Phác đồ điều trị ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat ở trẻ em – BV Nhi đồng 1

Paraquat (Gramoxone) là hóa chất cực độc có trong một số thuốc diệt cỏ. Ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat là tình trạng cấp cứu. Sau đây là Phác đồ điều trị ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat ở trẻ em do Bệnh viện Nhi đồng 1 phát hành năm 2020.

Phác đồ điều trị ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat ở trẻ em - BV Nhi đồng 1

Ngộ độc Paraquat thường do tự tử. Liều độc tương ứng 4 – 5 ml dung dịch 20% ở trẻ em, 10-15 mL dung dịch 20% ở người lớn. Độc chất vào máu sau vài phút nhanh chóng gắn vào nhu mô phổi làm hoại tử tế bào, gây xơ phổi bất phục hồi và tử vong. Ngoài ra còn có thể gây suy thận và suy gan. Paraquat được thải quá thận, khoảng 90% dạng không đổi được thải qua thận sau 24 giờ.

1. Chẩn đoán ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat ở trẻ em

Lâm sàng:

• Uống Paraquat hoặc thuốc diệt cỏ màu xanh.

• Dấu hiệu sớm ngay khi uống:

Loét niêm mạc miệng, nuốt đau.

Nặng: tổn thương đa cơ quan: suy hô hấp, trụy mạch, hôn mê. Tử vong sau vài giờ đến vài ngày

• Dấu hiệu muộn thường sau 1 tuần:

Suy hô hấp do xơ phổi.

Suy thận cấp: thiểu niệu.

Suy gan: vàng da, gan to.

Cận lâm sàng:

• Định tính nhanh Paraquat trong dịch dạ dày, nước tiểu bằng sodium dithionite 1% với Paraquat kit test hoặc lấy 1 thể tích nước tiểu đựng trong chai nhựa, thêm vào 0,5 thể tích dung dịch 1 % sodium dithionite với 1 thể tích normal sodium hydroxyde (0,1 N NaOH). Kết quả dương tính nếu giấy hoặc dung dịch biến thành màu xanh.

• Định lượng Paraquat máu: tỷ lệ sống cao khi nồng độ trong huyết tương không quá 2.0, 0.9 và 0.1 mg/L ở các thời điểm 4, 6, 24 giờ sau khi uống.

• Chức hăng gan, thận.

• X-quang phổi.

• Siêu âm tim đo áp lực động mạch phổi.

• Khí máu khi có suy hô hấp.

• Điện tim đồ khi rối loạn nhịp tim.

2. Phác đồ điều trị ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat ở trẻ em

• Hiện chưa có chất đối kháng.

• Rửa dạ dày sớm hoặc gây nôn ngay khi phát hiện ngộ độc trước khi Paraquat vào máu. Tiên lượng phụ thuộc vào thời gian từ lúc ngộ độ đến khi được loại bỏ chất độc.

• Fuller’s earth 15-30%, liều 1-2 g/kg phối hợp thuốc nhuận trường thẩm thấu như Mannitol 10% liều 0,2 g/kg bơm qua sonde dạ dày mỗi 4-6 giờ cho đến khi xuất hiện các chất này trong phân. Nếu không có Fuller’s earth thì dùng than hoạt.

• Tăng thải độc chất qua thận: Truyền dịch duy trì lượng nước tiểu trên 2 ml/kg/giờ. Nếu thiểu niệu cho Furosemide 1-2 mg/kg TMC.

• Loại bỏ độc chất từ máu: chỉ hiệu quả trong 6 – 12 giờ đầu.

Lọc máu (Hemoperfusion): với cột lọc than hoạt tính hoặc thay huyết tương tỏ ra có hiệu quả. Lọc màng bụng hay chạy thận nhận tạo không hiệu quả, chỉ có chỉ định khi có suy thận cấp.

Thay máu: khi không có lọc máu hoặc thay huyết tương, thể tích máu thay từ 2 – 3 lần thể tích máu bệnh nhân.

• Suy hô hấp: vì oxy làm tăng nhanh quá trình xơ phổi ở bệnh nhân ngộ độc paraquat nên hạn chế dùng oxy trong hỗ trợ hô hấp các bệnh nhân này. Vì thế có thể chấp nhận PaO2 ở mức 60mmHg. Nếu suy hô hấp nên cho thở NCPAP với FIO2 21%.

• Điều trị hạn chế xơ phổi: còn bàn cãi.

Antioxydant: Vitamine c 1000-2000 mg/ngày TM.

Vitamine E 250 mg/ngày.

Antifibrosis: Prednisone 10mg/ngày.

3. Theo dõi bệnh nhân ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat

• Dấu hiệu sinh tồn, SaO2, lượng nước tiểu, chức năng thận.

• X-quang phổi sau 7 ngày, siêu âm theo dõi áp lực động mạch phổi.

Quý bệnh nhân có nhu cầu tư vấn sức khỏe trực tuyến, xin hãy liên hệ với Bác sĩ Luân. Số điện thoại/Zalo 0395621593 hoặc Fanpage Bác sĩ Luân – Bệnh viện Yên Lạc để được hỗ trợ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Luân

Viết một bình luận