Bộ Y tế đang đàm phán với các đơn vị để cung ứng cho Việt Nam trong năm 2022 theo nguyên tắc đảm bảo tiêm đủ vắc xin Covid-19 cho toàn bộ dân số từ 5 tuổi trở lên và thực hiện việc tiêm nhắc lại theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)
1. Thực trạng trẻ em mắc Covid-19 hiện nay
Thời gian qua, đặc biệt trong làn sóng dịch Covid-19 thứ 4, đã có nhiều trẻ em trở thành F0, F1, phải điều trị Covid-19 hoặc cách ly y tế. Tỉ lệ trẻ mắc Covid-19 trong đợt dịch thứ 4 khá cao so với những đợt dịch trước.
Theo số liệu tổng hợp của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến 1.9, cả nước có gần 40.000 trẻ em là F0 và F1, trong đó có hơn 11.800 trẻ em là F0. Trong đó, TP.HCM là địa phương có số trẻ em là F0 và F1 cao nhất cả nước, với khoảng hơn 3.000 trẻ. Còn tại Hà Nội, khoảng 5% tổng số ca mắc Covid-19 là trẻ em 0-5 tuổi.
2. Quyết định của Bộ Y tế về tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em
Liên quan đến vấn đề vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em, ngày 6.9, Bộ Y tế đã có văn bản hoả tốc số 7355/BYT-DP gửi Văn phòng Chính phủ về việc trả lời đề xuất, kiến nghị tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo với Thủ tướng tại Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021.
Theo đó, Bộ Y tế cho biết cơ quan này đang tích cực tìm nguồn vắc xin Covid-19. Nhưng hiện nay, do nguồn cung vắc xin còn hạn chế, Việt Nam mới tập trung tiêm chủng cho nhóm ưu tiên theo nghị quyết 21 và người từ 18 tuổi trở lên.
Khi có vắc xin đủ nhiều, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn mới. Lúc đó, bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phê duyệt danh sách đối tượng tiêm cụ thể, trong đó có đối tượng dưới 18 tuổi bao gồm học sinh.
3. WHO giải thích vì sao chưa tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em
Tai hội nghị hội trực tuyến đánh giá và triển khai một số giải pháp bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em trong đại dịch Covid-19 do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức mới đây, chuyên gia của WHO tại Việt Nam cho biết các thử nghiệm vắc xin cho trẻ em đang tiếp tục được triển khai. WHO sẽ cập nhật khuyến nghị khi có những bằng chứng hoặc tình hình dịch tễ học cần thiết, phù hợp để thay đổi chính sách. Hầu hết trẻ em có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong thấp. Việc tiêm chủng cho trẻ em chủ yếu với mục đích giảm sự lây truyền.
WHO khuyến nghị có thể giảm sự lây nhiễm bệnh thông qua các biện pháp y tế công cộng như: Giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc người khác; không tập trung đông người và tránh tiếp xúc gần, ở nơi thông thoáng khí; đeo khẩu trang đúng cách; rửa tay thường xuyên; hắt hơi, ho vào khuỷu tay hoặc khăn giấy, sau đó loại bỏ ngay khăn.
4. Dự kiến tiếp nhận thêm 103.4 triệu liều vắc xin trong năm nay
Theo Bộ Y tế, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 34 triệu liều vắc xin Covid-19, trong đó 27 triệu liều đã tiêm. Về kết quả tiêm mũi 1 cho nhóm từ 18 tuổi trở lên, theo số liệu do Bộ Y tế cung cấp: Đến nay TP.HCM đã tiêm 7,4 triệu liều (đạt 100%); Bình Dương 1,5 triệu liều (đạt 82%); Đồng Nai 1,3 triệu liều (60%); Long An đã tiêm 1,5 triệu liều (đạt 100%); Hà Nội 4,4 triệu liều (77%). Riêng số mũi 2 đã tiêm được tại TP.HCM là 896.835 liều (13%) và Hà Nội là 555.481 liều (10%).
Bộ Y tế dự kiến sẽ có khoảng 103,4 triệu liều vắc xin Covid-19 về Việt Nam từ nay đến hết năm.

5. Kế hoạch Việt Nam sẽ tiêm vắc xin Covid-19 cho toàn bộ dân số từ 5 tuổi vào năm 2022
Bộ tiếp tục đàm phán với các đơn vị để cung ứng vắc xin Covid-19 cho Việt Nam trong năm 2022 theo nguyên tắc đảm bảo tiêm đủ cho toàn bộ dân số từ 5 tuổi và thực hiện việc tiêm nhắc lại theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết “Chúng tôi dự kiến mua vắc xin cho trẻ từ 5 tuổi trở lên để đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch đối với toàn dân trên nguyên tắc vắc xin về nhiều nhất, nhanh nhất”, ông nói.
Quý bệnh nhân có nhu cầu tư vấn sức khỏe trực tuyến, xin hãy liên hệ với Bác sĩ Luân, Số điện thoại /Zalo 0395621593 hoặc Fanpage Bác sĩ Luân – Bệnh viện Yên Lạc.
Bác sĩ Nguyễn Văn Luân