Xét nghiệm hóa sinh máu rất cần thiết trong chẩn đoán, và điều trị bệnh. Vậy ý nghĩa của các chỉ số xét nghiệm hóa sinh máu là gì?

1. Xét nghiệm hóa sinh máu Urê và Creatinin
Urê là một chất được đào thải qua thận. Khi chức năng của thận suy giảm khả năng đào thải urê kém đi. Urê sẽ bị ứ đọng và tăng cao trong máu. Vì vậy xét nghiệm urê nhằm đánh giá chức năng thận và theo dõi bệnh nhân suy thận hoặc những người được lọc thận.
Phạm vi bình thường đối với urê máu nói chung là từ 2,5-7,5 mmol/l.
- Nồng độ Urê tăng trong các trường hợp suy thận, viêm cầu thận mạn, u tiền liệt tuyến…
- Nồng độ Urê giảm trong trường hợp suy gan, chế độ ăn nghèo ure, truyền dịch nhiều…
Cũng giống với Urê, Creatinin cũng là chất được đào thải qua thận. Xét nghiệm creatinin trong máu cũng để đánh giá chức năng của thận.
Chỉ số Creatinin ở mức bình thường đối với nam là từ 62-120 micromol/l và nữ là từ 53-100 micromol/l.
- Nồng độ Creatinin tăng cao trong các trường hợp: Suy thận cấp và mạn tính, bí tiểu tiện, bệnh to đầu ngón, tăng bạch cầu, cường giáp, Gút…
- Nồng độ Creatinin giảm trong các trường hợp: có thai, dùng thuốc chống động kinh, bệnh teo cơ cấp và mạn tính…
2. Xét nghiệm đường huyết (Glucose máu)
Xét nghiệm hóa sinh máu này giúp đánh giá lượng đường trong máu tại thời điểm lấy mẫu. Điều này giúp chẩn đoán và theo dõi đường huyết ở bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường.
Glucose ở mức bình thường vào khoảng 3,9- 6,4 mmol/l.
- Glucose tăng cao gặp trong các trường hợp: đái tháo đường, cường giáp, cường tuyến yên, bệnh gan, giảm kali máu…
- Glucose giảm khi hạ đường huyết do chế độ ăn, do sử dụng thuốc hạ đường huyết quá liều, suy vỏ thượng thận, suy giáp, nhược năng tuyến yên, bệnh gan nặng, nghiện rượu, bệnh Addison…
3. Xét nghiệm chỉ số HbA1-C
Nồng độ HbA1-C phản ánh tình trạng kiểm soát đường huyết liên tục của bệnh nhân trong vòng 3 tháng gần nhất. (Khác với xét nghiệm định lượng Glucose máu chỉ nói lên được hàm lượng đường tại ngay chính thời điểm lấy máu làm xét nghiệm).
Xét nghiệm HbA1C được coi là một thông số có giá trị để chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh đái tháo đường. Chỉ số này đặc biệt có ý nghĩa với những bệnh nhân bị đái tháo đường khó kiểm soát.
Trị số bình thường HbA1¬C: 4-6% Hb.
- HbA1¬C tăng trong các trường hợp: bệnh đái tháo đường, bệnh đái tháo đường khó kiểm soát.
- HbA1¬C tăng giả tạo trong các trường hợp: ure máu cao, thalassemia.
- HbA1¬C giảm giả tạo trong các trường hợp: Thiếu máu, huyết tán, mất máu.
4. Xét nghiệm hóa sinh máu men gan GOT (AST) và GPT (ALT)
GOT (hay còn gọi là AST) và GPT (hay còn gọi là ALT) là 2 loại men được sản xuất ra ở bên trong các tế bào gan. Khi các tế bào gan bị tổn thương và phá vỡ sẽ giải phóng ồ ạt các men này vào trong máu. Từ đó làm nồng độ các men này tăng cao khi xét nghiệm.
Xét nghiêm men GOT và GPT là 2 xét nghiệm đánh giá chức năng gan quan trọng nhất.
Bình thường GOT </ = 37 U/L ; GPT </= 40 U/L.
- Hai chỉ số men gan này tăng trong các trường hợp: Viêm gan do virus cấp, viêm gan do nhiễm độc, viêm gan mạn do rượu, xơ gan, sau dùng một số thuốc,…
5. Xét nghiệm chóa sinh máu men gan GGT
GGT là một trong ba loại men gan cùng với GOT và GPT. Bình thường nếu chức năng gan tốt, GGT sẽ có rất thấp ở trong máu. Khi tế bào gan phải làm việc quá mức, khả năng thải độc của gan bị kém đi, GGT sẽ tăng lên.
Xét nghiệm men GGT ở bình thường ở khoảng 11 – 50UI/L với nam, và từ 7 – 32 U/L với nữ.
- Người có GGT tăng cao là tình trạng viêm gan, u bướu ở gan, ống dẫn mật, xơ gan… Ngoài ra, xét nghiệm GGT tăng ở những bệnh nhân bị suy tim hoặc dùng các loại thuốc kháng sinh, thuốc chống nấm, thuốc giảm đau chống viêm như Voltaren, Naproxen, Ibuprofen, thuốc trị động kinh…
6. Xét nghiệm hóa sinh máu Bilirubin
Bilirubin là chất được sản xuất ra sau khi hồng cầu bị phá vỡ. Hồng cầu vỡ có thể do hết vòng đời, hoặc do bệnh lý. Chất này được đào thải ở gan, đi qua đường dẫn mật và xuống ruột.
Các nguyên nhân làm tăng phá hủy hồng cầu, tổn thương tế bào gan, hay tắc đường dẫn mật đều có thể làm tăng bilirubin.
Xét nghiệm bilirubin được thực hiện để chẩn đoán và theo dõi những bệnh lý vàng da liên quan đến gan mật và tan máu…
Bilirubin gồm 3 trị số: Bilirubin trực tiếp, Bilirubin gián tiếp và tổng 2 trị số này là Bilirubin toàn phần.
Trị số bình thường: Bilirubin toàn phần ≤17,0 Mmol/l. Bilirubin trực tiếp ≤4,3 Mmol/l. Bilirubin gián tiếp ≤12,7 Mmol/l.
- Bilirubin trực tiếp tăng trong các trường hợp: Viêm gan cấp, sỏi mật, u đầu tuỵ…
- Bilirubin gián tiếp tăng trong: Thalassemia, vàng da ở trẻ sơ sinh, các nguyên nhân gây tan máu …
- Bilirubun toàn phần tăng trong tất cả các trường hợp làm tăng Bilirubin trực tiếp hoặc tăng Bilirubin gián tiếp hoặc tăng cả hai.
7. Xét nghiệm hóa sinh mỡ máu
Xét nghiệm mỡ máu bao gồm 4 chỉ số xét nghiệm.
7.1 Cholesterol toàn phần
Nồng độ Cholesterol toàn phần bình thường vào khoảng 3,9 – 5,2 mmol/l.
- Cholesterol tăng trong các trường hợp: rối loạn mỡ máu nguyên phát hoặc thứ phát, xơ vữa động mạch, hội chứng thận hư, vàng da tắc mật, bệnh vảy nến…
- Cholesterol giảm trong các trường hợp: hấp thu kém, suy kiệt, ung thư, biếng ăn …
7.2 Triglycerid
Giá trị Triglycerid bình thường vào khoảng 0,46 – 1,88 mmol/l.
- Triglycerid tăng trong các trường hợp: Vữa xơ động mạch, rối loạn mỡ máu, hội chứng thận hư, bệnh béo phì, đái tháo đường…
- Triglycerid giảm trong các trường hợp: xơ gan, hội chứng kém hấp thu, suy kiệt, cường tuyến giáp…
7.3 HDL-C
HDL-C là chất có vai trò vận chuyển cholesterol lắng đọng ở thành mạch máu quay trở về gan. Điều này giúp ngăn ngừa quá trình hình thành mảng xơ vữa động mạch. Nhờ đó nó còn được gọi là một chất “tốt” cho sức khỏe. Nồng độ HDL-C càng cao thì càng tốt.
Nồng độ HDL-C bình thường là từ 0,9 mmol/l trở lên.
- HDL-C tăng: ít nguy cơ gây xơ vữa động mạch
- HDL-C giảm: dễ có nguy cơ gây xơ vữa động mạch. Hay gặp trong các trường hợp rối loạn mỡ máu, xơ vữa động mạch, béo phì, hút thuốc lá, lười vận động, tăng huyết áp, cơn đau thắt ngực,…
Ngoài ra người ta còn chú ý tới tỷ số Cholesterol toàn phần/HDL-C. Tỷ số này tốt nhất là <4. Tỷ số này càng cao thì khả năng xơ vữa động mạch càng cao.
7.4 LDL-C
Trái ngược với HDL-C thì LDL-C là chất vận chuyển cholesterol từ gan tới mạch máu và là tác nhân chính gây nên các mảng xơ vữa động mạch. Đây là một chất xấu, LDL-C càng cao, nguy cơ bị vữa xơ động mạch càng lớn.
Nồng độ LDL-C bình thường là từ 3,4mmol/l trở xuống .
- LDL-C tăng trong các trường hợp: Xơ vữa động mạch, rối loạn mỡ máu, bệnh béo phì…
- LDL-C giảm trong các trường hợp: xơ gan, hội chứng kém hấp thu, suy kiệt, cường tuyến giáp…
8. Xét nghiệm chỉ số Acid Uric
Xét nghiệm hóa sinh máu này được thực hiện nhằm chẩn đoán bệnh Gout, bệnh thận, khớp…
Lượng Acid uric bình thường ở nam giới là 180-420 mmol/l, đối với nữ là 150-360 mmol/l.
- Lượng Acid uric tăng trong trường hợp bệnh Gút, đa hồng cầu, suy thận, tăng bạch cầu đơn nhân, bệnh vẩy nến, nhiễm trùng nặng.
- Giảm trong trường hợp có thai, bệnh Wilson, hội chứng Fanconi.
9. Xét nghiệm hóa sinh máu Protein
Xét nghiệm Protein máu bao gầm 3 chỉ số chính
9.1 Xét nghiệm Protein toàn phần
Xét nghiệm được này được chỉ định trong các trường hợp: Đa u tuỷ xương, bệnh gan (xơ gan, viêm gan…), bệnh thận (hội chứng thận hư nhiễm mỡ, viêm cầu thận…), suy kiệt, kiểm tra sức khoẻ định kỳ…
Trị số bình thường: 65 – 82g/l.
- Protein toàn phần tăng trong các bệnh lý: Đa u tuỷ xương (Kahler), bệnhWaldenstrom, thiểu năng vỏ thượng thận… Ngoài ra có thể gặp protein máu tăng trong các trường hợp cô đặc máu: sốt kéo dài, ỉa chảy nặng, nôn nhiều…
- Protein toàn phần giảm trong các trường hợp: thận hư nhiễm mỡ, xơ gan, ưu năng giáp nhiễm độc, suy dinh dưỡng… Ngoài ra, có thể gặp giảm protein máu do pha loãng máu (nhiễm độc nước, truyền dịch quá nhiều…)
9.2 Xét nghiệm Albumin
Albumin là một loại protein được gan sản xuất và sẽ bị thoát ra ngoài nước tiểu khi thận bị tổn thương.
Giá trị bình thường từ 35-50 g/l.
- Albumin giảm thường gặp trong các trường hợp: Xơ gan, suy dinh dưỡng, hội chứng thận hư, viêm cầu thận, đa u tuỷ ( Kahler), Waldenstrom…
9.3 Xét nghiệm chỉ số A/G
Chỉ số A/G tức là chỉ số giữa Albumin trên Globulin. Albumin và globulin là 2 loại protein chính trong cơ thể.
Trị số bình thường: 1,3 – 1,8
A/G < 1 là do tăng globulin hoặc do giảm albumin hoặc phối hợp cả 2 nguyên nhân trên.
- Giảm albumin: do thiếu dinh dưỡng, ung thư, lao, suy gan…
- Tăng globulin: Đa u tuỷ xương, Bệnh collagen, nhiễm khuẩn…
- Đồng thời giảm albumin và tăng globulin: Xơ gan, viêm thận cấp, thận hư nhiễm mỡ, đau tuỷ xương…
10. Xét nghiệm hóa sinh máu Amylase
Amylase là enzym được sản xuất ra bởi các tế bào tuyến tụy và tuyến nước bọt. Trong trường hợp các tế bào tuyến tụy và tuyến nước bọt bị tổn thương phá hủy sẽ giải phóng nhiều enzym này vào trong máu.
Trị số bình thường: ≤ 220U/l
- Amylase tăng cao trong các trường hợp: Viêm tuỵ cấp, ung thư tuỵ, quai bị, viêm tuyến nước bọt, thủng dạ dày, tắc ruột cấp,…
11. Xét nghiệm Canxi toàn phần
Canxi toàn phần trị số bình thường: 2,15-2,6 mmol/l.
- Can xi toàn phần tăng trong các trường hợp: loãng xương, đa u tuỷ, cường phó giáp trạng, bệnh Paget, cường giáp, dùng thuốc lợi tiểu…
- Can xi toàn phần giảm trong các trường hợp: Thiếu vitamin D, còi xương, thiểu năng giáp, suy thận, một số trường hợp không đáp ứng với vitamin D, hội chứng thận hư, các trường hợp giảm Albumin máu, tan máu, viêm tuỵ cấp, thai nghén…
12. Xét nghiệm hóa sinh máu chỉ số Sắt
Chỉ đinh xét nghiệm Sắt cho các trường hợp thiếu máu, mất máu do chảy máu, trĩ, giun móc, thai nghén, nhiễm độc sắt, tan máu…
Trị số bình thường: Nam: 11-27 mmol/l; Nữ: 7-26 mmol/l
- Sắt tăng trong các trường hợp: tan máu, suy tuỷ, xơ tuỷ, rối loạn sinh tuỷ, xơ gan, nhiễm độc sắt, truyền máu nhiều lần…
- Sắt giảm trong các trường hợp: Thiếu máu thiếu sắt, viêm nhiễm mạn tính, chảy máu kéo dài, ăn kiêng, giảm hấp thu sắt (cắt đoạn ruột, dạ dày…)
13. Xét nghiệm các men CK (CPK) và CK–MB
CK là men có nhiều trong cơ tim và các cơ bắp bình thường khác. Nồng độ men này phản ánh tình trạng tổn thương các cơ nói trên.
Xét nghiệm men CK được chỉ định trong các trường hợp nghi ngờ nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim, bệnh lý về cơ (viêm cơ, loạn dưỡng cơ…)
Trị số bình thường men CK: 24 – 190 U/L đối với nam, 24 -167 U/L đối với nữ.
- CK tăng trong các trường hợp: Nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim, chấn thương cơ, viêm cơ, bệnh loạn dưỡng cơ Duchene tiến triển và một số trạng thái (gắng sức sinh lý, sốt cao ác tính, thiếu oxy cơ, sau phẫu thuật, sau tiêm bắp một số thuốc kháng sinh, điều trị thuốc giảm đau, thuốc chống loạn nhịp…)
- CK giảm trong trường hợp: teo cơ
Men CK nói chung lại được phân loại làm 3 loại men CK nhỏ đó là: CK–MB, CK–MM và CK–BM. Ba loại men này lại đặc trưng riêng cho 3 loại tổn thương cơ ở các vị trí khác nhau. CK–MB đặc trưng cho tổn thương cơ tim. CK–MM đặc trưng cho tổn thương cơ bắp bình thường. CK–BM đặc trưng cho tổn thương ở não.
Trong 3 loại xét nghiệm men trên thì xét nghiệm CK-MB là hay được ứng dụng nhất trên lâm sàng. Men CK–MB có tính đặc hiệu riêng với nhồi máu cơ tim cao hơn men CK là rất nhiều.
Trị số bình thường CK–MB: ≤ 24U/L.
- CK–MB tăng trong các trường hợp: Nhồi máu cơ tim. Ngoài ra CK–MB cũng tăng ở những trường hợp tổn thương cơ tim khác như chấn thương tim, phẫu thuật tim…
14. Xét nghiệm hóa sinh máu chỉ số LDH
Xét nghiệm này được chỉ định trong trường hợp nghi ngờ các bệnh lý ác tính (ung thư máu, đa u tuỷ, ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư gan…), tan máu, nhồi máu cơ tim, viêm cơ…
Trị số bình thường: 230- 460 U/L.
- LDH tăng trong các trường hợp: các bệnh máu (leucemie, u lympho, tan máu…), ung thư gan, ung thư phổi, ung thư dạ dày… tổn thương cơ, hoại tử các mô …
15. Xét nghiệm hóa sinh máu chỉ số CRP
CRP là một loại protein được tổng hợp ở gan. Chúng được sản xuất ra một cách nhanh và mạnh ngay sau khi có sự xâm nhập của vi khuẩn. CRP tăng sớm trong máu trong khoảng 6-12 giờ sau khi có khởi phát viêm nhiễm. Tăng rất cao khi viêm nhiễm nặng và giảm nhanh khi loại bỏ được tác nhân vi khuẩn gây bệnh.
Trị số bình thường: < 7 mg/l
- CRP tăng cao trong các trường hợp: nhiễm khuẩn, tổn thương mô, thấp khớp, viêm phổi, ung thư vú, SLE, sốt do thấp khớp, viêm đa khớp, sau phẫu thuật…
- CRP tăng nhẹ trong các trường hợp: Strees, hôn mê, nhiễm virut…
16. Xét nghiệm hóa sinh máu điện giải đồ
16.1 Natri
Nồng độ Natri bình thường là 135 – 145 mmol/l.
- Natri tăng trong trường hợp cường aldosteron, dùng corticoid, , mất nước,…
- Natri giảm trong trường hợp ứ dịch do suy tim, suy thận, xơ gan hoặc mất natri do nôn ói, xuất huyết, tiêu chảy, bỏng.
16.2 Kali
Bình thường nồng độ Kali khoảng 3,5 – 5 mmol/l.
- Kali trong máu tăng cao do suy thận hoặc do sử dụng các thuốc tăng giữ kali như thuốc lợi tiểu giữ kali, thuốc ức chế men chuyển,…
- Kali giảm do mất qua đường tiêu hoá (tiêu chảy – nôn nhiều,…), mất qua đường tiểu ( đi tiểu nhiều) lượng Kali cho vào không đủ.
16.3 Clo
Giá trị Clo bình thường là khoảng 98 – 106 mmol/l.
- Nồng độ Clo tăng trong trường hợp ăn mặn, toan chuyển hoá, suy thận cấp, shock phản vệ, hôn mê tăng áp lực thẩm thấu…
- Nồng độ Clo giảm do ăn nhạt, mất nước cấp gây nhiễm kiềm chuyển hoá, nôn kéo dài (hẹp môn vị), dùng thuốc lợi tiểu, tiêu chảy,…
16.4 Canxi ion hóa
Nồng độ Canxi ion hóa bình thường vào khoảng 1,17-1,29 mmol/l.
- Canxi ion hóa tăng trong các trường hợp: Đa u tuỷ, loãng xương, viêm phổi, giảm phosphat máu, dung nhiều vitamin D, cường cận giáp tiên phát hoặc thứ phát…
- Canxi ion hóa giảm trong các trường hợp: Thiểu năng cận giáp, suy thận, thiếu hụt vitamin D, bệnh Tetanin, còi xương, các bệnh có giảm Albumin máu…
Quý bệnh nhân có nhu cầu tư vấn sức khỏe trực tuyến, xin hãy liên hệ với Bác sĩ Luân. Số điện thoại/Zalo 0395621593 hoặc Fanpage Bác sĩ Luân – Bệnh viện Yên Lạc để được hỗ trợ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Luân
Cám ơn bác sĩ Luân thật nhiều. Trân trọng và biết ơn.