Phác đồ cấp cứu đuối nước ở trẻ em – Bệnh viện Nhi đồng 1

Đuối nước là tai nạn thường gặp ở trẻ em. Sau đây là Phác đồ cấp cứu đuối nước ở trẻ em do Bệnh viện Nhi đồng 1 phát hành năm 2020.

1. Đại cương đuối nước trẻ em

Nước vào phổi làm thay đổi surfactan gây xẹp phổi, phù phổi, suy hô hấp, thiếu oxy não, dẫn đến phù não và tăng áp lực nội sọ. Khoảng 10% trẻ ngạt nước không cố hít nước vào phổi do phản xạ co thắt thanh môn.

Tiên lượng tùy thuộc vào thời gian chìm trong nước và biện pháp sơ cứu.

Phác đồ cấp cứu đuối nước ở trẻ em - Bệnh viện Nhi đồng 1

2. Chẩn đoán đuối nước trẻ em

Công việc chẩn đoán:

Hỏi bệnh:

• Hoàn cảnh phát hiện, loại nước gây đuối nước (mặn, ngọt, độ dơ).

• Thời gian chìm trong nước.

• Tình trạng trẻ lúc đưa ra khỏi mặt nước.

• Sơ cứu ban đầu.

Lâm sàng:

• Đường thở thông hay không, nhịp thở, mức độ khó thở, mạch, huyết áp, nhiệt độ.

• Phổi: ran phổi, phù phổi.

• Tri giác.

• Khám thần kinh: lưu ý chấn thương đầu và cột sống cổ.

Cận lâm sàng :

• Công thức máu.

• lon đồ.

• X-quang phổi.

• Khí máu: nếu hôn mê, suy hô hấp.

3. Phác đồ điều trị cấp cứu đuối nước trẻ em

Nguyên tắc điều trị:

• Hồi sức tim phổi cơ bản.

• Điều trị triệu chứng và biến chứng.

• Phòng ngừa và điều trị bội nhiễm.

Sơ cứu ban đầu:

• Ngay khi vớt nạn nhân khỏi mặt nước lập tức thực hiện hồi sức cơ bản: thổi ngạt, ấn tim. Không tốn thời gian cho việc sốc nước. Động tác hồi sức cơ bản phải được tiến hành tiếp tục trên đường vận chuyển.

• Tất cả các trường hợp đuối nước cần được đưa đến cơ sở y tế.

• Các trường hợp cần nhập viện:

– Bệnh nhân ngưng thở hoặc có hồi sức cơ bản ngay khi vớt lên.

– Thời gian chìm trong nước lâu.

– Suy hô hấp hoặc hôn mê.

Điều trị tại bệnh viện:

Bệnh nhân tỉnh, không khó thở:

Do có khả năng xuất hiện suy hô hấp thứ phát, cần được theo dõi tại bệnh viện trong 24 giờ.

Bệnh nhân tỉnh kèm khó thở (thở nhanh, có lõm ngực):

• Cung cấp Oxygen, duy trì SaO2 > 95%.

• Thở CPAP nếu thất bại oxy, hoặc phù phổi.

Bệnh nhân hôn mê có hoặc không ngưng thở

• Thông đường thở, hỗ trợ hô hấp:

Cho thở oxy duy trì SaO2 92-96%.

Thở CPAP nếu thất bại với oxy hoặc phù phổi.

Đặt nội khí quản giúp thở với PEEP từ 4-10 cm nước.

• Điều trị phù phổi (xem phác đồ phù phổi cấp).

• Điều trị sốc: cần đo CVP để quyết định điều trị. Giữ CVP từ 7 – 10 cm nước

CVP thấp < 5 cm nước: truyền Lactated Ringer 20ml/kg/giờ, nếu thất bại truyền cao phân tử.

CVP bình thường: thuốc vận mạch Dopamine, Dobutamine. Nếu còn sốc, xem xét thêm Hydrocortiosne 1 mg/kg/lần mỗi 6 giờ

• Đặt sonde dạ dày mục đích: Lấy bớt dịch dạ dày để giảm hít sặc, chướng bụng và giảm nguy cơ nhiễm trùng tiêu hóa trong trường hợp nước bẩn.

• Điều trị khác:

Điều chỉnh Natri máu, đường huyết

Điều trị phù não

Điều trị co giật (xem phác đổ điều trị co giật)

Ủ ấm

Kháng sinh: Do nguy cơ nhiễm trùng phổi cao trong các trường hợp nặng nên cho kháng sinh phổ rộng: Cefotaxime.

Theo dõi:

Theo dõi tri giác, mạch, huyết áp, nhịp thở, monitoring nhịp tim, SaO2, CVP (nếu có sốc), mỗi giờ đến khi ổn định và sau đó mỗi 2 giờ trong ít nhất 24 giờ. Đặt sonde dẫn lưu dạ dày theo dõi

Giáo dục và phòng ngừa:

• Cẩn thận với các dụng cụ chứa nước sinh hoạt trong gia đình

• Tập bơi

• Hướng dẫn các động tác sơ cứu ngưng thở ngưng tim cho cộng đồng.

Quý bệnh nhân có nhu cầu tư vấn sức khỏe trực tuyến, xin hãy liên hệ với Bác sĩ Luân. Số điện thoại/Zalo 0395621593 hoặc Fanpage Bác sĩ Luân – Bệnh viện Yên Lạc để được hỗ trợ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Luân

Viết một bình luận