Theo thống kê, khoảng trên 5% dân số bị thoát vị thành bụng nói chung, trong đó 75% số này là thoát vị bẹn. Thoát bị bẹn là bệnh khá thường gặp ở nam giới. Bệnh gây cảm giác đau tức khó chịu ở một hoặc hai bên bẹn. Vậy thoát vị bẹn là gì? Cùng tìm hiểu về phẫu thuật thoát vị bẹn và những câu hỏi xung quanh.
1. Bệnh thoát vị bẹn là gì?
Vùng bẹn có những lỗ tự nhiên. Trong quá trình phát triển của bào thai, một số cấu trúc giải phẫu đi qua lỗ bẹn để xuống dưới. Tinh hoàn từ trong ổ phúc mạc chạy xuống bìu qua lỗ bẹn. Khi những lỗ này giãn rộng, một phần các tạng trong ổ bụng như ruột, mạc nối sẽ chui qua lỗ này. Điều này gọi là thoát vị.
Bệnh thoát vị bẹn (TVB) có các biểu hiện như sưng phồng tại vùng bẹn. Hiện tượng này sẽ tăng lên khi ở tư thế đứng hoặc khi gắng sức. Bệnh thường xảy ra ở nam giới; có thể xảy ra ở bất cứ tuổi nào. Thoát vị bẹn có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai bên bẹn.

2. Các đối tượng dễ mắc thoát vị bẹn
– Người cao tuổi do các cơ thành bụng yếu
– Những người hay làm việc nặng nhọc
– Người táo bón kéo dài do áp lực thường xuyên tại ổ bụng cao
– Những người mắc các bệnh như u nang thừng tinh, tràn dịch tinh mạc…
3. Thoát vị bẹn có tự khỏi được không?
Khi thoát vị đã hình thành, người bệnh sẽ cảm nhận khối thoát vị lớn dần; nhanh hay chậm tùy thuộc mỗi người. Nhưng cần biết rằng bệnh thoát vị bẹn sẽ không thể tự khỏi nếu không được can thiệp bằng phẫu thuật. Tiến triển tự nhiên của bệnh sẽ làm tăng khó chịu và đau tức cho người bệnh, nhất là khi gắng sức.
4. Biến chứng của thoát vị bẹn
Bệnh thoát vị bẹn nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong đó thoát vị nghẹt là nguy cơ hàng đầu. Đó là tình trạng mắc kẹt ruột hoặc mạc nối trong túi thoát vị. Lúc này khối thoát vị bị nghẹt lại và không thể đẩy lên được. Bệnh nhân rất đau đớn. Để tình trạng này lâu, ruột và mạc nối sẽ bị thiếu máu, thiểu dưỡng và hoại tử.
Khi đã xác định có thoát vị nghẹt, bệnh nhân cần phải được phẫu thuật cấp cứu.

5. Bệnh thoát vị bẹn có ảnh hưởng đến sinh sản không?
Bệnh thoát vị bẹn hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu điều trị sớm và không ảnh hưởng gì tới việc có con. Tuy nhiên thoát vị bẹn có thể là một trong các yếu tố thuận lợi gây xoắn tinh hoàn, teo tinh hoàn, nghẹt bó mạch thừng tinh gây hoại tử tinh hoàn; làm tăng nguy cơ vô sinh ở nam giới.
6. Cách điều trị thoát vị bẹn tốt nhất
Cách điều trị tốt nhất và triệt để nhất là phẫu thuật thoát vị bẹn. Mục đích chính của việc này là bịt kín hoàn toàn chỗ thoát vị; củng cố vững chắc thêm thành bụng.
Điều trị bảo tồn (sử dụng đai đeo túi thoát vị, mặc quần chật…) chỉ áp dụng cho một số ít các đối tượng. Cụ thể như:
– Trẻ nhỏ ( <6 tuổi) do ít khi bị nghẹt và ống phúc tinh mạc có thể bít lại
– Bệnh nhân già yếu có nhiều bệnh lý kết hợp
7. Các phương pháp phẫu thuật thoát vị bẹn hiện nay
Hiện tại, có 2 phương pháp phẫu thuật thoát vị bẹn chính:
Mổ mở: Bác sĩ sẽ tạo một vết cắt duy nhất; qua đó bịt kín chỗ thoát vị bằng phương pháp đặt lưới và củng cố vững chắc thành bụng.
Mổ nội soi: là phương pháp hiện đại, ít xâm lấn nhưng phức tạp hơn so với mổ hở. Theo đó, bác sĩ sẽ tạo một vài vết cắt nhỏ ở vùng cần phẫu thuật, sau đó đưa các dụng cụ đặc biệt vào để bịt kín chỗ thoát vị.

Việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật nào tùy thuộc vào tình trạng bệnh và sức khỏe tổng quát của bệnh nhân. Căn cứ trên tình hình thực tế của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phẫu thuật phù hợp nhất.
8. Làm gì sau khi phẫu thuật thoát vị bẹn?
Sau khi thực hiện phẫu thuật, người bệnh cần nghỉ ngơi nhiều; tránh vận động quá sức và làm việc nặng; nên có chế độ dinh dưỡng tốt để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Cụ thể:
– Người bệnh nên sắp xếp công việc để nghỉ ngơi vài ngày ở nhà sau mổ.
– Đi lại nhẹ nhàng, tránh mang vác nặng; không chơi các môn thể thao cần nhiều sức; nên đi bộ để tăng cường lưu thông, giảm nguy cơ đông máu, đẩy nhanh tốc độ chữa lành cơ thể.
– Vệ sinh cá nhân: Người bệnh mổ thoát vị bẹn có thể tắm rửa sau mổ 2 ngày. Tuy nhiên, chỉ nên tắm vòi, không nên ngâm mình trong bồn tắm và cần cố gắng giữ cho vết mổ khô ráo.
– Ăn uống: Hãy duy trì một chế độ ăn uống giàu chất xơ tử các loại rau, củ, quả; uống nhiều nước để giúp ngăn chặn nguy cơ bị táo bón.
– Tái khám theo hẹn của bác sĩ để được kiểm tra sau mổ tốt nhất.
9. Phẫu thuật thoát vị bẹn tại Vĩnh Phúc ở đâu tốt nhất?
Phẫu thuật thoát vị bẹn khá phổ biến và hầu như ít rủi ro, có thể thực hiện được ở nhiều bệnh viện. Tuy nhiên khoảng 2% trường hợp bị tái phát trong vòng 3 năm. Ngoài ra còn có các biến chứng khác như: chảy máu, tổn thương ống dẫn tinh, đau tê ở vùng bẹn, nhiễm trùng vết mổ…
Để đảm bảo phẫu thuật hiệu quả, hạn chế tối đa nguy cơ tái phát, nhanh chóng phục hồi sức khỏe; người bệnh nên lựa chọn điều trị tại các bệnh viện uy tín.
Trung tâm y tế huyện Yên Lạc tự hào là địa chỉ đáng tin cậy về dịch vụ điều trị ngoại khoa với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm. Đặc biệt, nhiều kỹ thuật phẫu thuật tiên tiến đã được ứng dụng tại đây; giúp giảm thiểu thương tổn và rút ngắn đáng kể thời gian hồi phục, hạn chế tối đa rủi ro cho người bệnh.
Quý bệnh nhân có nhu cầu tư vấn sức khỏe trực tuyến, xin hãy liên hệ với Bác sĩ Luân. Số điện thoại/Zalo 0395621593 hoặc Fanpage Bác sĩ Luân – Bệnh viện Yên Lạc để được hỗ trợ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Luân