Nội soi đại tràng là gì? có đau không, thực hiện như thế nào?

Nội soi đại tràng là một thủ thuật hiện đại, vô cùng hữu ích trong việc chẩn đoán, điều trị các bệnh lý đường ruột. Vậy Nội soi đại tràng là gì? có đau không và được thực hiện như thế nào?

1. Nội soi đại tràng là gì?

Nội soi đại tràng là phương pháp đưa ống nội soi mềm với đường kính khoảng 1cm từ hậu môn đi ngược lên trực tràng và kết thúc ở manh tràng (vùng tiếp nối giữa ruột non và ruột già). Mục đích để quan sát toàn bộ khung đại tràng. Qua hình ảnh thu được từ thiết bị nội soi, bác sĩ có thể phát hiện được những tổn thương trong đường ruột như các vùng viêm loét, chảy máu, polyp, khối u…

Ngoài ra bác sĩ có thể lấy mẫu mô để xét nghiệm và thực hiện các thủ thuật can thiệp cần thiết. Tiêu biểu như cắt polyp, lấy dị vật, cầm máu, nong đại tràng… Sau khi kết thúc nội soi, bác sĩ sẽ dựa vào kết quả chẩn đoán để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

2. Tại sao phải nội soi đại tràng?

Nội soi đại tràng có thể được thực hiện nhằm nhiều mục đích:

Chẩn đoán các bệnh lý đường ruột:

Nội soi có thể giúp bác sĩ nhận định và chẩn đoán bệnh lý gây ra các triệu chứng bất thường đường tiêu hóa như đau bụng, táo bón mãn tính, tiêu chảy mãn tính, đi ngoài ra máu…

Tầm soát ung thư và các bệnh lý khác đường tiêu hóa:

Nội soi là phương pháp hiệu quả nhất để tầm soát ung thư đại trực tràng và phát hiện các polyp đại trực tràng. Polyp đại trực tràng là một trong những nguyên nhân thường gặp gây đi ngoài ra máu và hóa ác thành ung thư. Hội phẫu thuật viên Hoa Kỳ (American College of Surgeons) ước tính rằng 90% các khối u hoặc polyp có thể được phát hiện thông qua các cuộc nội soi đại tràng.

Polyp đại tràng được phát hiện khi nội soi

Điều trị các vấn đề đại trực tràng:

Kỹ thuật nội soi có thể được sử dụng để cắt polyp, lấy dị vật, cầm máu, nong chỗ hẹp, điều trị xoắn đại tràng, điều trị trĩ…

Theo dõi bệnh lý đại trực tràng:

Nội soi có thể được thực hiện để theo dõi sau điều trị. Sau khi cắt polyp, nếu polyp lành tính, người bệnh được chỉ định soi kiểm tra sau 3 năm. Sau đó cứ 5 năm soi lại một lần.

Nội soi là phương pháp hữu hiệu để theo dõi diễn tiến bệnh. Trường hợp người bệnh bị viêm đại tràng có loạn sản nặng, cần nội soi đại tràng định kỳ để đánh giá và có phương án điều trị kịp thời.

3. Khi nào cần nội soi đại tràng?

Bệnh nhân có những triệu chứng hoặc tiền sử bệnh lý sau đây:

Cảm giác đau âm ỉ hoặc đau quặn từng cơn vùng bụng (nhất là vị trí vùng bụng dưới rốn).

Tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài. Khi đi cầu phân có lẫn máu hoặc chất nhầy, phân có màu đen.

Người bệnh có các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Ví dụ như người có tiền sử polyp hoặc ung thư đại trực tràng trước đây. Người có tiền sử gia đình bị ung thư đại trực tràng. Người bị viêm đại tràng có loạn sản nặng…

Người bệnh có những bất thường không rõ trên phim chụp X–quang hoặc chụp cắt lớp vi tính đại tràng.

Người khỏe mạnh, chưa có dấu hiệu bệnh cụ thể, từ 30 tuổi trở lên nên nội soi đại tràng để tầm soát ung thư sớm.

Đau bụng có thể là dấu hiệu của bệnh đại tràng

Nội soi đại tràng để điều trị dựa vào chỉ định của bác sĩ:

Bên cạnh việc tầm soát các bệnh như ung thư đại tràng, trĩ, nhiễm ký sinh trùng, dị vật… Nội soi đại tràng còn là phương pháp được chỉ định để cắt Polyp đại tràng. Nội soi cầm máu một số tổn thương. Nội soi lấy dị vật đường ruột. Nội soi nong các tổn thương hẹp đại tràng…vv

4. Bao lâu thì tiến hành nội soi đại tràng một lần?

Theo các bác sĩ, việc bao lâu nên nội soi đại tràng một lần còn tùy vào từng trường hợp. Ví dụ, người khỏe mạnh từ 30 tuổi trở lên nên nội soi 3-5 năm/lần để tầm soát ung thư sớm. Người từng mắc Polyp đại tràng, tiền sử gia đình có người bị ung thư đại tràng, trực tràng nên tiến hành nội soi đại tràng 1 năm/lần.

Chúng ta nên đến thăm khám tại các bệnh viện uy tín, gặp trực tiếp bác sĩ chuyên khoa để có được những tư vấn cụ thể, chính xác cho bản thân trước khi thực hiện nội soi đạt hiệu quả cao nhất.

5. Những trường hợp không nên nội soi?

Một số trường hợp sau đây không được nội soi đại tràng:

– Người có bệnh lý về tim, phổi hoặc chức năng tim phổi không bình thường.

– Người mới qua phẫu thuật đường ruột. Người mới sử dụng phóng xạ vùng ổ bụng và vùng khoang chậu trong thời gian gần đây. Sau khi phẫu thuật hoặc xạ trị, ít nhiều đường ruột vẫn còn đang yếu. Vị trí phẫu thuật vẫn còn chưa lành. Nếu tiến hành nội soi đại tràng rất có thể sẽ gây tổn thương đến ruột và vùng ổ bụng.

– Người đang có tình trạng viêm phúc mạc, nghỉ ngờ thủng ruột, tắc ruột…

– Phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong những tháng đầu của thai kỳ

– Người bị nhiễm độc tiêu hóa (kiết, lỵ), viêm loét kết tràng nhiễm độc. Người bệnh nên chữa trị dứt điểm tình trạng nhiễm độc trước khi muốn nội soi đại tràng.

6. Nội soi đại tràng có đau không?

Đây là thắc mắc chung của rất nhiều người khi có ý định thực hiện phương pháp này để chẩn đoán bệnh đại trực tràng. Hiện nay có 2 phương pháp nội soi đại tràng phổ biến. Một là Nội soi thường (không gây mê) và hai là Nội soi đại tràng có gây mê. Tùy thuộc vào phương pháp mà người bệnh lựa chọn, quá trình nội soi sẽ mang lại những trải nghiệm khác nhau.

Phương pháp nội soi đại tràng thường

Với phương pháp nội soi này, người bệnh sẽ hoàn toàn tỉnh táo trong suốt quá trình thực hiện. Đa số trường hợp, nội soi thường sẽ không gây đau. Tuy nhiên, người bệnh có thể cảm thấy căng tức vùng bụng trong quá trình làm. Cảm giác này xuất hiện là do đại tràng khá dài. Chúng có cấu tạo nhiều chỗ gập góc, đôi khi xoắn vặn. Ống nội soi di chuyển quá sẽ gây cảm giác khó chịu. Cảm giác này sẽ nhanh chóng biến mất sau khi hoàn thành nội soi.

Trên thực tế, khả năng chịu đau của mỗi người là khác nhau. Chính vì vậy những người bệnh nhạy cảm có thể cảm thấy sợ hãi và đau khi nội soi đại tràng. Khi đó, người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi, mất sức sau khi nội soi. Thậm chí một số người còn bị ám ảnh lâu dài, không dám thực hiện lại thủ thuật này.

Cảm giác khó chịu hay đau đớn khi nội soi đại tràng sẽ được giảm thiểu đáng kể nếu người bệnh thả lỏng theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Đồng thời, hãy thực hiện nội soi tại cơ sở y tế uy tín với đội ngũ bác sĩ giỏi, tay nghề cao, thao tác khéo léo. Điều này sẽ góp phần mang đến cho người bệnh trải nghiệm nội soi nhẹ nhàng nhất.

Phương pháp nội soi đại tràng có gây mê

Khi thực hiện phương pháp này, người bệnh sẽ được gây mê tĩnh mạch trước khi tiến hành nội soi. Bệnh nhân sẽ không hề có cảm giác lo lắng, đau đớn hay khó chịu nào khi thực hiện.

Thuốc mê được đưa vào tĩnh mạch giúp người bệnh chìm vào giấc ngủ ngon. Quá trình nội soi diễn ra hết sức êm ái và nhanh chóng. Khi người bệnh tỉnh mê thì việc nội soi đã kết thúc. Thuốc mê được dùng với một lượng ít vừa đủ cùng với thời gian gây mê ngắn nên không ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.

Không chỉ đem lại tâm lý thoải mái cho bệnh nhân, gây mê còn nâng cao hiệu quả của nội soi. Người bệnh nằm im, không phản ứng lại với các kích thích trong quá trình làm. Bác sĩ sẽ dễ dàng hơn khi thực hiện thao tác. Họ có thời gian để quan sát bên trong đại trực tràng được kỹ lưỡng và rõ nét niêm mạc. Từ đó giúp đảm bảo chính xác khi chẩn đoán và an toàn đặc biệt khi thực hiện thủ thuật can thiệp.

Nội soi đại tràng có gây mê

7. Nội soi đại tràng thực hiện như thế nào?

Quá trình nội soi đại tràng bao gồm 3 giai đoạn chính. Trước khi nội soi – Trong khi nội soi – Sau khi nội soi.

7.1 Trước khi nội soi

Đặt lịch và lên kế hoạch:

Đầu tiên, bác sĩ sẽ phải thăm khám, làm các cận lâm sàng cũng như dùng thuốc để làm sạch ruột. Người bệnh nên gọi đến bệnh viện hoặc phòng khám để đặt lịch trước. Điều này giúp chủ động tâm lý, thời gian và công việc.

Đặt lịch trước cũng giúp nắm bắt được những hướng dẫn cụ thể về chế độ dinh dưỡng trước khi soi, cách dùng thuốc rửa ruột như thế nào.

Nếu làm gói nội soi đại tràng có gây mê, sau khi kết thúc nội soi, cơ thể sẽ vẫn còn tác dụng của thuốc mê. Do đó, người bệnh cần lên kế hoạch để bố trí người đi cùng mình đến bệnh viện hoặc phòng khám. Không nên tự lái xe đến một mình gây nguy hiểm cho bản thân.

Thăm khám bác sĩ:

Đây là bước bắt buộc trước khi nội soi. Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ ra chỉ định thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng. Người bệnh cần trình bày rõ với bác sĩ về tiền sử bệnh lý và các loại thuốc đang dùng:

– Có đang mắc bệnh cấp tính gì không? Các bệnh mạn tính từ trước đến nay đã mắc là gì?

– Có đang dùng thuốc gì hay không? Ví dụ như thuốc tim mạch, huyết áp, tiểu đường, hen, động kinh…vv. Có hay bị chảy máu hoặc đang dùng các thuốc chống đông nào không? Một số thuốc chống đông điển hình như Aspirin, Heparin, Lovenox®; warfarin (Sintrom®, Coumadin®); clopidogrel (Plavix®)… Nên hỏi kỹ bác sĩ xem thuốc nào được dùng tiếp? thuốc nào không được dùng vào ngày làm nội soi đại tràng?

– Có dị ứng với thuốc gì hay bất kỳ chất gì hay không? Đặc biệt chú ý đến tiền sử dị ứng thuốc mê.

– Có chụp X-quang và bơm thuốc cản quang ba-rít vào đại tràng trong 4 ngày gần đây hay không?

– Người bệnh có thai hay đang nghi ngờ có thai hay không?

Bác sĩ tư vấn:

Bệnh nhân có thể được yêu cầu ngưng thuốc Aspirin hay thuốc bổ sung sắt từ 7 đến 14 ngày trước khi nội soi đại tràng. Hãy trao đổi với bác sĩ về cách dùng các thuốc chống đông trước khi nội soi nếu đang sử dụng các loại thuốc này thường xuyên.

Bệnh nhân sẽ được yêu cầu ký giấy cam kết xác nhận rằng đã hiểu rõ những nguy cơ có thể xảy ra trong khi nội soi đại tràng. Và đồng ý thực hiện thủ thuật này.

Hãy nói cho bác sĩ biết về tất cả mọi thắc mắc liên quan đến thủ thuật nội soi. Điển hình sự cần thiết của thủ thuật này? Có nguy cơ gì không? được thực hiện như thế nào? và kết quả sẽ có những ý nghĩa gì?…

Nếu nội soi đại tràng được thực hiện có gây mê toàn thân, bệnh nhân cần phải khám tiền mê trước khi tiến hành thủ thuật. Bác sĩ gây mê có thể sẽ yêu cầu bệnh nhân làm thêm một số cận lâm sàng khác.

Thăm khám bác sĩ là bước bắt buộc phải có trước khi nội soi. Tuy vậy nhiều cơ sở y tế bỏ qua bước này. Nếu người bệnh có những bệnh nền nghiêm trọng, đang sử dụng thuốc chống đông máu mà bác sĩ không kiểm tra và không biết, khi can thiệp nội soi có thể xảy ra những biến chứng nghiêm trọng.

Điều chỉnh chế độ ăn uống:

Điều này giúp đại tràng sạch hơn. Một hoặc hai ngày trước khi nội soi, người bệnh nên ăn nhẹ nhàng. Lựa chọn thực phẩm ít chất xơ, dễ tiêu hóa như bánh mỳ, cơm, trái cây không hạt, thịt nạc, trứng. Ăn thức ăn lỏng như cháo, súp…vv. Chỉ nên uống nước có màu trong như nước sôi, trà, nước trái cây ép màu trong, nước canh màu trong.

Nên tránh các thức ăn như bỏng ngô, ngũ cốc, trái cây có vỏ hoặc hạt, món ăn giàu chất béo. Không nên uống nước có màu đỏ hoặc tím như nước ép nho hoặc rượu vang.

Vào ngày nội soi, người bệnh phải nhịn ăn hoàn toàn. Chỉ uống thuốc, nước theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Làm sạch ruột trước khi nội soi

Trước khi nội soi, đại tràng của bệnh nhân cần phải được làm sạch. Ê-kíp nội soi sẽ hướng dẫn bệnh nhân một cách cụ thể.

Nếu lịch nội soi vào buổi sáng thì làm sạch ruột sẽ được thực hiện vào đêm hôm trước. Nếu lịch nội soi vào buổi chiều thì phải làm sạch ruột vào buổi sáng hôm đó.

Có thể tiến hành làm sạch ruột tại nhà hoặc tại bệnh viện. Bệnh nhân được phát và hướng dẫn cách dùng thuốc để làm sạch hiêu quả nhất.

Mỗi cơ sở y tế có thể sẽ thực hiện các phương pháp khác nhau. Người bệnh có thể uống thuốc xổ hoặc thụt nước kết hợp thuốc thụt qua đường hậu môn.

Bác sĩ sẽ giải thích rõ cho người bệnh những khó chịu không mong muốn trong khi làm sạch ruột như buồn nôn, đầy bụng hoặc đau bụng.. trước khi nội soi.

Một số lưu ý chung:

Thực hiện uống thuốc nhuận tràng trong vòng vài giờ. Sau khi uống thuốc không lâu, bệnh nhân sẽ đi cầu phân lỏng. Thuốc này thường có vị mặn và có thể làm khó chịu nhẹ ở dạ dày.

Sau mỗi lần uống thuốc, nên uống nước lạnh hoặc nước có màu trong suốt (ví dụ như nước táo ép) để làm hết cảm giác thuốc ở trong miệng.

Thuốc nhuận tràng sẽ dễ uống hơn khi để trong ngăn mát tủ lạnh trước khi dùng. Có thể cho thêm chút nước chanh vào thuốc hoặc ngậm vài lát chanh thái mỏng sau khi uống thuốc.

Nên ở gần nhà vệ sinh vì bệnh nhân sẽ phải đi cầu thường xuyên đến khi thật sạch. Nên uống thật nhiều nước màu trong để tránh bị mất nước trong lúc chuẩn bị nội soi. Nước cũng sẽ giúp làm sạch toàn bộ đại tràng.

Nếu đại tràng của bệnh nhân chưa được làm sạch thì có thể sẽ cần thụt tháo thêm trong vòng 30 đến 60 phút trước khi bắt đầu nội soi để làm sạch hoàn toàn đại tràng.

7.2 Trong quá trình nội soi

Người bệnh được hướng dẫn nằm nghiêng bên trái, chân co lại cao lên gần tới bụng.

Đối với nội soi thường, bác sĩ sẽ tiêm tĩnh mạch thuốc giảm đau và thuốc gây tê để hạn chế sự khó chịu trong quá trình nội soi. Sau đó, bác sĩ sẽ đưa ống nội soi vào đại tràng từ hậu môn. Tiếp theo, thực hiện bơm hơi vào đại tràng để đại tràng phồng lên giúp việc quan sát trở nên dễ dàng hơn.

Đầu nội soi gắn camera có thể giúp bác sĩ nhìn tận mắt tất cả các vấn đề trong lòng đại tràng

Trong quá trình nội soi, người bệnh có thể thấy khó chịu, đau tức bụng. Bệnh nhân không nên quá lo sợ mà cần giữ bình tĩnh, nằm im, hít thở sâu. Cảm giác khó chịu này sẽ biến mất sau khi nội soi kết thúc.

Trường hợp nội soi có gây mê, người bệnh sẽ được tiêm thuốc mê qua đường tĩnh mạch để gây mê toàn thân. Vì nội soi được thực hiện khi cơ thể đang trong trạng thái “ngủ”, nên người bệnh hoàn toàn không thấy khó chịu, đau đớn trong quá trình làm.

Quá trình nội soi đại tràng thường diễn ra trong vòng 30 – 60 phút. Tùy theo tình trạng cụ thể của từng người bệnh khó hay dễ, có làm thêm các thủ thuật kèm theo hay không mà thời gian sẽ dao động thay đổi.

7.3 Sau khi nội soi

Người bệnh được đưa đi nghỉ ngơi, thư giãn đến khi tình trạng khó chịu ở bụng thuyên giảm.

Các triệu chứng sau nội soi đại tràng có thể gồm cảm giác đau âm ỉ ở bụng, chướng bụng, muốn đi ngoài nhưng không đi được. Nếu có cắt polyp hoặc sinh thiết thì có thể thấy dải máu nhỏ trong phân. Đây là những triệu chứng bình thường và sẽ nhanh chóng biến mất. Người bệnh không cần phải quá lo lắng.

Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng như sốt, chóng mặt, đau bụng dữ dội, đại tiện ra máu nhiều… người bệnh nên ở lại bệnh viện để được theo dõi.

Bác sĩ trả kết quả nội soi, kê thuốc và hẹn tái khám nếu cần. Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn cách ăn uống, chăm sóc sức khỏe sau nội soi.

8. Ý nghĩa của kết quả nội soi đại tràng

Nếu kết quả nội soi bình thường:

Bác sĩ có thể loại trừ các triệu chứng mà người bệnh gặp phải là do các bệnh lý ở đại trực tràng. Người bệnh được chuyển hướng chẩn đoán, điều trị qua các khả năng khác.

Đối với những người nội soi đại tràng tầm soát ung thư sớm. Với kết quả nội soi bình thường, người bệnh có thể tạm thời yên tâm. Tuy nhiên, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ về tần suất tầm soát cũng như cách ăn uống, sinh hoạt để phòng ngừa các bệnh lý tiêu hóa.

Nếu kết quả nội soi không bình thường:

Dựa vào những phát hiện thông qua quá trình nội soi, bác sĩ có thể chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị cụ thể cho từng người bệnh.

Qua nội soi, bác sĩ có thể tiến hành sinh thiết để xác định bản chất tổn thương, cắt polyp qua nội soi, cầm máu vết loét, thắt búi trĩ, lấy dị vật…vv

9. Biến chứng có thể gặp sau khi thực hiện nội soi đại tràng

Mặc dù nội soi đại tràng là thủ thuật khá an toàn, nhưng nó vẫn tiềm ẩn một số rủi ro nhất định, bao gồm:

Đau bụng, đầy hơi, khó chịu vùng bụng

Cảm giác đau bụng, đầy hơi hoặc khó chịu vùng bụng là những tác dụng phụ phổ biến nhất của nội soi đại tràng. Trong quá trình nội soi, bác sĩ sẽ bơm hơi vào đại tràng để nhìn rõ hơn các chi tiết niêm mạc ruột. Đồng thời sẽ đưa thiết bị nội soi và di chuyển nó trong lòng cơ quan này. Điều này khiến bạn có cảm giác đầy bụng, đau nhẹ và khó chịu trong thời gian ngắn. Tất cả những cảm giác này sẽ biến mất hoàn toàn trong vòng 1 – 2 ngày sau nội soi.

Chảy máu sau nội soi

Trong một số trường hợp, nếu bác sĩ có tiến hành sinh thiết hoặc cắt bỏ polyp đại trực tràng. Người bệnh có thể thấy máu chảy từ trực tràng hoặc máu lẫn trong phân sau khi nội soi. Triệu chứng này thường chỉ kéo dài khoảng một vài ngày đầu. Do đó bệnh nhân không nên quá hoang mang, lo lắng.

Tuy nhiên, nếu máu chảy không ngừng hoặc chảy nhiều máu, người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra. Lưu ý là một số loại thuốc chống đông có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Người bệnh cần phải thông báo với bác sĩ nếu có dùng những loại thuốc này trước khi tiến hành nội soi.

Phản ứng xấu với thuốc mê

Một số người bệnh có triệu chứng rùng mình, run rẩy khi thức dậy sau nội soi có gây mê. Rất hiếm trường hợp xảy ra các tai biến nặng như trụy tim mạch, suy hô hấp do phản ứng với thuốc mê. Để đảm bảo an toàn trước khi gây mê, bác sĩ sẽ cho người bệnh làm các xét nghiệm cần thiết nhất.

Nhiễm trùng

Sử dụng dụng cụ nội soi chung có thể tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm nhiều vi khuẩn. Điển hình như E. coli, Klebsiella, Enterobacter…, virus viêm gan B, viêm gan C,…

Rách hoặc thủng đại tràng

Trường hợp dụng cụ nội soi gây xây xước mạnh, rách hoặc thủng đại tràng là rất hiếm xảy ra. Chiếm tỷ lệ 0,14 – 0,2%. Nguyên nhân gây thủng có thể liên quan đến dính sau mổ, viêm loét nặng, hẹp đại tràng, bác sĩ ít kinh nghiệm…vv

Tỷ lệ xảy ra tai biến sau khi nội soi đại tràng là rất thấp. Tuy nhiên, người bệnh không nên chủ quan mà cần theo dõi các triệu chứng. Nếu có các biểu hiện như đau bụng dữ dội, sốt, chóng mặt, nôn mửa, chảy máu trực tràng hoặc đi ngoài ra máu thường xuyên, gặp vấn đề khi trung tiện…, bệnh nhân cần thông báo ngay cho bác sĩ.

10. Nên ăn gì và kiêng gì sau khi nội soi?

Nắm được những lưu ý trong chế độ ăn sau nội soi đại tràng sẽ giúp bệnh nhân hạn chế các triệu chứng khó chịu. Điều này giúp đại tràng ổn định sớm và chăm sóc sức khỏe đường ruột tốt hơn.

Các thực phẩm nên ăn sau nội soi đại tràng

Sau đây là một số loại thực phẩm người bệnh nên ăn sau nội soi đại tràng:

– Các món ăn mềm, dễ tiêu như cháo loãng, canh, súp. Lưu ý để cháo/ canh/ súp nguội bớt, chỉ còn hơi âm ấm trước khi ăn. Trong quá trình chế biến, không nên nêm nếm quá nhiều gia vị để tốt hơn cho hoạt động của đường ruột.

– Trứng gà: Giúp bổ sung vitamin A, E, D, đẩy nhanh quá trình hồi phục sau nội soi.

– Một số loại trái cây: Trái cây chứa nhiều vitamin, khoáng chất và các chất chống oxy hóa. Chúng giúp tăng cường hệ miễn dịch và nâng cao sức khỏe đường tiêu hóa. Lưu ý không nên chọn những loại quả có vị chua. Vị chua có thể gây kích thích, ảnh hưởng tới đại tràng trong quá trình phục hồi.

Các thực phẩm không nên ăn sau nội soi đại tràng

Bệnh nhân sau khi nội soi đại tràng nên tránh những thực phẩm sau:

– Thức ăn cứng, khó tiêu hóa;

– Đồ ăn cay, đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh;

– Đồ ăn có chứa nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh;

– Rượu bia, đồ uống có ga, cà phê, trà đặc, thuốc lá hay chất kích thích.

Quý bệnh nhân có nhu cầu tư vấn sức khỏe trực tuyến, xin hãy liên hệ với Bác sĩ Luân. Số điện thoại/Zalo 0395621593 hoặc Fanpage Bác sĩ Luân – Bệnh viện Yên Lạc để được hỗ trợ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Luân

Viết một bình luận