Ở Việt nam hiện nay, Molnupiravir đang là loại thuốc kháng virus dễ tiếp cận nhất cho toàn dân. Ước tính có khoảng 30% số bệnh nhân mắc Covid-19 phải dùng tới loại thuốc này. Tuy nhiên vì là sản phẩm mới và nhu cầu quá cao của cộng đồng nên có rất nhiều câu hỏi về Molnupiravir và việc mua bán chúng.
Câu hỏi 1: Molnupiravir là thuốc gì?
Đây là tên hóa học của hoạt chất vốn ban đầu được bào chế để chữa bệnh cúm; đưa vào cơ thể theo dạng viên uống. Nó ức chế khả năng phân chia của virus SARS-CoV-2 thông qua một cơ chế gọi là “đột biến tự diệt”.
Nói đơn giản, thuốc tấn công vào một loại enzym mà virus dùng để sao chép vật liệu di truyền. Từ đó làm cho bộ máy sản sinh của virus mắc sai lầm và tạo ra các bản sao bị lỗi không có khả năng nhân lên được nữa.

Câu hỏi 2: Thuốc Molnupiravir hiệu quả ra sao?
Theo Bộ Y tế, các kết quả báo cáo của chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát thuốc Molnupiravir tại 22 tỉnh/thành phố cho thấy thuốc này có tính an toàn cao, dung nạp tốt; hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị. Bệnh nhân có tỷ lệ chuyển nặng rất thấp.
Câu hỏi 3: Các loại thuốc kháng virus khác ở Việt nam ngoài Molnupiravir?
Remdesivir – loại thuốc kháng virus SARS-CoV-2 được truyền qua đường tĩnh mạch. Vì vậy việc điều trị chỉ thực hiện được trong bệnh viện và các cơ sở dã chiến điều trị Covid-19
Favipiravir là dạng viên uống, nên người bệnh có thể dùng được tại nhà. Mặc dù vậy hiện nay loại thuốc này chỉ được phân phối nội bộ trong các bệnh viện điều trị Covid; không có bán công khai ngoài thị trường.
Molnupiravir là loại thuốc kháng virus đường uống duy nhất hiện nay được phép bày bán tại các hiệu thuốc ở Việt Nam. Ngày 17/2/2022 đã có 3 loại Molnupiravir do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất được Cục quản lý dược cấp phép; đó là Molravir 400 của Công ty Cổ phần Dược phẩm Boston Việt Nam; Movinavir hàm lượng 200 mg của Công ty Cổ phần Hóa – dược phẩm Mekorpha; và Molnupiravir Stella 400 của Công ty TNHH Stellapharm. Thời gian tới có thể sẽ có thêm nhiều đơn vị khác được xem xét hồ sơ cấp phép.

Câu hỏi 4: Molnupiravir được sử dụng cho những đối tượng nào?
Thuốc được sử dụng cho bệnh nhân COVID-19; người lớn từ 18 tuổi trở lên mức độ nhẹ đến trung bình; và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.
Cụ thể, Molnupiravir được dùng cho bệnh nhân viêm đường hô hấp trên cấp tính với các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi; không có các dấu hiệu viêm phổi hoặc thiếu oxy; nhịp thở từ 20 lần mỗi phút trở xuống; SpO2 từ 96% trở lên khi thở khí trời.
Câu hỏi 5: Những đối tượng không được dùng Molnupiravir?
Thuốc Molnupiravir có cơ chế gây đột biến, làm gián đoạn sao chép RNA dẫn đến ức chế sự nhân lên của virus và một số tế bào lành khác. Việc sử dụng Monulpiravia được quy định rất chặt chẽ; có nhiều đối tượng không được sử dụng hoặc sử dụng thận trọng loại thuốc này trong điều trị COVID-19.
Đối với phụ nữ có thai và cho con bú:
Molnupiravir không được khuyến cáo sử dụng trong thời kỳ mang thai. Phụ nữ có khả năng mang thai nên sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.
Dựa trên khả năng xảy ra các phản ứng có hại cho trẻ sơ sinh từ Molnupiravir; không khuyến cáo cho con bú trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.
Đối với trẻ em và thanh thiếu niên:
Molnupiravir không được phép sử dụng cho bệnh nhân dưới 18 tuổi vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và sụn.
Đối với nam giới:
Molnupiravir có thể ảnh hưởng đến tinh trùng, mặc dù rủi ro được coi là thấp. Tuy vậy, nam giới hoạt động tình dục với phụ nữ có khả năng sinh đẻ nên sử dụng một phương pháp tránh thai tin cậy trong thời gian điều trị và ít nhất 3 tháng sau liều Molnupiravir cuối cùng.
Người có một số bệnh nền đặc biêt:
Người đang giai đoạn cấp mắc viêm gan B hoặc C, xơ gan, ung thư gan; viêm tuỵ cấp trong vòng ba tháng trước đó hoặc tiền sử viêm tuỵ mạn; tổn thương thận cấp hoặc suy thận nặng hoặc phải chạy thận nhân tạo… cũng chống chỉ định dùng thuốc.
Người bị suy gan nhẹ, suy thận mạn tính nhẹ có thể uống Monulpiravir; nhưng cần dùng một cách thận trọng.
Câu hỏi 6: Tác dụng phụ của Molupiravir?
Ngoài việc ảnh hưởng đến thai nhi, tinh trùng, xương sụn trẻ em; Molnupiravir còn có một số tác dụng phụ thường gặp khác như tiêu chảy, buồn nôn, chóng mặt, tăng men gan…
Một số ít người gặp biểu hiện như mẩn ngứa, bong da, nổi mụn nước, khò khè, nặng ngực, khó thở, khó nuốt, khàn giọng, sưng vùng mặt, miệng, môi, lưỡi và họng… Khi gặp phải một trong số các biểu hiện trên; người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ để được hướng dẫn xử trí.
Câu hỏi 7: Bệnh nhân không triệu chứng có nên dùng thuốc không?
F0 không triệu chứng thì không được dùng Molnupiravir vì những tác dụng phụ gây ra có thể lớn hơn lợi ích.
Câu hỏi 8: Nên bắt đầu uống thuốc sớm từ khi nào?
Nguyên lý dùng thuốc là dùng càng sớm càng tốt. Những người bị nhiễm COVID-19 sẽ cần phải bắt đầu uống thuốc kháng virus ít nhất trong vòng 5 ngày đầu kể từ khi có triệu chứng đầu tiên để đạt hiệu quả cao nhất.
Câu hỏi 9: Liệu trình điều trị Molnupiravir ra sao?
Liều thường dùng: 800 mg/lần (4 viên hàm lượng 200mg hoặc 2 viên hàm lượng 400mg), uống 2 lần/ngày, mỗi lần dùng cách nhau 12 tiếng. Thời gian điều trị kéo dài 5 ngày.
Thuốc Molnupiravir được sử dụng sau khi ăn, người bệnh chú ý uống cả viên thuốc, không nhai hoặc mở nắp nang
Câu hỏi 10: Sử dụng 3-4 ngày thấy khỏe hẳn, hết triệu chứng thì có cần tiếp tục uống thuốc?
Người bệnh mới uống một vài ngày; dù hết triệu chứng thì vẫn cần tiếp tục dùng thuốc đủ liệu trình 5 ngày trừ khi xuất hiện các chống chỉ định hoặc tác dụng phụ nặng.
Câu hỏi 11: Sử dụng thuốc quá 5 ngày có được không?
Molnupiravir không được sử dụng quá 5 ngày liên tiếp do những nguy cơ về tác dụng phụ tiềm ẩn
Câu hỏi 12: Có được uống thuốc khác khi đang dùng Molnupiravir hay không?
Hiện, các nhà nghiên cứu chưa ghi nhận tương tác thuốc nào giữa molnupiravir và các thuốc khác. F0 có bệnh lý nền vẫn có thể uống các thuốc điều trị như huyết áp, tiểu đường…, song song với việc dùng molnupiravir.
Câu hỏi 13: Có nên chia sẻ thuốc cho người nhà cũng là F0?
Tuyệt đối không chia sẻ thuốc. Chia sẽ cho người nhà dùng chung sẽ không đảm bảo về liều lượng hằng ngày cũng như thời gian dùng thuốc.
Người nhà là F0 nếu muốn uống thuốc phải đáp ứng đủ các điều kiện. Không được tự ý dùng thuốc khi chưa có sự tư vấn, chỉ định của bác sĩ.
Câu hỏi 14: Bệnh nhân quên uống một liều Molnupiravir thì sử dụng tiếp theo thế nào?
Liều dùng Molnupiravir được khuyến cáo hiện nay là 800mg mỗi 12 giờ. Nếu quên một liều so với thời điểm cần sử dụng thuốc, cần lưu ý hai trường hợp:
Thứ nhất, nếu quên trong vòng 10 giờ thì uống ngay khi có thể và tiếp tục uống thuốc theo chế độ liều thông thường.
Thứ hai, nếu quên quá 10 giờ thì không uống nhắc lại; bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp theo lịch trình cho đủ lộ trình 5 ngày. Không dùng gấp đôi liều để bù lại liều đã quên.
Câu hỏi 15: Bệnh nhân đã sử dụng đủ liệu trình, sau khi xét nghiệm âm tính có cần tuân thủ 5K không?
Cần tiếp tục thực hiện nghiêm 5K như trước để tránh tái nhiễm, lây nhiễm khác. Thực tế hiện nay ghi nhận nhiều người đã khỏi bệnh vẫn tái dương một vài lần.
Câu hỏi 16: Nếu đang dùng thuốc mà bệnh chuyển nặng hơn thì thế nào?
F0 khi chuyển nặng hơn phải được các bác sĩ khám và tư vấn. Nếu cần sử dụng thuốc kháng viêm, kháng đông hoặc thuốc kháng virus khác thì sẽ ngưng dùng Molnupiravir.
Bệnh nhân cần nhập viện đã được khởi trị Molnupiravir trước đó có thể tiếp tục sử dụng thuốc để hoàn thành phác đồ điều trị 5 ngày tùy theo quyết định của bác sĩ điều trị.
Câu hỏi 17: Molnupiravir có thay thế được vắc xin để phòng bệnh hay không?
Không.
Bản chất của vắc xin và thuốc kháng virus là hoàn toàn khác nhau. Vắc xin được sản xuất để phòng bệnh cho những người chưa mắc; còn thuốc kháng virus ra đời để điều trị cho những người đã bị bệnh.
Trong cuộc chiến chống virus; vắc xin được ví như “tấm khiên” còn thuốc kháng virus được ví như “thanh gươm”. Vai trò của chúng là không thể thay thế cho nhau. Không được sử dụng thuốc kháng virus với mục đích phòng bệnh thay cho vắc xin.
Vắc xin vẫn là lá chắn hiệu quả nhất chống lại Covid-19. Do ca nhiễm luôn xuất hiện kể cả khi tỉ lệ tiêm ngừa đã cao; các liệu pháp kháng virus sẽ đóng vai trò quan trọng giảm thiểu bệnh nặng; nhất là ở người lớn tuổi và có hệ miễn dịch yếu.
Câu hỏi 18: Liệu thuốc kháng virus có chống lại được các biến thể Delta và Omicron hay các biến thể khác mới có của COVID-19 không?
Với vắc xin, khả năng phòng bệnh luôn bị thách thức mỗi khi có chủng mới xuất hiện. Trong khi đó ngược lại; các loại thuốc kháng virus luôn được các chuyên gia tin tưởng hiệu quả cao chống lại mọi loại đột biến.

Câu hỏi 19: Thuốc Molnupiravir có gây yếu sinh lý như lời đồn?
Do thuốc hoạt động bằng cách đưa các đột biến gene vào trong virus RNA nên rất có thể nó cũng đưa luôn các đột biến vào trong DNA của tế bào. Điều này có thể khiến trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh. Do đó thuốc chống chỉ định cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Nữ giới trong giai đoạn sinh sản đều được hướng dẫn các biện pháp tránh thai khi uống thuốc và ít nhất 4 ngày sau khi ngừng thuốc Molnupiravir.
Riêng đối với phái mạnh phải có biện pháp tránh thai ít nhất là 3 tháng sau liều cuối cùng vì thuốc có thể ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của tinh trùng.
Việc dư luận lan truyền về tác dụng có hại của thuốc Molnupiravir ảnh hưởng đến sinh lý của người dùng chính là xuất phát từ nguyên nhân này.
Như vậy về mặt sinh sản có thể thấy Molnupiravir chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai và tinh trùng chứ không gây suy giảm ham muốn hay khả năng năng quan hệ tình dục.
Câu hỏi 20: Các thuốc kháng virus trôi nổi trên thị trường hiện nay?
Do nhu cầu của thị trường quá lớn; hiện nay có nhiều loại thuốc được quảng cáo trên mạng xã hội và kênh online là thuốc kháng virus. Chúng được sản xuất và có nhãn mác theo tiếng nước ngoài (Nga hoặc Trung Quốc); vỏ màu xanh hoặc đỏ. Đây là những sản phẩm “xách tay” (nhập khẩu không chính thức) hoặc nhập lậu vào Việt Nam; chưa được Bộ Y tế cấp phép. Các chuyên gia cho rằng sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, chất lượng, vừa sai về mặt pháp lý do thuốc không được cấp phép lưu hành; vừa nguy hại tới tính mạng khi dùng không đúng chỉ định; vừa tạo cơ hội cho người bán trục lợi cá nhân.
Câu hỏi 21: Giá bán của 3 loại thuốc kháng virus Molnupiravir được cấp phép tại Việt Nam?
Theo công bố của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế); thuốc Molravir 400 (hoạt chất Molnupiravir 400mg) của Công ty CP Dược phẩm Boston Việt Nam được bào chế dạng viên nang cứng có giá là 11.500 đồng/viên. Dạng hộp có 1, 2, 5 vỉ x 10 viên/vỉ.
Giá của thuốc Movinavir (Molnupiravir 200 mg) dạng viên nang của Công ty Cổ phần hóa – dược phẩm Mekophar có giá 8.675 đồng/viên. Dạng hộp 10 vỉ x 10 viên.
Giá của thuốc Molnupiravir Stella 400mg (Molnupiravir 400 mg) của Công ty TNHH liên doanh Stellapharm chi nhánh 1; có giá 12.500 đồng/viên (dạng viên nang cứng). Mỗi hộp 1 vỉ hoặc 2 vỉ x 10 viên.
Nhìn chung một liệu trình 5 ngày thuốc kháng virus hợp pháp ở Việt Nam chỉ khoảng trên dưới 300.000 VNĐ; thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới và các thuốc trôi nổi.

Câu hỏi 22: Thủ tục mua thuốc Molnupiravir ở nhà thuốc Long Châu?
Hiện tại, có hai loại thuốc điều trị F0: Molnupiravir 400Mg Stella và Molravir 400Mg Boston đã có ở gần 500 nhà thuốc FPT Long Châu trên toàn quốc. Mức giá bán tại Long Châu chỉ 250.000đ/ hộp cho 1 liệu trình.
Thủ tục mua yêu cầu khách hàng phải ra tận nhà thuốc đồng thời mang theo: Toa thuốc bác sĩ có kê Molnupiravir + Giấy chứng nhận Covid ở Xã/Phường + Giấy xét nghiệm PCR hoặc Clip quay test 2 vạch.
Quý bệnh nhân có nhu cầu tư vấn sức khỏe trực tuyến, xin hãy liên hệ với Bác sĩ Luân. Số điện thoại/Zalo 0395621593 hoặc Fanpage Bác sĩ Luân – Bệnh viện Yên Lạc để được hỗ trợ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Luân