Khám đánh giá và chuẩn bị bệnh nhân là công việc bắt buộc của người bác sĩ trước cuộc mổ tiểu phẫu. Điều này giúp kế hoạch mổ được triển khai hiệu quả và tránh được những tai biến không đáng có. Sau đây là Cách khám đánh giá, chuẩn bị bệnh nhân trước mổ tiểu phẫu.
Bác sĩ và bệnh nhân thường không coi trọng việc đánh giá tình trạng bệnh nhân trước khi thực hiện tiểu phẫu hay thủ thuật ngoại khoa. Tất cả mọi tác động đến người bệnh đều có thể làm cho bệnh nhân có những phản ứng không có lợi. Thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Thật đáng tiếc và có thể bị quy trách nhiệm nếu những điều này có thể dự đoán hay phòng tránh được.

Kế hoạch điều trị được thực hiện dựa trên việc khám đánh giá trước mổ. Tình trạng tại chỗ và toàn thân của bệnh nhân sẽ được nắm bắt. Ngoài vấn đề ngoại khoa, bác sĩ còn phải xác định tình trạng sinh lý toàn thân của người bệnh. Muốn đạt được mục đích này, phải hỏi bệnh sử, khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm.
1. Khám đánh giá lâm sàng trước mổ tiểu phẫu
Bác sĩ cần thu nhận một cách nhanh chóng những thông tin sau đây để đánh giá tình trạng bệnh nhân trước mổ hay trước khi làm thủ thuật.
1.1 Khám phản ứng với thuốc tê
Có những bệnh nhân đã tiếp xúc với thuốc tê, người bệnh biết mình bị phản ứng. Bác sĩ phải hỏi về những phản ứng của bệnh nhân. Ví dụ như nổi mề đay, mệt, ngất xỉu hay co giật xảy ra trong những lần được chích thuốc tê trước đó.
Thật khó có thể nói một bệnh nhân sẽ không bị phản ứng mặc dù trước đó họ đã được chích thuốc tê mà không bị phản ứng. Dù không thể dự báo trước, nhưng tiền căn dị ứng với thuốc tê và với những loại thuốc khác phải được hỏi và ghi chép vào bệnh án.
Việc thử phản ứng với thuốc tê có thể không bắt buộc tại nhiều bệnh viện. Nhưng bác sĩ phải chú ý những triệu chứng trên ngay khi bắt đầu tiêm thuốc tê cho người bệnh. Có như vậy mới phát hiện và xử trí kịp thời đối với phản ứng thuốc nói chung và với thuốc tê nói riêng.
1.2 Khám bệnh lý đường hô hấp trước mổ tiểu phẫu
Bác sĩ cần quan tâm đến tình trạng khó thở và tím tái của người bệnh. Triệu chứng có thể rõ nhưng cũng có thể kín đáo. Đôi khi người bệnh chỉ lên cơn suyễn làm khó thở trong vài tình huống như xúc động, lo lắng. Hai bệnh lý cần được ghi chép trong phần tiền căn là bệnh suyễn và phổi tắc nghẽn mạn tính. Trong những trường hợp này, nên đưa bệnh nhân vào phòng mổ. Hoặc cần chuẩn bị những phương tiện hỗ trợ hô hấp trước khi làm thủ thuật hay mổ tiểu phẫu.
Để chuẩn bị tốt cho việc hồi sức về hô hấp, bác sĩ cần thăm khám để xác định mức độ khó khăn khi đặt nội khí quản. Điển hình như cổ ngắn, không há miệng rộng, hạn chế khớp thái dượng hàm, cứng khớp đốt sống cổ. Trong những trường hợp này cần hết sức thận trọng. Phải chuẩn bị thật đầy đủ trang thiết bị để hồi sức khi cần thiết.
1.3 Khám bệnh lý tim mạch trước mổ tiểu phẫu
Con người càng sống thọ, bệnh nhân lớn tuổi vào bệnh viện ngày càng nhiều. Khi đó người bệnh thường có bệnh tim mạch kèm theo như: cao huyết áp, thiếu máu cơ tim… Thậm chí có trường hợp đã bị đột quỵ não do cao huyết áp hay nhồi máu cơ tim.
Bác sĩ cần lưu ý vì nhiều bệnh nhân tim mạch không có triệu chứng. Nhất là đối với bệnh nhân Việt Nam, bác sĩ không hỏi đến thì bệnh nhân không kể những bệnh lý hay thuốc men mà họ đang sử dụng.
Bệnh van tim cũng có xuất độ nhiều như bệnh thiếu máu cơ tim. Các triệu chứng sau đây gợi ý đến bệnh lý của van tim: khó thở khi gắng sức, khó thở về đêm, hồi hộp, ho ra máu… Bác sĩ nghe tim, đo Điện tâm đồ cho bệnh nhân. Nếu cần phải hội chẩn với chuyên khoa tim mạch trước mổ.
Nguy cơ nhồi máu cơ tim càng tăng cao trong trường hợp người bệnh mới bị nhồi máu cơ tim.
– Nếu nhồi máu cơ tim xảy ra >6 tháng thì nguy cơ bị đợt mới của nhồi máu cơ tim là 6%.
– Nếu nhồi máu cơ tim cũ xảy ra trong vòng 3-6 tháng thì nguy cơ bị đợt mới của nhôi máu cơ tim là 16%.
– Nếu nhồi máu cơ tim cũ xảy ra <3 tháng thì nguy cơ nhồi máu cơ tim của đợt mới là 36%.
Goldman đưa ra chỉ sỗ để tính nguy cơ của bệnh tim mạch:
Tiêu chuẩn | Điểm số |
Tuổi > 70 | 5 |
Nhói máu cơ tim trong vòng 6 tháng | 10 |
Tiếng tim T3 hay tĩnh mạch cổ nổi | 11 |
Hẹp van động mạch chủ | 3 |
ECG không phải nhịp xoang | 7 |
Ngoại tâm thu thất > 5 lần/phút | 7 |
Toàn trạng kém | 3 |
Bệnh cẩn mổ cấp cứu | 4 |
Mổ bụng, lồng ngực, động mạch chủ | 3 |
Tổng điểm theo bảng trên là 53.
– Khi điểm số trên 13 điểm thì bệnh nhân có tiên lượng xấu. Khả năng nguy hiểm đến tính mạng là 11%.
– Khi điểm số trên 26 thì tiên lượng rất xấu, 50% bệnh nhân có thể tử vong. Trường hợp này chỉ nên thực hiện thủ thật, phẫu thuật khi thật cần thiết để cứu sống người bệnh.
Chỉ số nguy cơ theo Goldman được ưa chuông vì đơn giản. Đa số các tiêu chuẩn Goldman đều căn cứ vào triệu chứng lâm sàng.
1.4 Khám động kinh, chuột rút, tình trạng tâm thần kinh
Bác sĩ cần khai thác tiền căn về động kinh, chuột rút và tình trạng tâm thần kinh để dự phòng những tình huống bất ngờ.
1.5 Khám tình trạng dễ chảy máu
Có thể xuất hiện khi bệnh nhân bị vết thương làm chảy máu khó cầm hay dễ bị bầm máu khi chấn thương. Ngoài ra, cũng có thể biểu hiện bằng ngày hành kinh hàng tháng kéo dài.
2. Khám đánh giá cận lâm sàng trước khi mổ tiểu phẫu
Thông thường bệnh nhân cần được làm tối thiểu ba xét nghiệm: đông máu, công thức máu, hóa sinh máu. Mục đích để phát hiện bệnh lý dễ chảy máu và bệnh tiểu đường.
Không nên và không được vội vàng làm thủ thuật hay tiểu phẫu khi chưa có những kết quả trên. Tình trạng rối loạn đông máu thường ít khi xảy ra. Nhưng khi đã xảy ra thì rất nặng cho người bệnh, có thể dẫn đến tử vong.
Một số bệnh nhân có cơ địa thuận lợi (ví dụ béo phì,…) hay có tiền sử tiểu đường. Cần phải thử lại đường huyết trước mổ. Đường huyết cao là một yếu tố thuận lợi của nhiễm trùng vết mổ hay vết thương. Trường hợp này, nếu không cần thiết phải mổ khẩn thì nên điều chỉnh đường huyết về mức bình thường. Nếu phải mổ cấp cứu thì phải phối hợp bác sĩ nội tiết điều chỉnh đường huyết.
3. Chuẩn bị bệnh nhân ngay trước mổ tiểu phẫu
Kết quả phẫu thuật còn phụ thuộc nhiều vào việc chuẩn bị trước mổ và chăm sóc sau mổ. Đánh giá đầy đủ trình trạng của bệnh nhân trước mổ như đã kể trên là để chọn lựa được phương pháp điều trị thích hợp nhất cho từng người.
3.1 Chuẩn bị tâm lý trước mổ
Ngoài tình trạng thể chất, yếu tố tinh thần cũng rất quan trọng. Bởi vậy, phải tạo sự an tâm, tin tưởng cho bệnh nhân.
Dù chỉ mổ ở mức tiểu phẫu, bác sĩ vẫn phải giải thích tường tận về thủ thuật phải làm. Giải thích lợi ích và nguy cơ, các khó chịu, biến chứng có thể có sau mổ cho bệnh nhân. Chịu khó lắng nghe và giải đáp những điều chưa rõ, mỗi ưu tư của người bệnh về thủ thuật. Cuối cùng, bệnh nhân hay thân nhân phải ký cam kết đổng ý mổ.
Đôi vời một số bệnh nhân tỏ ra quá lo lắng, dễ mất bình tĩnh, bác sĩ có thể cho bệnh nhân uống 1-2 viên thuốc để trấn an thần kinh. Uống trước mổ khoảng 1-1,5 giờ. Trong trường hợp này người thân phải đi cùng với bệnh nhân vào bệnh viện.
3.2 Chuẩn bị phần da ở vùng mổ
Bệnh nhân cẩn được hướng dẫn chuẩn bị tốt phần da ở vùng mổ. Nếu cần phải làm sạch lông hay tóc, tốt nhất là cắt bằng tông đơ hay cạo lông, tóc bằng dụng cụ an toàn, có hiệu quả. Không được gây trầy xước da. Bệnh nhân cần tắm bằng xà bông có chất diệt khuẩn. Tất cả những điều này cần được thực hiện một cách kỹ lưỡng. Có thể thực hiện ở nhà của bệnh nhân. Hoặc cũng có thể thực hiện tại bệnh viện ngay trước khi được phẫu thuật
Đôi khi nhân viên y tế còn phải nhắc nhở bệnh nhân mang theo quần áo lót sạch để được mặc sau mổ. Ví dụ như: mổ u vú, mổ hẹp da quy đầu.
4. Một số điều cần giải thích kỹ trước khi mổ tiểu phẫu
4.1 Giải thích về điều trị và chăm sóc sau mổ cho bệnh nhân
Khi xuất viện
Thông thường sau khi thực hiện các tiểu phẫu thuật, Bác sĩ khám lại và cho bệnh nhân rời bệnh viện một mình, hay người thân đưa bệnh nhân về nhà.
Thuốc điều trị
Trong những giờ sau mổ và từ 3 đến 5 ngày tiếp theo, người bệnh dùng thuốc theo chỉ dẫn trong toa.
Bệnh nhân không cần kiêng cữ trong ăn uống. Trừ những phẫu thuật ở vùng răng miệng, bệnh nhân có thể uống sữa hay ăn cháo trong ngày đầu hoặc có thể ăn cơm ngay.
Chú ý có một vài loại thuốc phải uống sau khi ăn. Ngoài ra, bệnh nhân tiếp tục sử dụng thuốc sẵn có để điểu trị bệnh kèm theo của minh.
Thay băng
Sau khi được thực hiện mổ tiểu phẫu, bệnh nhân cần phải băng vết mổ trong những ngày kế tiếp. Bệnh nhân có thể chỉ cần bôi nhẹ cồn 70 độ lên vết mổ. Việc làm này vừa để sát khuẩn da quanh vết mổ, vừa có tác dụng làm giảm đau. Mỗi ngày có thể bôi cồn 2-3 lần và sau khi tắm.
Nếu vết mổ còn thấm ít máu hay dịch, bệnh nhân có thể tự chăm sóc ở nhà. Bôi bằng cồn hay dung dịch sát khuẩn (Cồn i ốt) trước khi băng lại bằng băng cá nhân. Có thể mua bông gạc vô khuẩn ở nhà thuốc tây về để tự băng cho mình. Chú ý trước khi thay băng ở nhà phải rửa kỹ lưỡng bàn tay bằng xà bông vô khuẩn. Để tay tự khô, có thể dùng gạc vô khuẩn (mua ở nhà thuốc tây) để chấm khô ngón tay. Có thể xoa cồn vào hai tay trước khi chăm sóc vết mổ. Nếu được yêu cầu hoặc bệnh nhân không thể tự thay băng, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế gần nhà nhất để được chăm sóc vết mổ.
Thông thường nếu phải cắt chỉ, bệnh nhân nên đến bệnh viện hay trung tâm y tế gần nhất để được khám lại và cắt chỉ sau mổ.
4.2 Giải thích về diễn biến và biến chứng có thể có sau mổ
Đau sau mổ tiểu phẫu
Đau là triệu chứng thường gặp nhất. Bệnh nhân sẽ đau tại vết mổ sau khi hết tác dụng của thuốc tê. Lúc này thuốc giảm đau (bằng đường uống theo toa) sẽ có tác dụng để giúp cho bệnh nhân đỡ khó chịu.
Triệu chứng đau thường kéo dài trong 1-2 ngày đầu, sau đó giảm dần. Nếu sau khi giảm đau 1-2 ngày mà bệnh nhân lại đau lại thì đó là triệu chứng của nhiễm trùng. Bệnh nhân cần đến ngay bệnh viện.
Sốt sau mổ
Bệnh nhân thường không sốt sau mổ tiểu phẫu. Nếu bị sốt trong 1-2 ngày đầu, bệnh nhân không cần phải lo lắng. Nếu bị sốt kéo dài quá 2-3 ngày, hoặc sau mổ vài ngày mới sốt đó là triệu chứng của nhiễm trùng. Bệnh nhân cần đến ngay bệnh viện.
Nhiễm trùng vết mổ tiểu phẫu
Là biến chứng quan trọng nhưng ít gặp. Thông thường các biện pháp vệ sinh trước mổ và thực hiện tiểu phẫu một cách vô trùng kèm theo an toàn sau mổ có thể phòng chống nhiễm trùng vết mổ.
Triệu chứng sớm nhất là đau tăng lên tại vết mổ, mặt da xung quanh phù nề, có màu đỏ. Lúc này nên đắp vết mổ bằng cồn 70 độ hay cồn 90 độ. Trễ hơn là chảy dịch vàng hay dịch đục từ vết mổ, hoặc có đầy đủ 4 triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau kèm theo dấu hiệu lùng nhùng chứa mủ.
Quý bệnh nhân có nhu cầu tư vấn sức khỏe trực tuyến, xin hãy liên hệ với Bác sĩ Luân. Số điện thoại/Zalo 0395621593 hoặc Fanpage Bác sĩ Luân – Bệnh viện Yên Lạc để được hỗ trợ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Luân