Sốt là triệu chứng khá thường gặp ở bệnh nhân Covid-19. Ở trẻ em khi sốt cao có thể dẫn đến những biến chứng như co giật, mất nước điện giải, suy kiệt… Hiểu rõ được bản chất của sốt và có thái độ xử lý phù hợp là việc làm rất quan trọng. Sau đây là hướng dẫn điều trị sốt do Covid-19 tại nhà.
1. Sốt là gì? Trên bao nhiêu độ được coi là sốt?
Sốt là hiện tượng tăng thân nhiệt của cơ thể vượt quá giới hạn bình thường.
Mặc dù có nhiều nguồn khác nhau quy định mốc trên bao nhiêu độ và đo ở vị trí nào được coi là sốt. Nhưng trên thực tế áp dụng tại cộng đồng, các bác sĩ thường lấy mốc trên 37,5 độ C đo ở nách sẽ là sốt.

2. Bản chất của sốt do Covid-19
Nhiệt độ cơ thể được xác định bởi sự cân bằng giữa việc sinh nhiệt ở mô, và sự thải nhiệt ra ngoại vi. Quá trình này được điều khiển bởi trung tâm điều nhiệt nằm ở vùng dưới đồi trong não và duy trì nhiệt độ quanh 37 độ C.
Sốt xảy ra khi có các tác nhân (ở đây là virus SARS-CoV-2) xâm nhập. Từ đó kích hoạt cơ thể khởi động một loạt chuỗi phản ứng tác động lên trung tâm điều nhiệt. Trung tâm điều nhiệt sẽ chỉ huy co mạch, ngăn cản dòng máu từ sâu bên trong đi ra ngoại vi dẫn đến giảm mất nhiệt; đôi khi có run, gây tăng sinh nhiệt. Mọi thứ tiếp tục cho đến khi nhiệt độ cơ thể tăng đến một ngưỡng nhất định.
Bản chất của sốt là một phản ứng có lợi; làm tăng các phản ứng sinh hóa, tăng các đáp ứng miễn dịch; tăng cường huy động tế bào… giúp đẩy nhanh quá trình tiêu diêt, đào thải virus.
3. Tác hại của sốt do Covid
Những tác hại của sốt thường xảy ra ở trẻ em khi sốt quá cao hoặc kéo dài.
Biến chứng điển hình:
– Co giật do sốt
– Mất nước, rối loạn điện giải
– Chán ăn, suy kiệt
– Rối loạn thần kinh: Bồn chồn, vật vã, kích thích, mê sảng, li bì…
4. Các dấu hiệu có thể kèm theo sốt
– Rùng mình, ớn lạnh, rét run
– Đau đầu, đau cơ, đau khớp, đau hốc mắt…
– Da ẩm, nóng, vã mồ hôi
– Chán ăn, buồn nôn, nôn
– Nhịp tim nhanh, đánh trống ngực (cảm giác tim đập nhanh và mạnh)
– Trẻ nhỏ vật vã, quấy khóc…
5. Thái độ xử lý khi bị sốt do Covid-19 tại nhà
Theo khuyến cáo của Bộ y tế, chọn mốc 38,5 độ C để điều trị sốt tại nhà theo hai hướng khác nhau.
– Nếu nhiệt độ nhỏ hơn 38,5 độ C: Điều trị theo hướng không dùng thuốc
– Nếu nhiệt độ lớn hơn 38,5 độ C: Điều trị bằng các thuốc hạ sốt thông thường
6. Điều trị sốt khi nhiệt độ nhỏ hơn 38,5 độ C
Các biện pháp cơ bản bao gồm:
Mặc đồ thoáng mát, nới bỏ quần áo cho trẻ nhỏ
Tạo môi trường thông thoáng, mở cửa sổ để lưu thông không khí
Tăng cường bổ sung nước giúp làm mát cơ thể và ngăn ngừa mất nước. Khuyến khích uống nhiều nước như cam, dừa, dưa hấu…, uống càng nhiều càng tốt. Uống Oresol theo nhu cầu. Với trẻ nhỏ thì tăng cường bú mẹ.
Kẹp nhiệt độ liên tục để phát hiện và hành động kịp thời nếu nhiệt độ vượt 38,5 độ C. Với người lớn từ 1 đến 2 tiếng kẹp 1 lần; với trẻ em từ 30 phút đến 1 tiếng kẹp 1 lần.

7. Điều trị sốt khi nhiệt độ lớn hơn 38,5 độ C
Đối với người lớn:
Khi thân nhiệt trên 38.5 độ C hoặc có kèm đau nhức người, đau đầu thì có thể uống 1 – 1,5 viên Paracetamol 500mg để hạ sốt. Liều hạ sốt này có thể lặp lại sau 4 – 6 giờ nhưng không được quá 4 – 6 viên/ngày.
Người bệnh có thể uống Oresol khi ăn giảm/kém hoặc dùng dung dịch này để uống thay cho nước sôi theo nhu cầu hằng ngày.

Đối với trẻ em:
Khi thân nhiệt đo được trên 38.5 độ C thì cho trẻ uống thuốc hạ sốt có thành phần Paracetamol liều lượng 10 – 15mg/kg/lần, lặp lại sau 4 – 6 giờ nếu vẫn còn sốt và không vượt quá 4 lần/ngày.
Tăng cường bổ sung nước Oresol phù hợp với độ tuổi:
– Trẻ lớn: Uống theo nhu cầu
– Trẻ trên 1 tuổi: Uống 5 – 15ml/5phút
– Trẻ dưới 1 tuổi: Uống 5 – 10ml/5phút
– Trẻ bú mẹ: Tăng cường bú mẹ. Lưu ý không nên pha Oresol vào trong sữa mẹ cho trẻ uống cùng lúc.

8. Làm gì khi trẻ không uống được thuốc?
Trường hợp trẻ khó uống thuốc (trẻ không hợp tác hoặc uống thuốc xong nôn ngay) thì cha mẹ có thể dùng thuốc hạ sốt dạng đặt hậu môn với liều lượng tương tự như thuốc uống.

9. Làm gì sau 30 phút uống thuốc mà nhiệt độ chưa hạ?
Sau khoảng 30 – 40 phút uống thuốc, nếu nhiệt độ cơ thể vẫn còn rất cao, bệnh nhân khó chịu, trẻ em có nguy cơ co giật; lúc này ta sẽ tiến hành biện pháp chườm ấm tích cực. (Xem thêm phần 12. Kỹ năng chườm ấm khi sốt do Covid)
10. Bổ sung thuốc gì sau 1-2 giờ nếu chưa cắt sốt?
Sau khoảng 1 – 2 giờ sau khi dùng Paracetamol, nếu vẫn còn sốt cao chưa cắt; ta có thể dùng thêm Ibuprofen liều 10 mg/kg (khi không có chống chỉ định), mỗi lần dùng cách nhau 6 – 8 tiếng.
Không khuyến khích việc dùng thuốc xen kẽ này quá nhiều vì nguy cơ phải chịu tác dụng phụ hiệp đồng của 2 loại thuốc.

11. Kỹ năng đo nhiệt độ khi sốt do Covid-19
Với người lớn khi sốt cần đo nhiệt độ khoảng 1 – 2 tiếng/lần. Với trẻ em nhiệt độ có thể thay đổi nhanh chóng (VD từ 38 lên 40 độ C trong một thời gian rất ngắn), biến chứng do sốt ở trẻ em cũng nghiêm trọng hơn, do vậy cần đo nhiệt độ sát sao hơn. Trẻ sốt trên 38,5 độ C sẽ đo sau khoảng mỗi 30 phút – 1 tiếng; trẻ sốt có nguy cơ co giật hoặc đã co giật thì 15 – 30 phút đo một lần.
Trên thị trường có nhiều loại nhiệt kế khác nhau. Loại nhiệt kế điện tử bấm trán ưu điểm đo nhiệt độ rất nhanh, thích hợp cho chỗ công cộng dùng nhiều người một lúc. Nhược điểm phụ thuộc vào linh kiện điện tử và chất lượng các máy cũng khó tin tưởng. Trong không gian gia đình, sử dụng nhiệt kế thủy ngân là chính xác và hiệu quả hơn cả.

Có nhiều vị trí để đo nhiêt độ: đo ở miệng, đo ở hậu môn và đo ở nách. Đo ở nách là dễ dàng nhất và cũng nên đo tại nhà ở vị trí này để theo dõi sốt.
Các bước kẹp nhiệt độ:
– Trước khi kẹp ở nách cần vảy nhiệt kế sao cho mốc thủy ngân ở dưới 35 độ C
– Đặt đầu nhọn nhiệt kế vào giữa hõm nách sau đó khép tay lại. Giữ nhiệt kế ở đúng vị trí, tránh làm tuột ra. Thời gian đo tối thiểu từ 3 đến 5 phút. Sức nóng ở nách sẽ làm mốc thủy ngân dâng lên từ dưới 35 độ lên đến mức bằng với nhiệt độ cơ thể.
12. Kỹ năng chườm ấm khi sốt do Covid
Chườm ấm là việc ta bôi một lượng nước lên mặt da; từ đó nhiệt lượng ở da sẽ truyền sang nước. Khi nước bốc hơi sẽ lấy đi lượng nhiệt này. Chườm ấm đúng kỹ thuật và tích cực thì nhiệt độ sẽ hạ rất nhanh.
Bản chất của chườm ấm là biện pháp bên ngoài làm tăng thải nhiệt mà không tác động đến trung tâm điều nhiệt ở não. Vì vậy sau khi ngừng chườm nhiệt độ sẽ tăng trở lại cũng rất nhanh; bằng hoặc vượt nhiệt độ sốt lúc trước chườm nếu không dùng thuốc.
Theo các chuyên gia khuyến cáo chườm ấm chỉ nên thực hiện sau khi uống thuốc hạ sốt khoảng 30-40 phút mà nhiệt độ cơ thể vẫn rất cao; bệnh nhân khó chịu, trẻ em có nguy cơ co giật. Biện pháp này sẽ kéo dài thời gian chờ đợi cho thuốc hạ sốt phát huy hết tác dụng.
Các bước chườm ấm:
– Trước khi chườm nên mặc quần áo thoáng mát, có thể cởi bỏ quần áo với trẻ nhỏ. Tiến hành ở nơi thông thoáng, tránh gió lùa.
– Pha nước ấm với nhiệt độ thấp hơn thân nhiệt người bệnh khoảng 2 – 4 độ C. Tuyệt đối không dùng nước lạnh để chườm. Chườm lạnh sẽ làm co mạch ngoại vi, nổi da gà, cản trở máu lưu thông từ trung tâm ra ngoài, dẫn đến ngăn cản nhiệt từ sâu bên trong cơ thể đi đến bề mặt da. Thậm chí chườm lạnh có thể dẫn đến phản ứng rét run gây tăng sinh nhiệt. Tóm lại chườm lạnh chỉ làm giảm nhiệt ở ngoài da, ít làm hạ nhiệt độ chung của toàn cơ thể.
– Sử dụng khăn mềm vắt nước ấm đã pha; ưu tiên lau tích cực lên các vị trí như trán, cổ, nách, bẹn; đây là những vị trí ở gần trung tâm cơ thể hơn. Hạn chế lau ở lưng, bụng, đùi vì có thể gây hiện tượng co mạch như đã nói ở trên.
– Với trẻ nhỏ cần lau nhẹ nhàng, tránh chà xát, đau rát, mẩn đỏ. Sau 15 – 30 phút, đo lại thân nhiệt bệnh nhân.

13. Kỹ năng pha và cho uống Oresol
Khi sốt cao cơ thể sẽ bị mất nước và điện giải gây mệt mỏi, suy kiệt. Oresol là hỗn hợp khi uống vào người, ngoài bổ sung nước, chúng còn cung cấp cả các điện giải như K, Na, Cl…
Mỗi 1 gói Oresol pha cần tuân thủ đúng tỷ lệ nước ghi trên bao bì để đảm bảo nồng các khoáng chất được chính xác.
Uống nước Oresol theo khuyến cáo hoặc theo nhu cầu tùy từng trường hợp sốt.
Chỉ sử dụng dung dịch pha này tròng vòng 24 giờ. Nếu sau 24 giờ uống không hết thì cần đổ bỏ vì nguy cơ biến chất và nhiễm khuẩn của nước Oresol.
Vị của nước Oresol hơi mặn và lợ, nên cho uống từ từ ít một để giảm sự kích thích buồn nôn do không hợp khẩu vị.
Khi cho trẻ nhỏ uống, nên dùng cách đổ thìa, không nên bú bình. Với bú bình, ngoài rít nước ra trẻ cũng rít cả hơi vào trong bụng. Khi số lượng bổ sung lớn sẽ rất dễ gây nôn trớ, không đảm bảo liều lượng.

14. Xử lý trẻ em co giật do sốt cao tại nhà
Khi trẻ lên cơn co giật do sốt cao, cha mẹ cần bình tĩnh thực hiện một số bước theo hướng dẫn:
Bước 1: Đặt trẻ nằm xuống giường hoặc nơi bằng phẳng, thoáng mát; tránh các vật cứng, vật sắc nhọn gây nguy hiểm. Cho trẻ nằm nghiêng sang một bên để tránh trường hợp trẻ nôn, chất nôn sẽ đi vào đường hô hấp.
Bước 2: Nới lỏng quần áo hoặc cởi bỏ bớt quần áo.
Bước 3: Tuyệt đối không dùng vật cứng ngáng miệng trẻ có thể gây gãy răng, chảy máu, dập môi. Để đề phòng con trẻ cắn chặt hàm có thể dùng khăn gạc mềm đặt giữa hai hàm răng.
Bước 4: Chườm ấm đúng kỹ thuật và tích cực sẽ giúp hạ thân nhiệt nhanh chóng.
Bước 5: Hồi cứu lại thời gian và liều lượng đã dùng các thuốc hạ sốt. Xem đã đủ thời gian và liều lượng chưa:
– Paracetamol có thể từ 4-6 tiếng dùng 1 lần, mỗi lần dùng với liều 10-15mg/kg
– Ibuprofen có thể từ 6-8 tiếng dùng 1 lần, mỗi lần dùng liều 10mg/kg
Nếu chưa đủ liều hoặc đã đủ khoảng cách giữa các lần dùng hoặc cần xen kẽ 2 loại thuốc trên thì tiến hành dùng thuốc luôn cho trẻ bằng viên đặt hậu môn.
Tuyệt đối không đổ bất cứ nước uống, thuốc vào miệng trẻ khi đang lên cơn co giật vì trẻ sẽ dễ hít sặc vào đường thở.
Bước 6: Gọi hỗ trợ, liên hệ với bác sĩ hoặc chuyển trẻ đến cơ sở y tế để xử lý tiếp theo.
15. Tiến triển của sốt do Covid-19
Thường thì sốt do Covid-19 chỉ kéo dài khoảng 2-5 ngày. Nếu thời gian sốt quá lâu thì nguy cơ bội nhiễm nấm, vi khuẩn hay mắc bệnh lý kèm theo là tương đối cao. Do đó, khi đã dùng thuốc hạ sốt và các biện pháp hạ thân nhiệt như đã khuyến cáo mà cơn sốt vẫn dai dẳng, kéo dài; tốt nhất người bệnh nên liên hệ ngay với lực lượng y tế để có biện pháp chăm sóc tiếp theo.
Nói chung, người bệnh nên trang bị kiến thức để biết nhận diện đúng sốt Covid bao nhiêu độ và dùng thuốc đúng liều lượng. Thường thì nếu các triệu chứng của bệnh chỉ ở mức trung bình hoặc nhẹ thì bệnh có thể tự khỏi trong khoảng 1 tuần. Có khoảng 10% trường hợp vẫn còn những triệu chứng mệt mỏi, sốt, tiêu chảy, ho,… vào tuần thứ hai.
Bệnh Covid-19 diễn tiến rất khó đoán, nhất là ở nhóm bệnh nhân cao tuổi có bệnh nền. Các triệu chứng lâm sàng có thể thay đổi từ không có triệu chứng sang triệu chứng nặng và nguy kịch rất nhanh.
Quý bệnh nhân có nhu cầu tư vấn sức khỏe trực tuyến, xin hãy liên hệ với Bác sĩ Luân. Số điện thoại/Zalo 0395621593 hoặc Fanpage Bác sĩ Luân – Bệnh viện Yên Lạc để được hỗ trợ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Luân