trực tuyến, xin hãy liên hệ với Bác sĩ Luân. Số điện thoại/Zalo 0395621593 hoặc Fanpage Bác sĩ Luân – Bệnh viện Yên Lạc để được hỗ trợ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Luân

Viết một bình luận