Tiểu phẫu cần phải được thực hiện ở những nơi đáp ứng đủ điều kiện. Sau đây là cách xây dựng một phòng tiểu phẫu thuật đạt tiêu chuẩn.
1. Tiểu phẫu và phòng tiểu phẫu là gì?
Tiểu phẫu là những ca mổ nhỏ thường áp dụng cho các tổn thương trên bề mặt da hoặc niêm mạc. Các phẫu thuật này thường không cần vô cảm toàn thần mà chỉ cần gây tê tại chỗ. Tỉ lệ biến chứng cũng như các nguy cơ khác là rất thấp. Mục đích của tiểu phẫu có thể là điểu trị (cắt bỏ các tổn thương) hoặc là để chẩn đoán (chọc hút hay sinh thiết).
Điển hình của tiểu phẫu như mổ cắt u mỡ dưới da, u bã đậu, u bao hoạt dịch; Cắt sẹo, bớt đen; Cắt/đốt mắt cá, mụn cóc, mụn thịt, u nhú, nốt ruồi, xơ chai…
Một số trường hợp tiểu phẫu có thể được thực hiện tại phòng hội chẩn hay phòng khám. Tuy nhiên, tốt nhất cần có phòng chuyên biệt để thực hiện các phẫu thuật loại này. Các nơi xây dựng phòng tiểu phẫu có thể là khoa khám bệnh, khoa điều trị, khoa cấp cứu (khâu vết thương) hoặc tại các cơ sở y tế có đăng ký ngoại khoa.
Mổ tiểu phẫu không cần tới các dụng cụ quá phức tạp. Tuy nhiên, có một số các đòi hỏi về cơ sở hạ tầng cũng như trang thiết bị và dụng cụ cần phải đạt.
2. Yêu cầu về xây dựng phòng mổ tiểu phẫu nói chung
Một căn phòng hình vuông hoặc hình chữ nhật, đủ sáng với diện tích khoảng 15-20 m2. Phòng đạt các tiêu chuẩn được chấp nhận rộng rãi như: gọn gàng sạch sẽ, nhiệt độ phù hợp, thông khí tốt, bề mặt dễ lau chùi. Tất cả các thiết bị có thể di chuyển được (thuận lợi cho việc vệ sinh). Có nơi để dụng cụ và khu vực bồn rửa.
Muốn đạt được điều này, cấu tạo xây dựng căn phòng mổ tiểu phẫu cần phải có:
– Sàn phòng phải láng, không có các khe hay lỗ thủng và được làm từ vật liệu chống cháy.
– Tường phải cứng, chống cháy, không có khe hay lỗ thủng và dễ dàng lau chùi.
– Cửa loại cửa trượt, tự động đóng mở là tối ưu vì ít gây xáo động không khí trong phòng. Loại cửa quay, có thể mở vào trong và ra ngoài, có hệ thống đóng tự động cũng có thể chấp nhận được dù gây xáo động không khí nhiều hơn.
– Hệ thống thông khí trong phòng phải kiểm soát nhiệt độ từ 20-22°C, độ ẩm 60%; lọc khí để loại bỏ vi sinh vật và tránh tích tụ khí mê; trao đổi khí nhanh chóng và không làm xáo động không khí trong phòng.
– Bồn rửa có vòi nước chảy tự động hoặc được điều khiển bằng chân. Bình xà phòng cũng cần chảy tự động hoặc có cần điều khiển bằng chân hoặc khuỷu tay.
Trong điều kiện ở nước ta, một căn phòng với sàn lát gạch, tường ốp gạch hoặc sơn nước, có gắn máy điều hoà không khí, cửa đóng mở về 2 phía, bồn rửa kèm xà phòng điểu khiển bằng chân là có thể chấp nhận được.
Phòng tiểu phẫu không cần cách ly vô trùng nhưng bắt buộc phải sạch sẽ. Sau mỗi ca mổ nên dọn dẹp và lau chùi, đặc biệt là các ca mổ nhiễm (như mổ áp xe). Phòng cũng cần có đèn cực tím để khử trùng. Nếu không có hệ thống xử lý chất thải y tế thì chất thải cần phải được đóng gói cẩn thận và thuê các công ty có chức năng xử lý.
3. Xây dựng các trang thiết bị trong phòng mổ tiểu phẫu
3.1 Bàn mổ phòng tiểu phẫu
Bàn mổ được đặt ở giữa phòng thuận lợi cho việc đi tới từ 2 bên. Bàn nên làm từ vật liệu có thể chùi rửa được. Các bộ phận liên kết với nhau bởi các khớp nối và có thể điều chỉnh độ cao. Trong mọi trường hợp, cấu tạo của bàn nhất thiết phải tạo được sự thoải mái cho người bác sĩ làm việc, cả ở tư thế đứng lẫn khi ngồi. Các giường thấp dùng để khám bệnh không được dùng để làm bàn mổ vì sẽ làm cho bác sĩ mổ trong tư thế khó chịu.
3.2 Đèn mổ phòng tiểu phẫu
Để có đủ ánh sáng, độ chiếu sáng của đèn ít nhất phải đạt là 45.000 lux. Đèn có thể được gắn cố định trên tường hoặc trên trần. Tuy nhiên 1 cây đèn di động di chuyển bằng bánh xe cũng có thể chấp nhận được. Các đèn này có thể chuyển hướng, có thể điểu chỉnh độ sáng và sự hội tụ. Nên chọn nguồn sáng lạnh, các loại đèn nóng có thể gây nóng cho bác sĩ cũng như người bệnh, thậm chí làm khô mô vùng mổ. Các loại đèn hiện có là Halogen, Xenon và đèn LED.
3.3 Bàn dụng cụ phòng tiểu phẫu
Một cái bàn rời dùng để đặt dụng cụ và các thiết bị khác dùng cho phẫu thuật. Bàn nên được gắn bánh xe và điều chỉnh độ cao được. Bàn được đặt gần phẫu trường, tạo thuận lợi cho phẫu thuật. Tuy mổ tiểu phẫu không cần nhiều dụng cụ nhưng vẫn cần có bàn để tránh phải đặt các dụng cụ trên người bệnh nhân. Chúng có thể bị rơi, đặc biệt là khi bệnh nhân cử động trong lúc mổ.
3.4 Máy đốt điện
Một máy đốt điện với chức năng cắt và đốt đơn giản là cần thiết cho một phòng tiểu phẫu.
3.5 Ghế ngồi phòng tiểu phẫu
Các trường hợp mổ kéo dài, người mổ sẽ thoải mái hơn nếu được thực hiện ở tư thế ngồi. Do đó trang bị một cái ghế chạy bằng bánh xe và có thể thay đổi chiều cao là cần thiết.
3.6 Tủ và thùng chứa
Tủ dùng để cất giữ các dụng cụ phẫu thuật và vật liệu tiêu hao. Các thùng chứa được đánh dấu phù hợp để chứa các chất thải sinh học, vật sắc nhọn và có hệ thống xử lý chất thải và nước thải theo quy định của pháp luật về y tế.
3.7 Xây dựng hệ thống tiệt trùng phòng tiểu phẫu
Bất kỳ một cơ sở y tế nào có thực hiện các phẫu thuật ngoại khoa phải có một máy hấp để tiệt trùng các dụng cụ phẫu thuật hoặc hợp đồng với cơ sở bên ngoài để tiệt trùng thiết bị.
3.8 Trang thiết bị, thuốc hồi sức
Mổ tiểu phẫu thường mất rất ít máu và chỉ gây tê tại chỗ nên các biến chứng ảnh hưởng tới huyết động học hay đe doạ tính mạng thì cực kỳ hiếm gặp. Mặc dù vậy, một số bệnh nhân có thể ngất do ảnh hưởng tâm lý khi thấy máu cũng như có thể xảy ra choáng do kích thích thần kinh X (sốc vagal). Ngoài ra, gây tê cũng có thể gây dị ứng hoặc hiếm hơn đó là gây choáng phản vệ. Do đó, luôn luôn phải có trong tầm tay các thiết bị hồi sức tim phổi. Các thiết này bao gồm: kim và dây truyển dịch, ống nội khí quản, mặt nạ thở, dụng cụ bóp bóng, dung dịch sinh lý và các thuốc hồi sức (epinephrine, atropine, bicarbonate). Lý tưởng nữa là có thêm máy khử rung.
4. Chuẩn bị các dụng cụ mổ tiểu phẫu
Phẫu thuật viên cần phải hiểu rõ tính năng cũng như cách bảo quản các dụng cụ phẫu thuật. Chất lượng, tình trạng và loại dụng cụ sử dụng trong bất cứ thủ thuật nào đều có ảnh hưởng tới kết quả của phẫu thuật. Do đó, việc lựa chọn dụng cụ đúng cho mỗi loại phẫu thuật là một khâu quan trọng. Dưới đây là mô tả ngắn gọn các đặc điểm chính của một số dụng cụ sử dụng trong mổ tiểu phẫu:
4.1 Dao mổ
Bao gồm cán dao và lưỡi dao. Dao dùng để rạch da và cắt mô sau khi đã được bộc lộ rõ ràng. Trong mổ tiểu phẫu, chúng ta chỉ cẩn chuẩn bị cán dao số 3 hoặc số 7 và các lưỡi dao số 10, 11, 15 là phù hợp. Lưỡi dao được gắn lên cán dao theo một rãnh định sẵn trên cán dao. Dao được cầm bằng tay thuận, cách cầm dao để rạch tương tự như cầm bút. Tay còn lại giữ căng da, rạch một đường nhỏ vuông góc và chính xác theo hướng định sẵn. Tránh tạo các đường rạch vát, ngoại trừ rạch trong vùng có lông hay tóc, hướng rạch sẽ song song với trục của tóc để tránh tổn thương các nang lông.
4.2 Kéo
Được dùng để cắt mô và các vật liệu khác như chỉ, ống dẫn lưu, băng gạc… Ngoài ra, kéo còn được dùng để phẫu tích. Một bộ tiểu phẫu nên có 1 kéo Mayo dùng để cắt và 1 kéo Metzenbaum dùng để phẫu tích. Không nên dùng kéo phẫu tích (Metzenbaum) để cắt các vật liệu. Và ngược lại, không dùng kéo cắt vật liệu (Mayo) để phẫu tích. Cầm kéo đúng cách là dùng ngón cái và ngón 4 luồn vào vòng tròn ở cán kéo, ngón 2 và 3 đỡ cành kéo. Độ dài của kéo Mayo nên là 16-18 cm, kéo Metzenbaum là 14-18 cm.
4.3 Kẹp mang kim
Là dụng cụ để giữ kim cong trong khi khâu. Hàm của nó được thiết kế đặc biệt để giữ kim một cách an toàn, không làm hư kim cũng như làm đứt chỉ. Kim được giữ tại vị trí 2/3 tính từ mũi kim. Một kẹp mang kim nhỏ hoặc trung binh là phù hợp (12-18 cm). Tránh sử dụng kẹp mang kim quá dài trong mổ tiểu phẫu.
4.4 Kẹp phẫu tích (nhíp)
Đây là dụng cụ phụ trợ quan trọng nhất. Nhíp được cầm bởi tay không thuận để bộc lộ mô giúp tay còn lại dùng dụng cụ chính để cắt, phẫu tích hoặc khâu. Dùng nhíp có chiều dài 12 cm là vừa đủ. Cần có cả nhíp có mấu và nhíp không mấu.
4.5 Kẹp cầm máu
Kẹp này dùng để kẹp mô, cầm máu hoặc phẫu tích. Một bộ tiểu phẫu cần có 2-5 kẹp cong, dài khoảng 12-16 cm (thường dùng loại Mosquito, Kelly).
Như vậy, một bộ tiểu phẫu cơ bản bao gồm:
– 1 cán dao số 3 hoặc số 7 (lưỡi dao 10, 11, 15).
– 1 kẹp mang kim.
– 2 kẹp phẫu tích (có mấu và không mấu).
– 2 kéo: Mayo và Metzenbaum.
– 2-5 cái kẹp cầm máu (Mosquito).
4.6 Các dụng cụ tiểu phẫu khác
Các dụng cụ này là đủ để thực hiện hầu hết các ca tiểu phẫu. Tuy nhiên trong một số phẫu thuật nhất định, chúng ta cần phải dùng các dụng cụ khác như:
– Dụng cụ banh
Đây là các dụng cụ dùng để bộc lộ phẫu trường. Với mổ tiểu phẫu, cần trang bị 2 banh Farabeuf nhỏ là đủ. Nếu có điều kiện thì dùng loại Senn-Mueller retractor (với 1 đầu là miếng phẳng và 1 đầu có 3 móc). Thậm chí, dụng cụ móc da cũng hữu dụng trong việc bộc lộ phẫu trường.
– Bộ kẹp tiếp liệu
Thường bao gồm 1 cây Ring forceps và 1 ống inox được hấp vô trùng. Đây là dụng cụ để gắp các vật liệu vô trùng.
– Dụng cụ sinh thiết, dụng cụ nạo…
5. Vật liệu tiêu hao cần có
5.1 Chỉ khâu phòng tiểu phẫu
Chỉ khâu có thể được chia theo nguồn gốc của nó (tự nhiên hay tổng hợp), phân chia theo đặc điểm (đơn sợi hay đa sợi), phân chia theo kích thước (tính bằng đơn vị Zero, càng nhiều Zero thì chỉ càng nhỏ). Chỉ khâu dùng trong tiểu phẫu thường dùng kích thước từ 2-0 đến 4-0 hoặc 5-0. Ngoài ra còn được chia theo đặc điểm tan hay không tan, tan nhanh hay tan chậm, có kèm kim hay không, kim tròn hay tam giác, độ cong và độ dài của kim…
Một số loại chỉ phù hợp dùng trong tiểu phẫu:
– Chỉ Nylon: là chỉ tổng hợp, không tan, đơn sợi. Dùng trong khâu da, kích thước phù hợp cho khâu da là 2-0, 3-0, 4-0 hoặc nhỏ hơn tuỳ loại da và yêu cầu kỹ thuật.
– Chỉ Chromic, Monosyn: là các loại chỉ tan, đơn sợi.
– Chỉ Safil, chỉ Vicryl: là các loại chỉ tan, đa sợi.
5.2 Khăn trải
Bao gồm khăn trải trên bàn dụng cụ và khăn trải che chắn phẫu trường. Khăn có thể làm bằng vải, được giặt sạch và hấp tiệt trùng sau mỗi ca mổ. Hiện trên thị trường có nhiều loại khăn trải dùng 1 lần, rất tiện lợi cho những cơ sở khó khăn trong việc giặt và hấp dụng cụ.
5.3 Găng vô trùng
Găng phẫu thuật thì phải vô trùng và chỉ dùng 1 lần cho mỗi bệnh nhân. Găng có nhiều kích cỡ khác nhau. Khi mổ chúng ta nên chọn loại găng vừa vặn với kích cỡ bàn tay mình. Có nhiều loại găng, có loại có cao su có loại không, có loại có bột talc có loại khống có bột talc. Đeo găng phải đúng nguyên tắc đó là mặt trong chỉ được tiếp xúc với mặt trong, mặt ngoài chỉ tiếp xúc với mặt ngoài.
5.4 Gòn, gạc
Là vật dụng thiết yếu. Chúng ta có thể cho gòn, gạc vào thùng inox để hấp tiệt trùng rồi sử dụng dần hoặc mua các miếng riêng lẻ đã được tiệt trùng và đóng gói.
5.5 Kim chích
Dùng để gây tê tại chỗ, để chọc hút hay bơm rửa… Thường sử dụng ống chích 5 hoặc 10 ml. Các ống lớn hơn như 20 hay 50 ml đôi khi cũng cần.
5.6 Thuốc tê
Có thể sử dụng thuốc tê đơn thuần hay thuốc tê có pha adrenaline nhằm hạn chế chảy máu khi mổ
>>> Xem thêm: Cách gây tê tại chỗ trong mổ tiểu phẫu
5.7 Dung dịch rửa, sát trùng
Bao gồm cồn, dung dịch iốt (povidine, betadine), nước oxy già, nước muối sinh lý, v.v…
6. Xây dựng quy trình chuẩn bị của bác sĩ cho một cuộc mổ ở phòng tiểu phẫu
Mổ tiểu phẫu cũng có nguy cơ lây truyền các bệnh truyền nhiễm từ người bệnh sang người mổ và ngược lại. Để giảm thiểu nguy cơ này, các biện pháp phòng ngừa phải được thực hiện bởi tất cả các bác sĩ khi thực hiện thủ thuật xâm lấn cho bệnh nhân, bất kể tình trạng huyết thanh của họ thế nào. Các biện pháp này bao gồm mặc áo mang găng phù hợp, rửa tay đúng cách cũng như thực hiện tốt kỹ thuật tiệt trùng.
6.1 Trang phục phẫu thuật
Trong khi mổ tiểu phẫu, chúng ta có thể xem xét việc mặc quần áo phẫu thuật hoặc là chỉ mặc áo choàng và mang găng vô trùng. Áo choàng dùng 1 lần là rất hữu ích.
6.2 Rửa tay phòng tiểu phẫu
Có nhiều phương pháp rửa tay phẫu thuật khác nhau. Đối với tất cả các trường hợp tiểu phẫu thì chỉ cẩn rửa tay bằng xà phòng thông thường và rửa kỹ tất cả các nếp gấp trong thời gian ít nhất là 20 giây. Dùng bàn chải cọ rửa thường áp dụng khi thực hiện phẫu thuật lớn. Thời gian từ lúc rửa xong tới khi mang găng không được quá 10 phút.
Quý bệnh nhân có nhu cầu tư vấn sức khỏe trực tuyến, xin hãy liên hệ với Bác sĩ Luân. Số điện thoại/Zalo 0395621593 hoặc Fanpage Bác sĩ Luân – Bệnh viện Yên Lạc để được hỗ trợ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Luân
Theo Sách: Căn bản về tiểu phẫu – Đại học y dược TP Hồ Chí Minh