Vì sao bị u bã đậu? Cơ chế bệnh sinh và triệu chứng của u bã đậu

U bã đậu là một bệnh ngoại khoa hay gặp ở nhiều người. Vậy vì sao bị u bã đậu? Cơ chế bệnh sinh và triệu chứng lâm sàng của u bã đậu là như thế nào?

1. Đôi nét về u bã đậu

U bã là loại u ở da thường gặp. Đại đa số là lành tính, rất hiếm khi đi kèm với ung thư da. Vì lộ ra trên bề mặt da nên dễ phát hiện. Tuy vậy, u thường lớn chậm và không có triệu chứng trừ khi bị viêm nhiễm. Phẫu thuật lấy bỏ u bã đậu là một trong những loại tiểu phẫu thường được thực hiện nhất trong thực tế hàng ngày tại các cơ sở y tế. Các bác sĩ gia đình đã qua huấn luyện có thể thực hiện được phẫu thuật và chăm sóc bệnh nhân bị u bã đậu.

2. Vì sao bị u bã đậu? – Cơ chế bệnh sinh u bã đậu

Bình thường, tuyến bã (sebaceous gland) cùng với nang lông ở da tạo thành một đơn vị nang lông tuyến bã (pilosebaceous follicle). Tuyến bã có nhiệm vụ bài tiết ra một chất như sáp hay dầu – gọi là chât bã. Chất này đi theo một ống, đổ vào nang lông, rồi thoát ra ngoài ở lỗ chân lông, giúp bôi trơn da vả lông. Khi ống tuyến bã bị tắc, chất bã sinh ra không được bài xuất, tích tụ lại, dần dần hình thành u bã đậu (sebaceous cyst).

Đơn vị nang lông tuyến bã

Tuy nhiên, tắc ống tuyến bã chỉ là một trong các nguyên nhân hình thành u bã đậu. Các nguyên nhân khác hay được kể đến là do một nang lông tuyến bã bị vỡ sau khi bị mụn trứng cá (acne) hoặc do chấn thương làm cho lớp biểu mô bề mặt da mọc lộn vào trong da. Vì vậy mà u còn có tên gọi phổ biến khác là u bọc dạng biểu bì (epidermoid cyst).

3. Thành phần của u bã đậu

U bã đậu khi chưa viêm nhiễm thường có vỏ bọc mỏng nhưng rõ. Bên trong u thường chứa chất đặc, bở, màu trắng ngà hay vàng kem như pho mat mà thành phần chính là chất sừng (keratin) và mỡ (lipid). Cũng có khi chất bên trong u ngả sang màu trăng xám. Thường hỗn chất này có mùi hôi do thành phần mỡ bị biến chất. Có tác giả gọi là mùi của pho mat bị thiu.

Trong quá trình diễn tiến khi không được lấy bỏ, u bã đậu có thể bị viêm hay nhiễm trùng. Khi nói u bị viêm thì chưa hẳn đã có nhiễm trùng thật sự. Viêm có thể chỉ là thứ phát do vỏ bao bị vỡ, chất bã bị rò rỉ ra ngoài, kích ứng mô xung quanh gây đáp ứng viêm. Còn khi bị nhiễm trùng, u có thể tạo thành bọc mủ.

4. Biểu hiện lâm sàng của u bã đậu

U bã đậu thường gặp ở da phần thân mình, cổ, mặt, đầu, sau tai, bìu. Trong khi hầu như không gặp ở da lòng bàn tay và bàn chân. U có thể đơn độc hay ở nhiều vị trí cùng lúc phát hiện. Kích thước có thể từ vài milimet đến vài centimet.

Vì sao bị u bã đậu? Cơ chế bệnh sinh và triệu chứng của u bã đậu
Triệu chứng bị u bã đậu

Vì xuất phát từ trong da nên u thường có tính di động tương đối theo di động của da. Trừ khi u bị viêm xơ hóa lâu ngày gây dính làm kém di động.

Ở chỗ gồ cao nhất của u, da có thể có màu trắng xanh hay trắng xám do là chỗ mà vỏ u và chất chứa trong u ở sát bề mặt da nhất. Hoặc nhiều khi lại thấy có một chỗ lõm màu đen. Đó là nút chặn được cấu thành bởi chất sừng.

Khi u bị viêm nhiễm, bệnh nhân có thể có đau nhức tại chỗ. Da tại chỗ và quanh u tấy đỏ, ấn đau. Nặng hơn, bệnh nhân có thể sốt, đau nhức nhiều, tại chỗ có dấu phập phều của tụ mủ.

Ở một số bệnh nhân u tự vỡ hay được tự điều trị bằng cách bóp nặn một hay nhiều lần nhưng không hết, có thể thấy sẹo xơ xấu trên mặt u

>> Xem thêm: Cách điều trị và kỹ thuật mổ u bã đậu không tái phát

Quý bệnh nhân có nhu cầu tư vấn sức khỏe trực tuyến, xin hãy liên hệ với Bác sĩ Luân. Số điện thoại/Zalo 0395621593 hoặc Fanpage Bác sĩ Luân – Bệnh viện Yên Lạc để được hỗ trợ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Luân

Viết một bình luận