Tìm hiểu về vắc xin Vero Cell của Sinopharm

Vắc xin Vero Cell của Sinopharm đã được Tổ chức Y tế Thế giới phê duyệt và chấp thuận đưa vào sử dụng từ ngày 07/05/2021. Hiệu quả bảo vệ của loại vắc xin này lên đến 78.2%. Đây cũng là vắc xin phòng Covid-19 đầu tiên được nghiên cứu sản xuất bởi một quốc gia không thuộc các nước phương Tây được WHO phê duyệt.

Thông tin chung về vắc xin Sinopharm

Vắc xin Sinopharm được sản xuất tại cơ sở Beijing Institute of Biological Products Co., Ltd – Trung Quốc. Tên gọi khác của vắc xin này là SARS-COV-2 Vaccine (Vero Cell), Inactivated.

Vắc xin Vero Cell là loại vắc xin được chỉ định để tạo miễn dịch chủ động giúp cơ thể chống lại bệnh COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Ngày 30/12/2020, Cục Quản lý Dược Trung Quốc đã tiến hành cấp phép sử dụng vắc xin Vero Cell của Sinopharm. Hiệu quả bảo vệ được công bố là 79,34%.

Khác với những loại vắc xin khác, Vero Cell được sản xuất bằng công nghệ bất hoạt. Đây là một công nghệ truyền thống hơn. Công nghệ này đã được sử dụng thành công ở nhiều loại vắc xin phổ biến.

Hiện tại, vắc xin Vero Cell đã được cấp phép sử dụng tại 64 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, căn cứ theo Quyết định số 2763/QĐ-BYT ngày 03/06/201, Vero Cell đã đủ điều kiện đưa vào sử dụng để phòng chống dịch COVID-19.

Vắc xin Vero Cell của Sinopharm

Nguồn gốc của vắc xin Sinopharm

Vắc xin Vero cell là vắc xin được nghiên cứu và phát triển bởi Viện Nghiên cứu Sinh phẩm Bắc Kinh Sinopharm. Sinopharm còn được biết đến là Tập đoàn Y Dược Trung Quốc. Đây là đơn vị sản xuất vắc xin lớn nhất Trung Quốc với hơn 1500 công ty con. Năm 2020, công ty này đã được xếp hạng 145 trong danh sách 500 công ty hàng đầu thế giới.

Vắc xin Sinopharm được Việt Nam phê duyệt như thế nào?

Tại Việt Nam, Vero Cell là vắc xin thứ 3 được Bộ Y tế thông qua, sau AstraZeneca và Sputnik V. Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn tiến phức tạp thì việc cấp phép khẩn cấp cho một loại vắc xin là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là vắc xin bị bỏ qua các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng bắt buộc. Việc cấp phép khẩn cấp vắc xin Vero Cell vẫn đảm bảo được tính an toàn của vắc xin vì đã thực hiện đầy đủ các quy trình đánh giá.

Những vắc xin khi đưa vào sử dụng khẩn cấp tại Việt Nam, đều phải tuân thủ quy trình thử nghiệm lâm sàng gồm 3 bước, dựa trên nguyên tắc đảm bảo được 3 yếu tố: an toàn, sinh miễn dịch và hiệu quả bảo vệ.

Cơ chế của vắc xin Trung Quốc có giống các loại vắc xin khác?

So với các loại vắc xin khác như Moderna hay Pfizer là vắc xin mARN, thì vắc xin Vero Cell của Sinopharm được phát triển theo cách truyền thống hơn. Nghĩa là vắc xin Vero Cell sử dụng những phần tử virus đã bị tiêu diệt để kích thích cơ thể tạo ra miễn dịch.

Vắc xin Sinopharm được tiêm đại trà hay tiêm cho đối tượng cụ thể?

Vắc xin Vero Cell của Sinopharm được chỉ định tiêm cho đối tượng trên 18 tuổi.

Một số đối tượng không nên tiêm vắc xin Sinopharm

  • Người đã từng có dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vắc xin hoặc những loại vắc xin tương tự.
  • Người có tình trạng thần kinh nghiêm trọng như viêm tủy cắt ngang, hội chứng Guillain-Barré, bệnh khử men,…
  • Bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính nặng không kiểm soát được.
  • Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.

Hiệu quả của vắc xin Sinopharm

Sau 14 ngày kể từ khi tiêm đủ liều, vắc xin có hiệu quả chống lại nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng là 79%.

Ở đối tượng từ 60 tuổi trở lên cho thấy vắc xin an toàn và tạo miễn dịch tốt. Dữ liệu về hiệu quả ở giai đoạn III còn hạn chế cho những người trên 60 tuổi vì cỡ mẫu nhỏ. Tuy nhiên, WHO vẫn đưa ra khuyến nghị sử dụng.

Nhìn chung, vắc xin Vero Cell  vẫn phát huy hiệu quả tốt đối với hầu hết các trường hợp. Đây là một lựa chọn tốt trong việc giải quyết tình trạng khan hiếm vaccine Covid-19 trên toàn cầu.

Cần tiêm mấy mũi vắc xin Sinopharm

Nên tiêm 2 liều để đảm bảo hiệu quả chủng ngừa. Liều thứ 2 được tiêm cách liều đầu tiên 28 ngày. Liều lượng cho mỗi lần tiêm là 0,5mL.

Những lưu ý khi tiêm vắc xin Sinopharm

Cũng như những loại vắc xin nào khác, vắc xin Sinopharm có thể gây ra một số tác dụng phụ. Tuy nhiên, những tác dụng này thường không ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động hằng ngày. Một vài ngày sau khi tiêm, những tác dụng phụ này sẽ biến mất.

Một vài tác dụng phụ thường gặp

  • Đau nhức tại vị trí tiêm.
  • Mệt mỏi, uể oải.
  • Nhức đầu, sốt, cảm giác ớn lạnh, buồn nôn…
  • Tiêu chảy

Ngoài ra, mặc dù hiếm nhưng cũng có khả năng gặp phải những phản ứng dị ứng nghiêm trọng hơn như chảy máu cam, hạ huyết áp, xung huyết mắt, xung huyết kết mạc, nóng bừng… Cần phải theo dõi kỹ lưỡng sức khỏe sau khi tiêm để có biện pháp xử trí kịp thời.

Tính đến thời điểm hiện tại, vắc xin Vero Cell của Sinopharm vẫn được đánh giá là một trong những loại vắc xin hiệu quả để phòng chống đại dịch COVID-19. Điều này góp phần giảm thiểu những thiệt hại do đại dịch gây ra.

Quý bệnh nhân có nhu cầu tư vấn sức khỏe trực tuyến, xin hãy liên hệ với Bác sĩ Luân. Số điện thoại/Zalo 0395621593 hoặc Fanpage Bác sĩ Luân – Bệnh viện Yên Lạc để được hỗ trợ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Luân

Nguồn tham khảo

Viết một bình luận